Giao thông sơ suất nhỏ, nỗi đau lớn

Cần xem lại khâu đào tạo, sát hạch lái xe (bài cuối)

Thứ Hai, 14/03/2016, 09:18
Một câu hỏi được đặt ra, xe chạy trên đường phần nhiều là xe số tự động, thế nhưng khi đào tạo lại là số sàn. Vậy việc học một đằng, ra thực tế một kiểu, liệu có phải là một trong những nguyên nhân gây tai nạn? Phải chăng khâu đào tạo, sát hạch lái xe còn có vấn đề?

Bên cạnh các vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện không có bằng lái gây ra, thì cũng có không ít vụ TNGT do chính những người vừa học ra trường, thậm chí có những người đã lái xe được nhiều năm do đạp nhầm chân ga, và phanh.

Một câu hỏi được đặt ra, xe chạy trên đường phần nhiều là xe số tự động, thế nhưng khi đào tạo lại là số sàn. Vậy việc học một đằng, ra thực tế một kiểu, liệu có phải là một trong những nguyên nhân gây tai nạn? Phải chăng khâu đào tạo, sát hạch lái xe còn có vấn đề?

Học xe số sàn, ra lái xe số tự động, người học phải tự làm quen xe

Như những số liệu chúng tôi đã dẫn ra, chỉ trong vòng 5 năm qua, lực lượng CSGT Hà Nội đã xử lý tới 53.501 người điều khiển phương tiện không có bằng lái. Tuy nhiên, đây mới chỉ là số người đã bị lực lượng CSGT phát hiện khi kiểm tra các lỗi vi phạm khác. Còn lại những người cầm vô lăng không có giấy phép lái xe nhưng chưa bị CSGT “sờ gáy” hẳn sẽ là con số chưa thể thống kê.

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho rằng, việc không có giấy phép lái xe mà vẫn điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông là vi phạm quy định tại khoản 1, Điều 58 Luật Giao thông đường bộ. Để ngăn chặn những trường hợp này cần tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Người học lái xe số sàn cần làm quen với xe số tự động trước khi tham gia giao thông.

Một vấn đề nữa được dư luận đặc biệt quan tâm phía sau những vụ tai nạn giao thông xảy ra do lỗi đạp nhầm chân phanh và chân ga trên xe ôtô số tự động chính là vấn đề đào tạo, cấp giấy phép lái xe.

Anh Hoàng Nghĩa Cường, thành viên diễn đàn Otofun chia sẻ: Khi điều khiển xe số tự động, nếu rơi vào những tình huống bất ngờ, người điều khiển phương tiện, nhất là những người mới lái xe - rất dễ mất bình tĩnh đạp nhầm chân ga. Bởi lẽ, khi được đào tạo để cấp bằng lái xe, họ lại được cấp bằng lái xe số sàn với 3 vị trí là chân ga, chân phanh và côn. Nên, khi lái xe số tự động, nếu không bình tĩnh xử lý tình huống, việc luống cuống đạp nhầm chân ga dẫn đến những hậu quả đáng tiếc là điều dễ xảy ra.

Thế nhưng, khi chúng tôi đặt vấn đề, học xe số sàn, nhưng ra lái xe số tự động, liệu có dẫn đến tâm lý chủ quan của người lái xe, và chúng ta có cần xem lại quy trình đào tạo hay không thì bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam lại cho rằng: Nguyên lý điều khiển xe số sàn và xe số tự động là giống nhau, nhưng đối với xe số sàn, người lái xe phải phối kết hợp nhiều động tác hơn như phanh, ga, côn và số; còn đối với xe số tự động nhờ áp dụng công nghệ mới, người lái xe chỉ phải phối hợp phanh, ga.

Vì vậy, điều khiển xe số tự động đơn giản hơn xe số sàn. Học lái xe ôtô do đó phải học bằng xe số sàn là cơ bản.  Người được cấp giấy phép lái xe ôtô theo quy định được phép lái cả xe số sàn và số tự động, nhưng trước khi tiếp cận với bất kỳ loại xe mới nào, đều cần phải tìm hiểu và làm quen xe.

Phó Tổng cục trưởng cũng nhấn mạnh thêm: Trên thực tế có nhiều người được đào tạo lái xe từ lâu, chưa được tập lái xe số tự động, nhưng hiện vẫn đang lái loại xe này bình thường. Những người đã lái xe số sàn khi cần lái xe số tự động phải tự tìm hiểu kết cấu xe, làm quen xe là có thể điều khiển xe số tự động, do nguyên lý điều khiển xe số sàn và xe số tự động là giống nhau, nhưng thao tác chuyển số xe số tự động ít và đơn giản hơn xe số sàn. Trường hợp gây tai nạn do đạp nhầm chân phanh và chân ga đối với xe số tự động, thì cũng có thể xảy ra tương tự như đối với xe số sàn.

Giám sát chặt khâu đào tạo, nâng cao đạo đức người lái xe

Theo tìm hiểu, phóng viên được biết theo Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT ngày 7-11-2012 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, trước năm 2015, việc đào tạo lái xe hạng B quy định thời gian tập lái trên đường làm quen với xe ôtô số tự động là 10h, nay nâng lên 32h (theo quy định mới tại Thông tư số 58/2015/TT-BGTVT ngày 20-10-2015) trong tổng số 340 giờ thực hành đối với hạng B1 và tổng số 420 giờ thực hành đối với hạng B2. Việc đào tạo để cấp giấy phép lái xe ôtô số tự động hạng B1 từ 01-01-2016 theo quy định mới là 340h thực hành.

Tính đến nay, cả nước có 324 cơ sở đào tạo lái xe ôtô và 105 trung tâm sát hạch lái xe. Năm 2015 đã đào tạo, cấp mới 512.760 giấy phép lái xe ôtô. Mặc dù trung tâm sát hạch khá nhiều, song trên thực tế, theo đánh giá từ lực lượng CSGT, thì nhiều người điều khiển phương tiện sau khi được cấp bằng, họ không nắm chắc kiến thức, không thể hiểu hết về kỹ thuật xe. Điều này cũng đồng nghĩa với việc họ không thể tự khắc phục được các lỗi cơ bản của xe.

Thậm chí, nhiều người lái xe quay đầu giữa đường, thay vì quan sát qua gương, lại thò hẳn đầu ra ngoài cửa xe để nhìn cho dễ, song khi bị lực lượng CSGT tuýt còi, xuống xe họ vẫn thắc mắc mình vi phạm lỗi gì?

Bởi vậy, theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Hà Nội, cần phải giám sát chặt chẽ từ khâu đào tạo lái xe, nhất là vấn đề đạo đức người lái xe. Vị này cũng kiến nghị nên giao việc sát hạch cấp GPLX cho Bộ Công an.

Từ 1-4 chính thức sát hạch cấp GPLX số tự động

Sau khi Bộ Giao thông vận tải đưa việc đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe số tự động hạng B1 vào Thông tư số 58/2015/TT-BGTVT ngày 20-10-2015, theo báo cáo của các địa phương đến nay đã có 238 người đăng ký dự học. Việc sát hạch để cấp giấy phép lái xe ôtô số tự động hạng B1 được thực hiện từ 1-4-2016, nên đến nay chưa từng có người nào được cấp giấy phép lái xe loại hình này.

P.Huyền-N.Hương
.
.
.