Cấm xe máy vào nội ô liệu có khả thi?

Thứ Ba, 04/09/2018, 09:01
Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) có Đề án mới trong đó có nội dung cấm xe máy vào trung tâm thành phố đã nhận nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này.

Ùn tắc giao thông là nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông tại TP Hồ Chí Minh nhiều năm qua. Để giải quyết vấn đề này, mới đây Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) có Đề án “Tăng cường vận tải giao thông công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới giao thông ở TP Hồ Chí Minh”, trong đó có nội dung cấm xe máy vào trung tâm thành phố đã nhận nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này. 

Theo lộ trình, từ nay đến năm 2020: Hạn chế xe máy trong giờ cao điểm trên 2 tuyến đường Trường Sơn (quận Tân Bình) và Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1); hạn chế xe máy từ 7 đến 19h các tuyến đường Pasteur (từ Lý Tự Trọng đến Điện Biên Phủ) và đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (từ Điện Biên Phủ đến Lý Tự Trọng).

Từ năm 2021 đến 2025: Hạn chế xe vào quận 1, được giới hạn bởi các tuyến đường: Võ Văn Kiệt - Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng - Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Văn Cừ. Từ năm 2026 đến 2030: Hạn chế tiến đến cấm hẳn xe máy vào khu vực trung tâm (các quận 1, 3, 5 và 10) được giới hạn bởi các tuyến đường Võ Văn Kiệt - Châu Văn Liêm - Hồng Bàng - Lý Thường Kiệt - Bắc Hải - Cách Mạng Tháng Tám - Võ Thị Sáu - Đinh Tiên Hoàng - Tôn Đức Thắng.

Cùng với hạn chế xe máy, đề án cũng đề xuất kiểm soát việc đỗ xe ôtô trong khu vực trung tâm thành phố, xây dựng khung giá dịch vụ giữ xe theo giờ và theo khu vực. Hạn chế cấp phép giữ xe trên lòng đường, vỉa hè...

Tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Theo đề án, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trong thời gian này giữ vai trò chủ đạo cho đến khi hệ thông vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn (metro, monorail) hình thành theo quy hoạch đến 2030. 

Về giải pháp phát triển xe buýt, đề xuất đến năm 2020 xe buýt đáp ứng được 8,9 - 12,2% nhu cầu đi lại của người dân tại TP Hồ Chí Minh, trong đó đáp ứng 25 - 30% nhu cầu đi lại ở khu vực trung tâm. Để thực hiện điều này, cần phát triển thêm 55 - 120 tuyến xe buýt, nâng tổng số toàn mạng lưới xe buýt lên 192 - 255 tuyến với khoảng 4.200-4.800 xe buýt hoạt động.

Về lộ trình cấm xe máy vào trung tâm thành phố, nhiều chuyên gia cho rằng giải pháp tăng chuyến xe buýt là không khả thi, không thu hút được hành khách, chưa kể là mới đây Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đồng ý tạm ngưng hoạt động 2 tuyến xe buýt số 149 (Công viên 23-9 – Tân Phú – Bến xe An Sương) và tuyến số 40 (Bến xe Miền Đông – Bến xe Ngã Tư Ga) vì ế khách.

Kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn, với hơn 30 năm kinh nghiệm làm quy hoạch và kiến trúc nhiều nơi trên thế giới, cho biết: “Phải xem lại lộ trình cấm xe máy vào trung tâm thành phố, với lộ trình như đề án là khó khả thi. 

Trước khi cấm xe máy thì phải đảm bảo người dân đi lại bằng phương tiện gì? Vì không chỉ tăng chuyến xe buýt là được, mà tăng gấp hàng chục lần cũng khó đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Xe buýt có đảm bảo đời sống cho người dân như đi chợ, đi học, đi làm, đi chơi,... 

Trong 24 giờ, người thì đi hướng này, người đi hướng khác, đi ở các khung giờ khác nhau, vậy làm như thế nào để xe buýt đảm bảo các nhu cầu đó của người dân? 

Liệu xe buýt có thể đi đến tất cả các con đường, con hẻm trong thành phố hay không? Đó là chỉ nói riêng khu vực trung tâm chứ chưa nói đến nhu cầu đi lại của người dân từ ngoại thành vào trung tâm để làm việc, vui chơi. 

