COVID-19 bùng phát, vận tải hành khách đìu hiu
Ngày 1/2, ngày đầu tiên sinh viên nhiều trường tại Hà Nội được nghỉ Tết chính thức. Nếu như những năm trước, các bến xe đã tấp nập từ sáng sớm và đa phần đến chiều phải dùng đến phương án tăng cường xe để giải toả hành khách, thì năm nay tình hình trái ngược hẳn. Trước cửa bến xe Mỹ Đình, người dân vào ra lác đác. Nhân viên quầy bán vé thong dong ngồi chờ khách.
Ông Lý Trường Sơn, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình chia sẻ: "Tôi từng làm ở bến xe nhiều năm nay, nhưng chưa năm nào thấy cảnh bến xe gần Tết mà đìu hiu đến vậy. Ngày hôm nay, ngoài 800 lượt xe xuất bến như dự kiến thì bến đã tăng cường thêm 10% số xe, song đến 12h trưa, nhìn lượng khách vào ra bến, chúng tôi khẳng định luôn là không phải dùng đến xe tăng cường nữa. Nếu ngày thường, bến đón đưa khoảng 6000-8000 hành khách/ngày, thì nay là ngày cao điểm Tết, nhưng chỉ có khoảng 3.000-4.000 khách/ngày. Thậm chí có ngày còn ít hơn. Số xe xuất bến cũng chỉ đạt tới 40-50%”.
Lượng khách qua bến xe đang giảm mỗi ngày. |
Tình cảnh này cũng diễn ra tương tự ở bến phía Nam và bến xe Nước Ngầm. Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe phía Nam thổ lộ: “Mọi năm tầm này bến nhộn nhịp lắm nhưng năm nay khách chỉ bằng 50% lượng khách năm ngoái”.
Tuy nhiên, khi được hỏi về giá vé xe dịp Tết, Giám đốc bến xe phía Nam thông tin, dù vắng khách nhưng các nhà xe vẫn rục rịch tăng giá. Hiện bến xe đã nhận được thông báo tăng giá vé của một số tuyến về huyện tỉnh Thanh Hoá. Giá vé tăng tới 40-50% so với ngày thường.
Trong khi khách qua bến vắng, thì việc nhiều nhà xe bỏ bến ra chạy ngoài cũng khiến lãnh đạo các bến xe đứng ngồi không yên. Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát cho hay, hiện tại bến có gần 100 nốt xe của hàng chục doanh nghiệp không hoạt động hoặc hoạt động với tỷ lệ rất thấp, chỉ từ 10 - 30%.
“Phần lớn doanh nghiệp bỏ nốt thuộc các tuyến Thanh Hóa, Ninh Bình và Nam Định. Trong đó, có những nhà xe hoạt động với quy mô khá lớn như: Công ty CP ôtô Ninh Bình, tỷ lệ nốt hoạt động cao nhất cũng chỉ hơn 20%, tương ứng khoảng 5 - 7 chuyến/ngày. Trong khi trước đây, doanh nghiệp này có gần trăm chuyến hoạt động. Hay Công ty CP Du lịch thương mại và đầu tư Thiên Trường, đăng ký tuyến đi Ninh Bình nhưng bỏ không hoạt động ở bến”, ông Thành nói.
Ông Thành cho biết thêm, hầu hết nhà xe bỏ bến, hoạt động không đủ tỷ lệ quy định được chuyển từ bến xe Mỹ Đình về. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng hành khách giảm nên nhiều đơn vị cũng đăng ký giảm số nốt xuống. Ông Trịnh Hoài Lam, Phó giám đốc bến xe Nước Ngầm cũng thông tin, tình trạng xe bỏ bến xảy ra từ năm 2018 đến nay. Hiện, bến có gần 200 nốt xe bỏ bến, chưa kể một số nốt xe có tần suất hoạt động thấp. Phần lớn các nhà xe bỏ bến thuộc tuyến Nước Ngầm - Nam Định và Nước Ngầm - Thái Bình. Các tuyến này được điều chuyển từ bến xe Mỹ Đình về vào năm 2017.
Một lãnh đạo Bến xe Miền Đông (BXMĐ) cho biết, hiện các doanh nghiệp vận tải (DNVT), nhà xe thương hiệu tại BXMĐ mới chỉ bán được hơn 255 nghìn vé, chủ yếu là vé đi xe giường nằm về khu vực miền Trung, Tây Nguyên từ ngày 24-28 Tết. Lượng vé xe giường nằm ở BXMĐ trong những ngày cao điểm Tết vẫn còn hơn 70 nghìn chỗ xuất bến trước ngày 23 tháng Chạp và những ngày cuối cùng của năm Âm lịch vẫn chưa bán được.
