Hoảng loạn với những vô lý của hệ thống đèn tín hiệu giao thông

Thứ Tư, 24/08/2016, 09:25
Đặt đèn tín hiệu giao thông đặt ngay dưới dốc cầu, đã có nhiều xe tuột thắng lao tự do khi dừng đèn đỏ trên dốc. Nhiều vụ TNGT đã xảy ra dưới dốc cầu Chánh Hưng, cầu Thị Nghè, cầu Bùi Hữu Nghĩa…


Một người bạn đi từ đường Phạm Hùng, phía quận 8 qua cầu Chánh Hưng để rẽ về Hưng Phú, bị một xe phía sau va quẹt bực tức trút bầu tâm sự: “Không có nơi đâu như ở xứ mình, đèn xanh đỏ giao thông lại đặt ngay chân cầu. Muốn rẽ trái về Hưng Phú đang trên cầu Chánh Hưng, dốc khá cao, người điều khiển phương tiện phải rẽ ngang qua làn trái, dành cho ôtô các loại. Đã từng xảy ra tại đây xe chở rác càn quét mấy chiếc xe hai bánh nằm lăn lóc. Và ngay trên dốc cầu Chánh Hưng khi dừng xe cũng là nơi thường xuyên xảy ra các tai nạn va quẹt nhau, khi đèn đỏ bật lên, dòng xe lưu thông đột ngột dừng khi đang đổ dốc cầu”. 

Tương tự cầu Chánh Hưng, hàng loạt cây cầu bắc qua kênh rạch hiện đang trong tình trạng như vậy, đèn xanh, đỏ đặt ngay dưới dốc cầu. 

Ông Tư một người vá xe gần đó cho biết hình như năm nào cũng có mấy vụ chết người do xe máy và ôtô gây ra. Còn chuyện xe va quẹt nhau hằng ngày thì như cơm bữa. Nhìn con lương trên dốc cầu móp méo thì biết, đã có bao nhiêu xe lao vào đây. Tự thân cơ quan quản lý đã vi phạm Luật Giao thông. 

Theo điểm C, khoản 2, Điều 18 Luật Giao thông đường bộ qui định: cấm dừng, đỗ xe trên cầu, gầm cầu… nhưng tại các giao lộ ngay dốc cầu lại có đèn tín hiệu giao thông, buộc tất cả các phương tiện phải dừng trên cầu.

Đèn xanh đỏ dốc cầu Chánh Hưng.

Nhiều giao lộ đèn giao thông đặt bất hợp lý nhưng không ai điều chỉnh. Trên đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức) khi lưu thông vào đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông trước chùa An Lạc giao với Hiệp Bình có lắp đèn tín hiệu để phân luồng, nhưng người dân khu vực này rất bức xúc. 

Mỗi khi đi vào Hiệp Bình, ai cũng lo sợ khi gặp đèn xanh. Cứ đứng trơ trơ giữa dốc đợi dòng xe từ phía đường Kha Vạn Cân dừng đèn đỏ mới dám qua đường. Đó là chưa kể lúc đợi tàu lửa, căng thẳng vô cùng. Chỉ cần xe tuột thắng, coi như…  xong đời. 

Do đó, rất nhiều người đi từ hướng Gò Vấp về Thủ Đức muốn rẽ vào Hiệp Bình thường vượt đèn đỏ cho an toàn, tránh cảnh nguy hiểm khi đứng chênh vênh trên dốc. Việc cho phép đi thẳng hay rẽ trái theo tín hiệu đèn, có lẽ hợp lý với những đường nhỏ; còn các đường lớn, nhiều làn xe thường trở nên nguy hiểm. Ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Thị Thập (quận 7), xe máy không thể rẽ trái khi làn ôtô đang chạy thẳng. Chạy cắt đầu ôtô thì quá nguy hiểm.

Đoạn giao Chu Văn An - Phan Văn Trị - Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh) đèn xanh bật lên cùng lúc hai đường Chu Văn An, Phan Văn Trị, nên người lưu thông tại đây phải quan sát cả hai đường mới tránh tai nạn có thể xảy ra. 

