Bài toán quá tải ở thành phố không đèn giao thông Đà Lạt

Chủ Nhật, 25/08/2019, 08:12
Trong đợt cao điểm mùa du lịch tại Đà Lạt (Lâm Đồng) vừa qua, người dân, du khách phải thường xuyên đối mặt với cảnh ùn tắc giao thông nghiêm trọng vào giờ cao điểm trong nội ô Đà Lạt.


Nếu không có phương án giải quyết một cách chủ động tình trạng này thì Đà Lạt sẽ không còn sức hấp dẫn của một thành phố du lịch mộng mơ cuốn hút du khách bốn phương...

Giao thông Đà Lạt đã quá tải

Năm 2018, Đà Lạt - Lâm Đồng đón khoảng 6,5 triệu lượt khách, tăng hơn hai lần so với năm 2010. Hằng năm, lượng khách đổ lên Đà Lạt tham quan, nghỉ mát không ngừng tăng cao. Nếu như trước đây, du khách tới Đà Lạt tập trung chủ yếu vào mùa hè hoặc các dịp lễ, Tết, vốn được nghỉ dài ngày thì nay, miền đất này quanh năm dập dìu bước chân lữ khách, nhất là cuối tuần.

Những năm về trước, phần lớn du khách di chuyển lên Đà Lạt bằng xe khách thì nay ngày càng nhiều gia đình, cá nhân lên Đà Lạt du lịch bằng xe ôtô 4 chỗ, 7 chỗ. Cùng với sự gia tăng dân số và các phương tiện cá nhân tại chỗ, đây chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc đường sá Đà Lạt nhanh chóng lâm vào tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông nghiêm trọng vào giờ cao điểm, nhất là mùa du lịch.

Anh Nguyễn Cường, một du khách đến từ Đà Nẵng chia sẻ: “Đà Lạt là thành phố du lịch nổi tiếng nhưng đường sá quá nhỏ, lại xuống cấp, chất lượng mặt đường quá xấu!..”.

Ông Nguyễn Văn Phương, người dân sống ở gần vòng xoay Phan Chu Trinh, TP Đà Lạt, cho biết: “Vào giờ cao điểm, vòng xoay này ngày nào cũng xảy ra cảnh ùn tắc. Mùa du lịch thì khủng khiếp hơn nhiều. Cảnh sát giao thông mà đến chậm 10 phút liền xảy ra cảnh xe cộ chen lấn, nối đuôi nhau kéo dài gần 1km trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Quang Trung, Phan Chu Trinh!...”.

Nếu như trước đây, tại Đà Lạt, cảnh ùn tắc giao thông chỉ được ghi nhận vào giờ cao điểm của mùa du lịch thì nay chuyển sang ùn tắc quanh năm khi thành phố này đã đạt tới khoảng 300.000 dân. Ùn tắc cục bộ nghiêm trọng nhất là vòng xoay Phan Chu Trinh, vòng xoay Ba Tháng Hai, vòng xoay Ba Tháng Tư, khu vực quảng trường Lâm Viên, khu Hòa Bình, đèo Prenn, đèo Tà Nùng...

Với đặc thù là thành phố duy nhất Việt Nam không có hệ thống đèn xanh, đèn đỏ, mọi điều tiết, phân luồng giao thông đều do con người thực hiện, để đảm bảo giao thông, những năm qua Đội CSGT-TT, Công an TP Đà Lạt đã phải làm việc khá vất vả, bất kể mưa hay nắng.

Trung tá Nguyễn Văn Hùng, Đội trưởng Đội CSGT-TT cho biết, ngoài việc cắt cử lực lượng thường xuyên tuần tra, có mặt tại những nút giao thông, điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc để hướng dẫn các phương tiện lưu thông, giảm thiểu tối đa cảnh ùn ứ, Đội còn thường xuyên xây dựng các kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông tham mưu cấp trên chỉ đạo, hoặc đề xuất UBND TP Đà Lạt triển khai.