Hiện nay, cơ sở hạ tầng cả nước ta chưa chỗ nào đảm bảo cho việc thực hiện đề án cấm xe máy vào trung tâm thành phố, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai địa phương thường xuyên bị ùn tắc giao thông. Chúng ta cần tổ chức quy hoạch lại toàn bộ và có lộ trình phù hợp hơn, cả về cơ sở hạ tầng đến phương tiện giao thông”.

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng cấm xe máy vào trung tâm thành phố không phải là giải pháp tốt trong quản lý giao thông đô thị. Vấn đề của nhà quản lý là phải đưa ra nhiều giải pháp đi lại để người dân lựa chọn, người dân thấy phương tiện nào thuận lợi, phù hợp với mình thì họ đi. 

Ở nước ngoài, giao thông công cộng phủ khắp, cơ sở hạ tầng được quy hoạch bài bản, nhiều người giàu có vẫn chọn đi lại bằng phương tiện công cộng, vì nó an toàn, thuận tiện, đúng giờ, sạch sẽ, văn minh.

“Nếu các phương tiện công cộng đáp ứng được nhu cầu của người dân thì tôi sẵn sàng không đi xe máy vào trung tâm thành phố. Nhưng thử hỏi, tôi là người kinh doanh, khi khách yêu cầu giao hàng gấp ở một địa điểm nào đó trong khu vực cấm xe máy, vậy tôi chuyển hàng bằng cách nào? 

Đợi xe buýt sẽ lâu, thêm chi phí mua vé thì giá thành hàng hoá cao khó bán, xe buýt có cho vận chuyển hàng hoá hay không và còn nhiều vấn đề bất cập khác”, anh Khánh ở quận Tân Phú nói.

“Nếu tăng từ 4.200 đến 4.800 xe buýt hoạt động, có thể lúc đó lại kẹt xe buýt không chừng. Vấn đề là phải quy hoạch lại đô thị, hiện các toà nhà chọc trời cứ mọc lên ở các quận trung tâm, mỗi toà nhà hàng trăm hàng ngàn nhân viên, mỗi người một xe máy hoặc một ôtô, thì việc kẹt xe là đương nhiên. Và không chỉ xe máy mà ôtô cũng là nguyên nhân gây kẹt xe. 

Đang lúc kẹt mà ôtô đi lấn làn đường, hai ba ôtô đi hàng ngang thì xe máy phải leo lên lề, làm càng thêm kẹt xe và mất trật tự giao thông”, anh Nhựt ở quận 3 bức xúc nói. 

Anh Thiên ở quận 1 cùng quan điểm: “Thử nhìn lại xem vấn nạn kẹt xe trên đường dù là đại lộ có phải tác nhân là xe ôtô dừng, đậu và chạy quẹo loạn trong tất cả các làn xe, nhất là làn xe dành cho xe gắn máy. Xin hãy thật sự công bằng hay đường phố chỉ là dành riêng cho người có tiền mua ôtô mà thôi?”. 

“Theo tôi không nên cho xây nhà cao tầng trong thành phố. Bạn hãy hình dung cao ốc 61 tầng nếu cho thuê làm văn phòng thì số lượng người hằng ngày đến đó là bao nhiêu? Vậy xin hỏi đến năm nào thì cấm được xe máy vào trung tâm thành phố, nói thì dễ, vấn đề là làm được hay không”, anh Thắng ở quận 3 nói. 

Thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước đưa ra rất nhiều giải pháp để hạn chế xe máy, như cấm biển số xe ngoài tỉnh, mỗi người chỉ được đăng ký một xe môtô hoặc xe gắn máy, điều chỉnh giờ làm việc của các cơ quan nhà nước. 

Nhưng tất cả các giải pháp này chưa phát huy tác dụng, vì sự tiện ích của chiếc xe máy mang lại cho người dân là rất lớn. Từ sự tiện ích của xe máy mà mọi giải pháp hạn chế xe máy trong đô thị của các cơ quan chức năng không mang lại hiệu quả, nên vẫn loay hoay với giải pháp là “cấm” mà không giải quyết được vấn đề. 

Theo các chuyên gia, để không còn tình trạng ùn tắc giao thông thì vấn đề không phải là cấm xe máy vào trung tâm thành phố, mà cần phải xây dựng một lộ trình phù hợp, xây dựng mạng lưới giao thông công cộng chất lượng, hiện đại; xây dựng ngay mạng lưới hạ tầng giao thông theo kịp với sự phát triển của xã hội.

Nhân Sơn
.
.
.