Quy hoạch bến xe: Từ hiện thực đến tổng thể

Tìm giải pháp quy hoạch hệ thống bến xe ở Thủ đô

Thứ Năm, 28/06/2012, 14:52
Để giải quyết những tồn tại của hệ thống bến xe Hà Nội, giải pháp không mới và luôn đúng là làm tốt công tác quy hoạch và tuân thủ triệt để quy hoạch đó. Không phải bây giờ Hà Nội mới nghĩ đến việc quy hoạch, sắp xếp hệ thống điểm đỗ, bến bãi của TP. Một đề án nghiên cứu khá tổng thể đã được đưa ra, song đến thời điểm này tất cả vẫn đang nằm trên giấy.
>> Hệ thống bến xe tụt hậu trước tốc độ đô thị hoá của Thủ đô

Lúng túng trong quy hoạch

Nhìn lại sự phát triển, mở rộng hệ thống bến xe của Thủ đô thời gian qua, trừ Bến xe Yên Nghĩa được đầu tư bài bản, hiện đại (nhưng vẫn chưa rõ hiệu quả)  dễ dàng nhận thấy những bến xe mới của TP như Lương Yên, Nước Ngầm gần đây đều được xây dựng trên nền đất là tài sản của doanh nghiệp. Cũng vì là bến "xã hội hóa", bị bó buộc bởi mặt bằng hạn hẹp nên việc đầu tư mở rộng là bất khả thi. Thậm chí hơn một năm nay, sau khi bến Lương Yên (cũ) được trưng dụng để xây cao ốc, thì phần bến mới chỉ được hoạt động dưới hình thức bến tạm. Bến Mỹ Đình mới xây đã quá tải... Bến Phía Nam chưa rõ "số phận sẽ ra sao" - giải tỏa hẳn hay chuyển đổi công năng?... Nói cụ thể hơn, hệ thống bến xe của Hà Nội hiện đang được xây dựng theo kiểu... dần dần, chắp vá, chưa quy  mô đồng bộ.

Cuối năm 2010, Viện Nghiên cứu chiến lược và Phát triển GTVT từng đưa ra kết quả khảo sát đếm xe tại các cửa ngõ Hà Nội, trong tổng số chuyến đi hướng từ nội thành ra ngoại thành, bình quân một ngày là 512.363 lượt người, thì xe khách đảm nhận tới 43,6% trong việc lưu chuyển. Đơn vị này cũng đưa ra dự báo, đến năm 2020, nhu cầu vận tải bằng xe khách của người dân Thủ đô trong một ngày có thể lên tới 829.290 lượt người và lúc này theo tính toán, thì xe khách sẽ đảm nhiệm việc vận chuyển tới 55% thị phần.

Trước dự báo này, Sở GTVT Hà Nội cũng đã từng trình TP đề án quy hoạch giao thông Hà Nội, trong đó có việc quy hoạch các bến xe liên tỉnh. Trong giai đoạn từ nay đến 2015, mục tiêu đặt ra sẽ là nâng cấp cải tạo Bến xe Mỹ Đình, Nước Ngầm thành các bến xe đạt tiêu chuẩn phục vụ khách quốc tế đến từ các nước Lào, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc.  Đồng thời nâng cấp cải tạo và mở rộng quy mô đối với các bến xe Đan Phượng, Phía Nam, Gia Lâm, Sơn Tây, Thường Tín, Yên Nghĩa. Các bến còn lại như Lương Yên, Trạm Trôi (Hoài Đức) không nằm trong quy hoạch, có vị trí không thuận lợi và hay gây ùn tắc giao thông sẽ chuyển đổi thành điểm đỗ xe và công trình dịch vụ công cộng. Tiếp theo là giai đoạn 2016-2020 tiếp tục đầu tư nâng cấp và xây dựng mới các bến xe khách Xuân Mai, bến xe Đông Anh, bến xe Đan Phượng theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Tại bến xe Yên Nghĩa, điểm đỗ rộng rãi, thông thoáng nhưng nhiều nhà xe không mặn mà.

Đề án này cũng chỉ rõ, các bến xe xây dựng mới dự kiến sẽ có diện tích 5-7ha, kết hợp các điểm đầu cuối xe buýt. Cụ thể bến xe liên tỉnh phía Nam (dự kiến tại huyện Thanh Trì giữa QL1 cũ và mới); bến xe liên tỉnh phía Đông (dự kiến vị trí tại khu vực gần nút giao thông giữa đường vành đai 3 và QL5); bến xe liên tỉnh phía Bắc (Đông Anh); bến xe liên tỉnh tại Mê Linh (dự kiến bố trí tại khu vực gần nút giao thông giữa đường vành đai đô thị và tuyến đường Mê Linh - Phúc Yên); bến xe khách liên tỉnh phía Đông Bắc (trên đường Nguyễn Văn Linh, gần nút giao Cầu Chui) đã được UBND thành phố chấp thuận và đang triển khai; hai bến xe liên tỉnh phía Tây (dự kiến bố trí tại khu vực gần nút giao thông giữa đường vành đai đô thị với QL 32 và nút giao giữa đường vành đai đô thị với đường Láng Hòa Lạc); bến xe liên tỉnh phía Tây Nam (mở rộng Bến xe Yên Nghĩa hiện tại).