“Những vòng xoay và điểm giao nhau giữa các tuyến đường ở Đà Lạt rất nhỏ, lại thường xuyên có lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, chỉ cần 2 xe khách 45 chỗ cùng lúc đi vào là gần như cả nút giao thông bị tê liệt hoàn toàn nếu không có CSGT hướng dẫn, phân luồng!..”, Trung tá Nguyễn Văn Hùng cho biết.

Cán bộ CSGT Công an TP Đà Lạt thường xuyên có mặt tại các điểm ùn tắc để phân luồng giao thông.

Giải quyết ùn tắc giao thông bằng cách nào?

Bài toán giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông ở Đà Lạt đã được nhà chức trách địa phương nhiều lần đưa lên bàn nghị sự để tìm lời giải, nhưng đến nay vẫn chưa có “đáp án” và kết quả cụ thể. Với địa hình là đồi núi, dân cư sinh sống ổn định, việc mở rộng các tuyến đường hiện hữu trong trung tâm TP Đà Lạt để giải quyết cảnh ùn tắc gần như là điều không thể.

Trong khi đó, dân số Đà Lạt đang bùng nổ, lượng khách du lịch lên thành phố này năm sau luôn tăng hơn năm trước, cùng với đó là sự gia tăng nhanh chóng các phương tiện giao thông cá nhân khiến cho Đà Lạt đang lâm vào cảnh chật chội, quá tải nghiêm trọng.

Ông Phùng Khắc Đồng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo TP Đà Lạt khẩn trương di dời chợ Phan Chu Trinh và Trường thiểu năng Hoa Phong Lan để mở rộng nút giao thông Phan Chu Trinh, giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại vòng xoay này. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã tính đến giải pháp cấm xe khách 45 chỗ vào nội ô Đà Lạt.

Loại xe này khi tới Đà Lạt buộc phải đậu bên ngoài. Du khách sẽ vào thành phố bằng xe trung chuyển hoặc phương tiện công cộng. Hiện UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao cho UBND TP Đà Lạt và huyện Đức Trọng phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu, xây dựng các bãi đậu xe bên ngoài thành phố.

Bà Trần Thị Vũ Loan, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho biết, thành phố đã xác định được 4 vị trí xây dựng bãi đậu xe. Gồm bãi đậu xe tại khu vực gần Trại Mát, phường 11, quy mô 4,7ha. Xe khách lưu thông lên Đà Lạt từ hướng Ninh Thuận lên sẽ đậu ở bãi này. Xe khách hướng từ Nha Trang lên sẽ dừng tại bãi đậu xe ở vòng xoay Đa Ra Hoa, phường 12.

Tại khu vực Cam Ly, phường 5 cũng được xây dựng một bãi đậu xe rộng 2,7ha. Xe khách di chuyển từ QL20 vòng qua huyện Lâm Hà lên Đà Lạt sẽ đậu ở bãi này. Đặc biệt, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao cho các sở, ngành phối hợp với UBND TP Đà Lạt và huyện Đức Trọng xây dựng bãi đậu xe rộng khoảng 25ha ngay dưới chân đèo Prenn, cửa ngõ đi vào TP Đà Lạt. Xe khách lên Đà Lạt từ QL20 sẽ dừng ở bãi đậu xe này, sau đó đưa người vào nội ô Đà Lạt bằng xe trung chuyển hoặc xe buýt.    

Tuy nhiên, theo ông Phùng Khắc Đồng, để xây dựng các bãi đậu xe trên cần phải có lộ trình và nguồn vốn lên tới cả nghìn tỷ đồng, trong khi hiện nay nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Lâm Đồng đã hết. Giải pháp huy động vốn được đưa ra là kêu gọi xây dựng các bãi đậu xe bằng nguồn vốn xã hội hóa từ các nhà đầu tư.

Khắc Lịch
.
.
.