Trong khi đó, tổng sản lượng phục vụ khách đợt cao điểm tết này của các đơn vị vận tải, nhà xe hoạt động trong BXMĐ lên tới gần 540 nghìn chỗ, riêng ghế ngồi chiếm 326 nghìn chỗ hiện mới chỉ bán được rất ít. Dịch bệnh xảy ra căng thẳng ở nhiều địa phương ngay trước dịp cao điểm vận chuyển khách Tết khiến hành khách đi xe về quê năm nay được dự báo sẽ sụt giảm mạnh. Thời điểm này cũng chỉ có hơn nửa trong số 164 DNVT, nhà xe, chủ yếu là xe thương hiệu trong BXMĐ áp dụng tăng giá vé dịp cao điểm Tết.
Trước một loạt thông tin như gần 210 nghìn công nhân đang làm việc tại các khu chế xuất, KCN ở TP Hồ Chí Minh không về quê dịp Tết; Sở GTVT thành phố yêu cầu dừng vận chuyển khách đến những dịch phương có dịch; TP Hồ Chí Minh sẽ cách ly 21 ngày với những người quay trở lại TP từ vùng dịch sau Tết…, đại diện một nhà xe trong BXMĐ ngao ngán cho hay, ngành vận tải khách, nhất là vận tải khách liên tỉnh bằng đường bộ đã phải gồng mình cầm cự cả năm qua do dịch bệnh, khó khăn về kinh tế khiến lượng khách đi lại sụt giảm mạnh. Tình hình này coi như vụ Tết năm nay các DNVT, nhất là những DN sử dụng xe ghế ngồi tiếp tục phải đối mặt với chuyện từ thua đến lỗ.
Theo ông Nguyễn Hoàng Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh cho hành khách đi lại dịp Tết, rạng sáng ngày 1-2 BXMĐ đã thực hiện phun khử khuẩn toàn bộ khu vực bến. Khách đến BXMĐ phải thực hiện đeo khẩu trang, khử khuẩn, kiểm tra thân nhiệt và thực hiện khai báo y tế để truy vết trước khi lên xe. Nếu phát hiện xe về từ khu vực vùng dịch, BXMĐ sẽ phối hợp với chính quyền TP Thủ Đức giữ xe ở khu vực vùng ven còn đất trống; kiên quyết không để vào khu vực nội thành hoặc vào bến.
Tuy nhiên, việc thực hiện giãn cách hành khách đối với khách đi xe giường nằm còn có thể thực hiện, với khách đi xe ghế ngồi là chuyện rất khó. Đồng thời hành khách cần tính toán giờ ra bến, lên xe để tránh quá tải, dồn ứ khách tại bến khiến việc giữ khoảng cách gặp khó khăn. Từ câu chuyện phòng chống dịch bệnh tại các bến xe chính thống dịp cao điểm Tết cũng đặt ra vấn đề quản lý, giám sát phòng chống dịch bệnh đối với xe hợp đồng chạy tuyến cố định đang đầy rẫy ở TP Hồ Chí Minh hiện nay.
Tại Bến xe Miền Tây (BXMT), dịch bệnh cộng với xu hướng tự lái xe ôtô hoặc chạy xe máy về quê do hành trình ngắn cũng đã khiến hoạt động vận tải khách Tết thêm ảm đạm. Thời điểm này các DNVT khách trong bến mới bán được hơn 42 nghìn vé xe Tết. Trong khi đó, khả năng phục vụ khách trong 10 ngày cao điểm tết tại đây lên đến hơn 338 nghìn vé xe các loại. Khách ít nên hiện cũng mới chỉ có khoảng 1/3 trong số 153 DNVT trong BXMT thực hiện tăng giá vé dịp Tết.
Tết đã cận kề, nhưng thời điểm này vé tàu hỏa từ TP Hồ Chí Minh về nhiều tỉnh, thành trên cả nước vẫn còn số lượng rất lớn. Cụ thể, sau 2 đợt mở bán vé tàu Tết, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn vẫn còn vài chục nghìn vé tàu chưa thể bán. Trong đó vé đi trước Tết từ ga Sài Gòn, Biên Hòa đến Nha Trang, Hà Nội cũng còn đến cả chục nghìn chỗ.
Chiều ngược lại sau tết cho khách đi từ Hà Nội đến các ga Nha Trang, Biên Hòa, Sài Gòn cũng còn số lượng rất lớn. Ðể khuyến khích khách đi tàu hỏa dịp Tết, năm nay vé tàu Tết đã được giảm 10 - 20% so với Tết năm ngoái. Những khách mua vé tàu khứ hồi còn được giảm thêm 5%, thậm chí khách đi tàu sớm được giảm đến 30% giá vé… Thực trạng trên cho thấy, vận tải khác Tết năm nay vẫn chưa thể thoát khỏi cảnh ảm đạm do dịch bệnh.