Ngã tư Nguyễn Thị Nghĩa - Phạm Ngũ Lão (quận 1), Cách mạng Tháng Tám và Võ Văn Tần là những nút giao mà đèn tín hiệu một hướng qui định chỉ đi thẳng, còn một hướng chỉ quẹo trái nên đụng đầu nhau, chồng chéo gây ùn tắc.

Nhiều nơi, đèn tín hiệu giao thông phân bổ thời gian không hợp lý thường chỉ 30 giây, trong khi luồng xe vừa đi thẳng vừa được phép rẽ phải như ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Thị Minh Khai. Tuy là đường một chiều, nhưng hai làn ôtô hướng Nguyễn Thị Minh Khai nháy đèn rẽ nối đuôi nhau, làn xe hai bánh và ôtô đi thẳng  chỉ còn cách nằm bẹp tại chỗ chưa qua đường thì hết đèn xanh.

Do đó, thời gian gần đây, biết vi phạm khi chạy xe trên vỉa hè, nhưng dòng xe hai bánh vẫn tràn lên vỉa hè Trường Lê Quý Đôn để đến ngã tư lao ra đứng khỏi vạch sơn dành cho người đi bộ. 

Tương tự tình trạng này, từ ngã tư Nguyễn Đình Chiểu giao với Pasteur đến Điện Biên Phủ, có không ít xe gắn máy tràn lên vỉa hè để chạy, do có một dòng xe đậu sát hè phải, 2-3 dòng ôtô tràn ra chiếm hết đường.

Lúc ùn tắc trên Điện Biên Phủ, các nút giao ngang hầu hết đèn tín hiệu chỉ 30 giây trở xuống, dòng xe trên đường Điện Biên Phủ chưa thể thoát qua ngã tư, lập tức giao thông ùn tắc, kẹt xe nghiêm trọng hằng ngày tại tất cả đường ngang cắt Điện Biên Phủ.

Một cán bộ ngành Giao thông cho biết sự bất cập này do tầm nhìn và quy hoạch chúng ta không có. Hơn chục năm trước, khi xây cầu Nguyễn Tri Phương đã từng có phương án xây vượt trên cao nối cầu Chánh Hưng, nhưng do kinh phí thiếu nên dự án đã bỏ qua. 

Cũng giống như đường giao thông dưới dạ cầu hiện hữu, do cầu quá thấp, nên các loại xe có chiều cao không thể lưu thông. Bất cập tầm nhìn đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến ATGT và TNGT.

Quan sát một số điểm giao thông trong thành phố, càng thấy sự bất cập lộ rõ hơn. Tại nhiều nút giao rất cần đèn tín hiệu giao thông thì không ai quan tâm, lắp đặt như: Đoạn giao Lý Thường Kiệt - Bắc Hải nối dài (quận 10), đường nối Sư Vạn Hạnh - Thành Thái… với các bệnh viện: 115, Viện Tim, Bệnh viện Quận 10… dòng xe ôtô, xe hai bánh, người đi bộ tấp nập mỗi ngày nhưng không có đèn tín hiệu giao thông, khiến cho tình hình giao thông nơi đây thường xuyên hỗn loạn, rối rắm. Người dân, tài xế xe ôm phải đứng ra điều tiết giao thông. Một bất cập khác thuộc về công tác kiểm tra, bảo dưỡng, bảo trì.

Tại đầu đường Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận) hiện nay, lưu lượng người và xe lưu thông từ hướng Phổ Quang và Phạm Văn Đồng để ra hướng Hoàng Văn Thụ. Phan Đăng Lưu rất đông mỗi ngày, kể từ khi Nguyễn Kiệm trở thành đường một chiều. Nhưng người tham gia giao thông vô cùng ngạc nhiên khi pha đèn xanh rẽ trái, phải vào Hồ Văn Huê chỉ hơn mười giây. Không có cơ quan chức năng nào quan tâm điều chỉnh hợp lý hơn.

Hoàng Châu
.
.
.