Các hãng hàng không nói gì khi mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất

Thứ Bảy, 03/03/2018, 07:59
Mặc dù vấn đề mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là cần thiết, là cấp bách, nhưng đến nay, phương án mở rộng về hướng nào, mở rộng bao nhiêu, có nên xây đường băng mới hay không… vẫn là điều đang gây nhiều tranh luận dù Bộ GTVT đã thuê hẳn một đơn vị tư vấn độc lập của Pháp vào cuộc.


Tại cuộc họp gần đây nhất với Bộ GTVT, trên cơ sở đánh giá khả năng nâng cao công suất sân bay Tân Sơn Nhất, tư vấn đề xuất 6 phương án mở rộng. 

Trong đó có 5 phương án mở rộng về phía Nam, phía Bắc đạt công suất 50 triệu hành khách/năm với một số giải pháp chính như: dịch chuyển đường cất hạ cánh (CHC) 07R/25L về phía Đông khoảng 180m, rút ngắn chiều dài CHC 07R/25L từ 3.800 m xuống còn 3.656m; xây mới đường lăn thoát nhanh, đường lăn song song giữa 2 đường CHC, đường lăn song song giữa đường CHC 25L/07R và đường lăn E6, đường lăn vòng; nâng số lượng vị trí đỗ máy bay tại sân đỗ theo quy định mới của Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO) nhằm tối ưu hóa năng lực sân đỗ và giải quyết tình trạng ùn tắc. 

Tư vấn cũng đưa ra phương án mở rộng để nâng công suất lên 70 triệu hành khách/năm với điều kiện phải xây dựng đường CHC số 3 và khu nhà ga về phía Bắc.  Song tư vấn ADP-I khuyến cáo chọn phương án mở rộng về phía Nam và phía Bắc đạt công suất 50 triệu hành khách/năm. Trong đó, tại phía Nam sẽ xây dựng nhà ga hành khách T3 và mở rộng sân đỗ máy bay trước nhà ga này trên phần đất do quân sự quản lý. 

Về phía Bắc (lấy cả diện tích sân golf hiện hữu) sẽ xây dựng các công trình bảo đảm hậu cần sân bay như nhà ga hàng hóa, logistics đồng bộ, sửa chữa máy bay và các công trình dịch vụ kỹ thuật khác như suất ăn, xăng dầu, tập kết mặt đất… Tổng mức đầu tư theo phương án này là 30.793 tỉ đồng, chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng.

Thủ tướng yêu cầu trong tháng 3, Bộ GTVT phải báo cáo Thường trực Chính phủ phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.

Trước các phương án, giải pháp tư vấn đưa ra ở trên, ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho rằng: “Báo cáo của đơn vị tư vấn chưa quan tâm nhiều đến việc khai thác của các hãng hàng không”. 

Vị này lấy dẫn chứng: “VietNam Airlines chiếm 47% số lượng hành khách, hàng hoá. Nếu giờ đưa nhà ga hàng hoá, khu vực sửa chữa máy bay ra phía Bắc, chúng tôi ủng hộ nhưng vẫn phải bố trí ở phía Nam để các việc phục vụ được thuận lợi nhất, lại không ảnh hưởng đến việc cất hạ cánh. Hiện tại sân bay Tân Sơn Nhất,  Tổng Công ty hàng không Việt Nam còn phục vụ tới hơn 50 hãng, khi có vấn đề không thể cùng lúc yêu cầu họ di chuyển từ phía Nam sang phía Bắc được. Như vậy, với những chuyến bay đường dài như châu Âu sẽ bị ảnh hưởng”. 

Tổng Giám đốc của Vietnam Airlines cũng cho rằng, 5 năm qua kết cấu của hành khách trên thị trường hàng không đã rất lớn, vì vậy nên tách biệt hàng không giá rẻ. Nhà ga mới nên để dành cho hàng không giá rẻ vì thị phần nội địa hàng không giá rẻ đã chiếm hơn 60%.

Trong khi đó, đại diện Hãng hàng không VietJet lại nhấn mạnh, trong bối cảnh quá tải Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, giải pháp cấp bách trước mắt là cần đầu tư xây dựng sớm Nhà ga hành khách T3 với công suất khoảng 15 - 20 triệu HK/năm và các công trình phụ trợ đồng bộ (hoàn thành công trình trong khoảng 2 năm). Để giai đoạn 1 của dự án có thể triển khai nhanh, quỹ đất sử dụng cần tận dụng các khu vực đã sẵn có hoặc dễ dàng khi di dời, GPMB (khu vực doanh trại của E917, E918…). 

Song song với đầu tư xây dựng Nhà ga HK T3, cần tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện các công trình khu bay để tối đa năng lực cất hạ cánh của Cảng. Cần nghiên cứu các phương án nâng tối đa công suất Cảng Hàng không hiện tại để khai thác các tài nguyên và nguồn lực phát triển cho TP. HCM, có thể thêm 1 Nhà ga hành khách công suất 15 – 20 triệu khách và các cơ sở hậu cần, kỹ thuật, kho bãi phục vụ cho Cảng Hàng không. 

Với quan điểm phát triển nhiều hơn 1 cảng hàng không tại các thành phố lớn, đại diện hãng VietJet nhận định: Thực tiễn trên thế giới và trong khu vực (Bangkok - Thái Lan, Kuala Lumpur - Malaysia, Jakarta – Indonesia, Tokyo – Nhật Bản, Taipei, Taiwan hay ở Châu Âu như London, Paris, Moscow… đều có từ 2 – 4 sân bay) cho thấy, việc phát triển cùng lúc 2 cảng hàng không (hoặc nhiều hơn) đối với 1 thành phố tới 10 triệu dân, đầu tàu kinh tế cả nước là cần thiết để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không. 


Thủ tướng yêu cầu trong tháng 3, Bộ GTVT phải báo cáo Thường trực Chính phủ phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: CTV

Đối với báo cáo của ADPi, Hãng hàng không Vietjet bổ sung thêm: Chúng tôi đặc biệt quan tâm và đề nghị cần xem xét cẩn trọng 2 nội dung là: Phương pháp dự báo để lập điều chỉnh quy hoạch: Theo đánh giá của ADPi, đến năm 2025, sản lượng hành khách thông qua Cảng HKQT Tân Sơn Nhất sẽ đạt khoảng 51 triệu hành khách và sản lượng hàng hóa đạt khoảng 960.000 tấn hàng hóa. Dự báo của ADPi tương đương với tỷ lệ tăng trưởng trung bình 4,5%/năm đối với sản lượng vận chuyển hành khách và 5,5%/năm đối với sản lượng vận chuyển hàng hóa (giai đoạn 2017-2025).

Mặc dù còn khá nhiều ý kiến, song mới đây, vào đầu tháng 3, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về phương án quy hoạch mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. 

Theo đó, kết luận tại cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh việc nghiên cứu mở rộng, nâng cao năng suất của Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là rất quan trọng từ nay đến năm 2020, các cơ quan chức năng liên quan cần khẩn trương đề xuất để quyết định phương án khả thi nhất, bảo đảm đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, bảo đảm an toàn và môi trường.

 Bộ Giao thông vận tải tiếp thu các ý kiến hợp lý, khoa học của Nhóm tư vấn (gồm cả các phương án do Công ty Tư vấn công trình hàng không - ADCC đề xuất), phối hợp với Tư vấn nước ngoài ADP-I hoàn thiện phương án mở rộng và lập điều chỉnh Quy hoạch, báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trước khi báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 3-2018.

Phạm Huyền
.
.
.