Chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam tăng 36 bậc trong 5 năm qua

Thứ Sáu, 22/01/2016, 08:32
Đột phá về kết cấu hạ tầng trong các lĩnh vực đường bộ, hàng không, đường sắt, đường thủy; Thu hút được một nguồn vốn lớn ngoài ngân sách nhà nước đầu tư vào giao thông; Đặc biệt lần đầu tiên, sau nhiều năm đã giảm số người chết do tai nạn giao thông xuống dưới 9.000 người... Đó là những điểm nhấn mà 5 năm qua, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, ngành Giao thông đã tạo được ấn tượng trong lòng người dân.

Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết ngành Giao thông sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và 4 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Đảng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho hay, bộ mặt kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) của đất nước đã có những chuyển biến hết sức rõ nét.

Cụ thể, đã đưa vào khai thác toàn tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước sớm hơn 1,5 năm so với kế hoạch; hoàn thành nâng cấp, mở rộng QL1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ sớm hơn 1 năm so với kế hoạch; đây là 02 trục giao thông quan trọng nhất chạy dọc theo chiều dài đất nước, có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế đất nước, kết nối các khu vực tăng trưởng trên phạm vi quốc gia, phục vụ hợp tác phát triển quốc tế. Một điểm nhấn nữa đó là 704km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác (vượt 104km so với mục tiêu Nghị quyết số 13-NQ/TW đề ra); đây là các tuyến cao tốc trọng điểm nằm trên trục Bắc - Nam, cao tốc kết nối hai vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam với các cảng biển cửa ngõ và các cửa khẩu quốc tế.

Hạ tầng giao thông phát triển góp phần tăng trưởng kinh tế.

Cũng trong giai đoạn 2011 - 2015 đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo khoảng 4.400km đường bộ và hơn 94.000m dài cầu đường bộ. Về hàng không, Bộ GTVT cũng đã hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án, công trình tại các cảng hàng không quan trọng: Nội Bài (nhà ga T2, nhà khách VIP), Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vinh, Phú Quốc (xây mới), Liên Khương, Pleiku, Thọ Xuân...; các công trình quản lý hoạt động bay: Trung tâm kiểm soát đường dài (ACC) Hà Nội, các trạm giám sát hoạt động bay phụ thuộc (ADS-B) phía Bắc, các trạm radar Sơn Trà, Quy Nhơn... đưa tổng năng lực của các cảng hàng không từ 42 triệu hành khách năm 2010, lên khoảng 70 triệu hành khách năm 2015; mở mới 38 đường bay (23 quốc tế và 15 nội địa), đưa tổng số đường bay từ 105 năm 2010 (72 quốc tế, 33 nội địa) lên 143 năm 2015 (95 quốc tế và 48 nội địa); thu hút thêm 8 hãng hàng không nước ngoài tham gia khai thác các chuyến quốc tế đi/đến Việt Nam (đến nay đã có 52 hãng quốc tế thuộc 24 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia khai thác đi/đến Việt Nam); Chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được thông qua tại Kỳ họp 9, Quốc hội khóa XIII, hiện đang gấp rút triển khai công tác lập Báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 của Dự án.

Về giao thông nông thôn, trong giai đoạn 2011-2015, đã tiến hành xây dựng mới, nâng cấp được 47.436 km đường giao thông nông thôn (GTNT); xây mới 15.474 cầu; cứng hóa được 220.246 km/492.982 km đường GTNT. Đồng thời, chủ động phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; đến hết năm 2015 có 35% số xã trong cả nước đạt tiêu chí về giao thông trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. 

Đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án xây dựng cầu dân sinh đảm bảo ATGT cho vùng dân tộc thiểu số, với mục tiêu xây dựng 4.145 cầu dân sinh tại 50 tỉnh, thành phố. Bộ GTVT đã triển khai và hoàn thành 187 cầu treo dân sinh với tổng vốn đầu tư khoảng 931,7 tỷ đồng trên phạm vi 29 tỉnh phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên từ nguồn vốn ngân sách nhà nước... 

Với thời gian trên, ngành GTVT đã kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho phát triển KCHTGT đường bộ được 186.660 tỷ đồng (trên tổng số 202.556 tỷ đồng huy động được từ trước tới nay).  Lĩnh vực cảng biển thu hút được 121.453 tỷ đồng (trên tổng số 157.600 tỷ đồng huy động được từ trước tới nay). Hệ thống cảng, bến thủy nội địa phần lớn do các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xây dựng hình thành qua nhiều năm, giá trị đầu tư khoảng 18.997 tỷ đồng.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và 4 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Đảng, bộ mặt KCHTGT của đất nước đã có những chuyển biến hết sức rõ nét, nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác. TNGT giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương, đặc biệt lần đầu tiên sau nhiều năm đã giảm số người chết do TNGT xuống dưới 9.000 người. Các báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho thấy, mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam năm 2015 đứng ở vị trí 67, tăng 36 bậc trong 5 năm qua (năm 2010 ở vị trí thứ 103).

Ghi nhận và đánh giá cao những tiến bộ vượt bậc của ngành Giao thông vận tải, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước. Phát biểu tại Hội nghị tổng kết của ngành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lãnh đạo Bộ và toàn ngành Giao thông vận tải cần tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành. 

Trước hết phải tập trung vào thể chế, cơ chế, chính sách, luật pháp để lĩnh vực giao thông vận tải đáp ứng các yêu cầu của cơ chế thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, tạo mọi thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. 

Cùng với đó là rà soát, cập nhật, hoàn thiện chiến lược, quy hoạch giao thông vận tải cả đường bộ, đường sắt, đường thuỷ và đường không; gắn với tăng cường thanh tra, kiểm tra đảm bảo hiệu quả, chất lượng, an toàn và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng các nhu cầu phát triển. 

Song song với việc quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý lãnh đạo Bộ GTVT tập trung chỉ đạo, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ xã hội trong từng dự án cụ thể. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu ngành GTVT tiếp tục nâng cao năng lực vận tải đa phương thức, giảm giá thành, giảm chi phí vận tải, để từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hàng hoá; tiếp tục làm tốt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, quyết tâm giảm tối đa tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí; tăng cường xử lý nghiêm các vi phạm về vận tải và an toàn giao thông.

Hạ tầng giao thông phát triển góp phần tăng trưởng kinh tế. 
Phạm Huyền
.
.
.