500 tỷ đầu tư xây mới và cải tạo bến xe, chờ đến bao giờ?

Trong giai đoạn 2011-2015, ngành Giao thông dự  kiến sẽ dành 287 tỷ đồng đầu tư nâng cấp 8 bến xe khách liên tỉnh, với diện tích lên tới 204.314m2, trong đó sẽ xây mới 1 bến và cải tạo 7 bến. Quy mô dự kiến trong số này sẽ có 5 bến xe loại 1 và 2 bến loại 2, 1 bến loại 4. Đứng đầu số tiền cần đầu tư là bến xe khách Sơn Tây với diện tích 35.000m2, với số tiền nâng cấp, cải tạo thành bến xe loại 1, lên tới 83 tỷ đồng. Tiếp sau là xây dựng mới bến xe phía Đông Bắc (đường Nguyễn Văn Linh gần nút giao Cầu Chui), diện tích 17.000m2 với số tiền đầu tư là 50 tỷ đồng. Kế đó là nâng cấp, cải tạo bến Mỹ Đình thành bến xe loại 1 cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế với diện tích 19.812m2, và số tiền đầu tư là 35 tỷ đồng. Sau nữa là bến Nước Ngầm thành bến xe loại 2 với dự kiến tổng mức đầu tư là 28 tỷ đồng. Còn bến xe phía Nam (loại 1), Gia Lâm (loại 2), Thường Tín (loại 4) cũng được đầu tư nâng cấp cải tạo với số tiền dao động từ 22-27 tỷ đồng.

Ngoài các bến trên, thì bến Yên Nghĩa vẫn được giữ nguyên tiêu chuẩn hiện tại, song dự kiến cũng sẽ đầu tư thêm 15 tỷ đồng. Sau khi đã tập trung nâng cấp, cải tạo một số bến xe lớn trong giai đoạn đầu, từ năm 2016 đến 2020, Hà Nội dự kiến sẽ xây dựng thêm 2 bến xe mới và nâng cấp thêm 1 bến xe cũ. Cụ thể, sẽ xây mới bến xe khách Xuân Mai (loại 1), bến xe khách Đông Anh (loại 1) và bến xe khách Đan Phượng (loại 2), với tổng diện tích chừng 108.000m2 và tổng số tiền đầu tư là 108 tỷ đồng.

Đề án là vậy, nhưng trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, đơn vị này đã trình lên UBND TP Hà Nội, nhưng vẫn đang chờ phê duyệt. Trong trường hợp quy hoạch được duyệt, nhìn vào danh mục ưu tiên đầu tư, nhiều người có thể thấy, trong vài năm tới Hà Nội cũng chỉ có thêm 1 bến xe được xây mới, còn những bến khác được nâng cấp với tầm vóc không hơn hiện trạng là mấy. Và, với lưu lượng phương tiện ngày một tăng,  nếu như Sở GTVT Hà Nội, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vẫn cứ cấp phép cho các doanh nghiệp vận tải khách mới vào hoạt động tại các bến nội đô thì việc quá tải sẽ vẫn diễn ra, ùn tắc giao thông nội đô là điều khó tránh. Còn trước mắt, trong thời gian chờ quy hoạch, giao thông Hà Nội sẽ vẫn phải đối mặt với việc bến xe quá tải.

Cần sớm di dời các bến xe liên tỉnh ra khỏi khu vực nội đô

Thượng tá Đào Vịnh Thắng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an Hà Nội) chia sẻ: Hầu hết các bến xe khách liên tỉnh trong nội đô đều rơi vào tình trạng quá tải. Điều này đã, đang ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông trên toàn TP. Dẫn chứng là mỗi ngày lực lượng CSGT xử lý không ít trường hợp xe khách vi phạm bắt khách và dừng đỗ sai quy định. Một trong những biện pháp kéo giảm ùn tắc của Thủ đô là cần sớm di dời bến xe như Phía Nam, Nước Ngầm, Mỹ Đình ra khỏi khu vực trung tâm. Khi đã di dời bến xe, thì những bến cũ sẽ chính là nơi trung chuyển hành khách bằng xe buýt tới các bến xe liên tỉnh. Nếu việc quy hoạch bến xe được đẩy nhanh ngày nào, thì bộ mặt giao thông Thủ đô sớm được cải thiện ngày đó.

Quy hoạch làm sao để thuận tiện cho cả người dân và doanh nghiệp

Ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc Công ty Quản lý bến xe Hà Nội lại nhận định, không phủ nhận việc cần sớm thực hiện quy hoạch bến xe, song ông cho rằng, cái gì cũng có hai mặt. Nếu quy hoạch bến xe theo hướng đưa hết ra ngoài vành đai giải tỏa được áp lực giao thông  thì cũng khó cho các doanh nghiệp và bất tiện cho hành khách. Bởi một lẽ, bến xe lập ra là để phục vụ người dân, dân ở đâu, bến xe ở đó. Làm thế nào để người dân đi lại thuận tiện, an toàn nhất, đơn vị kinh doanh hoạt động ổn định, đấy mới là mục tiêu ta cần hướng tới.

Thanh Huyền – Ngọc Yến
.
.
.