Cần ủng hộ xu hướng kinh doanh sử dụng công nghệ cao
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong xu hướng kinh doanh cũng sẽ có sự xung đột rất gay gắt giữa mô hình truyền thống và xu hướng kinh doanh mới. Uber, Grap chỉ là một hiện tượng của xu hướng kinh doanh mới, bản chất là chia sẻ nền kinh tế số.
Theo ông Cung, dù muốn hay không sẽ vẫn tồn tại loại hình hoạt động truyền thống này, tuy nhiên, tiềm năng của nền kinh tế số là rất lớn.
Lực lượng Thanh tra giao thông đang kiểm tra taxi truyền thống gần khu vực bệnh viện. |
“Đừng vì một hiện tượng mà ngăn cản những xu hướng kinh doanh mới. Chúng ta không nên sử dụng mô hình truyền thống để cạnh tranh với ngành nghề kinh doanh áp dụng công nghệ mới. Ông Nguyễn Đình Cung cho biết, những phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới có thể chưa được khuyến khích mạnh, có thể phải chịu những rào cản kỹ thuật nào đó, nhưng không có nghĩa là triệt tiêu phương thức kinh doanh này. "Lúc này quản lý Nhà nước cũng phải suy nghĩ theo thị trường, theo sự phát triển của công nghệ và phương thức kinh doanh mới, chứ không phải dùng thủ tục hành chính can thiệp", ông Cung chia sẻ.
Bên cạnh đó, PGS. TS Ngô Trí Long- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) thì đưa ra quan điểm: Cần đổi mới tư duy, quan niệm về mô hình kinh doanh mới. “Trong nền kinh tế hiện đại thì doanh nghiệp có xu hướng chuyên môn hóa. Họ chỉ tập trung vào một hoặc một số công đoạn trong chuỗi.
Chẳng hạn với việc sản xuất 1 cái kim, doanh nghiệp làm từ A-Z sẽ có năng suất thấp hơn doanh nghiệp làm từng công đoạn một. Lợi ích của việc sử dụng công nghệ là tính minh bạch cao, giúp hành khách và người điều khiển phương tiện tiết kiệm trong trao đổi giá, góp phần điều tiết giao thông trong giờ cao điểm với cách tính giá cước cao.
Kết quả thí điểm theo Quyết định 24/QĐ-BGTVT là minh chứng rõ ràng nhất cho hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ phần mềm trong hoạt động của các đơn vị vận tải, biến các hợp tác xã vận tải nhỏ lẻ trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm, buộc các hãng taxi phải nhanh chóng cải tiến công nghệ, chất lượng dịch vụ để phục vụ hành khách tốt hơn”- PGS. TS Ngô Trí Long cho hay.
Còn theo ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), Nghị định 86 cần sửa đổi rất nhiều. Nhưng với việc dự thảo mới của Nghị định đưa ra nhiều điều kiện kinh doanh hơn so với Nghị định chưa sửa đổi là chưa phù hợp.
Như vậy, việc bổ sung thêm điều kiện kinh doanh cần được xem xét lại. Đồng quan điểm, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP Hồ Chí Minh cho biết: “Bức xúc nhất là khiếu nại của hàng nghìn lái xe taxi chính thống không được thể hiện trong dự thảo sửa đổi Nghị định. Uber, Grab chỉ là đơn vị bán và cho thuê phần mềm hay chính họ là đơn vị kinh doanh vận tải?
Chúng tôi ủng hộ quan điểm coi Uber, Grab là đơn vị kinh doanh vận tải như taxi và phải chịu sự quản lý như taxi. Hợp đồng điện tử chỉ là phương thức giao kết, không phải mô hình kinh doanh”. Theo vị này, dự thảo sửa đổi Nghị định 86 không nên phát triển thêm loại hình vận tải khác như: Xe điện tử, taxi điện tử… ngoài các loại hình đã có. Taxi chính thống có thể tăng thêm tiện ích, phương tiện thanh toán...
“Để tồn tại taxi điện tử là "bức tử" doanh nghiệp taxi chính thống”- ông Tạ Long Hỷ nhấn mạnh. Ủng hộ việc đưa ứng dụng công nghệ vào hoạt động vận tải, đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội cũng thông tin: “Bản thân các doanh nghiệp taxi thuộc Hiệp hội hiện nay cũng đã đưa ứng dụng vào hoạt động.
Nhưng điều chúng tôi mong muốn là quản lý hoạt động vận tải sử dụng công nghệ như thế nào để đảm bảo công bằng với loại hình taxi truyền thống. Với chương trình thí điểm còn rất nhiều tồn tại như trên nhưng dự thảo Nghị định sửa đổi lần này, Bộ GTVT vẫn không đưa ra được các giải pháp hiệu quả để khắc phục tồn tại đó”.
Tính đến nay, Dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP đã được 4 lần trình Chính phủ nhưng không được phê duyệt nên tiếp tục được lấy ý kiến do còn nhiều điều kiện kinh doanh, quy định bất hợp lý. Nghị định này là văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) có hiệu lực năm 2008. Luật GTĐB đã ban hành được 10 năm và có tới 3 Nghị định hướng dẫn. Theo các chuyên gia, chỉ một Luật mà có đến 3 phương án hướng dẫn thì dễ dẫn đến tùy ý trong thực thi và việc dự thảo sửa đổi Nghị định lần thứ 4 này được lấy ý kiến nhiều lần cho thấy xung đột cũ - mới chưa giải quyết được…
Vẫn còn nhiều trường hợp xe khách cố tình thay đổi kết cấu phương tiện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, mới đây đơn vị vừa phối hợp với Thanh tra Sở GTVT Hà Nội kiểm tra đột xuất xe khách tại các bến xe, phát hiện một số trường hợp không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn và khí thải. Trước thực tế này, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, những trường hợp phương tiện còn hạn đăng kiểm nhưng cơ quan kiểm định đánh giá không đạt tiêu chuẩn kiểm định đều bị đình tài, buộc phải sửa chữa khắc phục và sau khi được cấp chứng nhận đăng kiểm mới được cho hoạt động trở lại. Ngoài ra, trường hợp cố tình vi phạm như thay đổi kết cấu phương tiện còn bị phạt tiền theo quy định. Tuy nhiên, theo đại diện Thanh tra Sở GTVT, lực lượng Thanh tra không dễ xử lý các trường hợp phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn kiểm định giữa hai kỳ đăng kiểm, bởi phải căn cứ vào kết quả của cơ quan, đơn vị kiểm định phương tiện. |