Xén dải phân cách đường Nguyễn Chí Thanh: Bài học về tầm nhìn...

Chủ Nhật, 21/01/2018, 08:32
Nếu công tác quy hoạch tốt, dự báo được sự phát triển của phương tiện và cơ sở hạ tầng thì Hà Nội sẽ tiết kiệm được ngân sách khi việc mở rộng triển khai 8 làn đường xe chạy trên đường Nguyễn Chí Thanh phải được triển khai ngay từ khi cải tạo cách đây hơn 16 năm. 

Đến thời điểm này, dự án xén dải phân cách mở rộng đường Nguyễn Chí Thanh đã thực hiện được khoảng 95% khối lượng công việc. 8 làn xe chạy trên đường Nguyễn Chí Thanh bước đầu cho kết quả khả quan trong việc giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại tuyến đường này cũng như các đường lân cận. 

Tuy nhiên, đây cũng là bài học trong công tác quy hoạch giao thông đô thị và dự báo sự phát triển của phương tiện, cơ sở hạ tầng; nhằm tránh lãng phí và gây cản trở giao thông khi thi công.

Dự án xén dải phân cách mở rộng mặt đường Nguyễn Chí Thanh (đoạn từ nút giao đường Láng đến nút giao Đê La Thành) kết hợp chỉnh trang cây cảnh, thảm cỏ trên dải phân cách đường Trần Duy Hưng-Nguyễn Chí Thanh do Sở Giao thông vận tải Hà Nội làm chủ đầu tư.

Mục tiêu của dự án là tổ chức giao thông tuyến đường Nguyễn Chí Thanh (đoạn từ nút giao đường Láng đến nút giao Đê La Thành) dài khoảng 1km, nhằm giảm ùn tắc giao thông giờ cao điểm, tạo thuận lợi cho người và phương tiện khi lưu thông tuyến kết hợp chỉnh trang cây xanh, thảm cỏ trên dải phân cách mới sau khi xén và dải phân cách đã xén trên tuyến đường Trần Duy Hưng (đoạn từ nút giao Hoàng Minh Giám đến chân cầu vượt Nguyễn Chí Thanh) nhằm cải thiện vệ sinh môi trường, giảm tiếng ồn, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và cảnh quan đô thị. 

Các phương tiện đã lưu thông trên 8 làn xe tại đường Nguyễn Chí Thanh (Ảnh chụp ngày 20-1).

Về quy mô, dự án xén dải phân cách tuyến đường Nguyễn Chí Thanh (đoạn từ nút giao đường Láng đến nút giao Đê La Thành) để mở rộng lòng đường, bề rộng dải phân cách mới là 4,4m so với gần 20m trước kia; cải tạo hoàn thiện mặt đường bám theo dải phân cách tại vị trí xén... 

Sau khi xén bớt dải phân cách, đường Nguyễn Chí Thanh sẽ mở rộng thành 4 làn xe mỗi bên. Tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 22 tỷ 292 triệu đồng.

Có mặt tại đường Nguyễn Chí Thanh ngày 20-1, theo ghi nhận của chúng tôi, đường Nguyễn Chí Thanh đã được mở rộng và rất thông thoáng. Các phương tiện lưu thông trên 8 làn đường. 

Ông Quản Hoàng Duy, Ban duy tu các công trình hạ tầng giao thông, Sở Giao thông vận tải Hà Nội, đơn vị đại diện chủ đầu tư cho biết, dự án bao gồm 4 hạng mục chính là xén dải phân cách; tổ chức giao thông sơn kẻ vạch đường và biển báo; tổ chức giao thông tại 2 nút đèn tín hiệu Huỳnh Thúc Kháng-Nguyễn Chí Thanh và Chùa Láng-Nguyễn Chí Thanh; hạng mục cây xanh và chiếu sáng trang trí.

Đến thời điểm này, dự án đã hoàn thành được khoảng 95% khối lượng công việc. Riêng hạng mục cây xanh, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã giao cho Sở Xây dựng quản lý. Trong thời gian đầu triển khai dự án, hơn 100 công nhân với khoảng 40 phương tiện máy móc làm việc suốt 24h/24h. 

Hiện nay, những công việc còn lại chủ yếu được triển khai vào ban đêm. Do 8 làn đường đã được đưa vào sử dụng nên tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm tại đường Nguyễn Chí Thanh cũng như các tuyến đường lân cận đã được cải thiện đáng kể. Theo dự kiến, khối lượng công việc còn lại sẽ được hoàn thành trước tháng 2-2018.

Khi dự án xén dải phân cách mở rộng đường Nguyễn Chí Thanh được Hà Nội đưa vào triển khai, nhiều ý kiến cho rằng, dự án này đã cho thấy những yếu kém, thiếu tầm nhìn trong quy hoạch giao thông của Hà Nội trước đây. 

Liên quan đến vấn đề này, ông Quản Hoàng Duy cho biết, đường Nguyễn Chí Thanh hiện nay là do nhập lại của đoạn phố Liễu Giai kéo dài và phố Láng Trung, đến tháng 1-1998 mới đặt tên là đường Nguyễn Chí Thanh. Đường Nguyễn Chí Thanh chính thức được khánh thành năm 2001 và được Bộ Giao thông-Vận tải bình chọn là đường đẹp nhất Việt Nam. 

Tại thời điểm đó, mật độ phương tiện giao thông chưa lớn đồng thời nhằm phục vụ mỹ quan đô thị, cơ quan chức năng đã thiết kế dải phân cách giữa đường Nguyễn Chí Thanh rộng gần 20m để trồng hoa và cây cảnh. Tuy nhiên, sau hơn 16 năm, mật độ phương tiện lưu thông tăng mạnh, cơ sở hạ tầng có nhiều thay đổi đã khiến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào khung giờ cao điểm.

Quy hoạch chuẩn giao thông của thế giới là dành 20% lượng không gian dành cho giao thông trong tổng số không gian của đô thị và phải đạt tầm nhìn ít nhất từ 10 năm đến 20 năm. Tuy nhiên, hiện nay, Hà Nội mới chỉ dành khoảng từ 13%-14%, thấp hơn rất nhiều so với chuẩn thế giới. 

Lấy ví dụ về khu Ngoại giao đoàn Vạn Phúc, quận Ba Đình, ông Duy cho biết, sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch thì diện tích dành cho giao thông ở khu vực này còn rất thấp do diện tích xây nhà chiếm dụng cả đất lưu không, đất trồng cây xanh và đất dành cho giao thông. 

Còn đối với riêng đường Nguyễn Chí Thanh, nếu công tác quy hoạch tốt, dự báo được sự phát triển của phương tiện và cơ sở hạ tầng thì Hà Nội sẽ tiết kiệm được ngân sách khi việc mở rộng triển khai 8 làn đường xe chạy phải được triển khai ngay từ khi cải tạo cách đây hơn 16 năm. 

Không những vậy, việc phải thu hẹp diện tích mặt đường trong quá trình triển khai dự án dẫn đến tình trạng ùn tắc cũng gây nên sự lãng phí chung cho xã hội.

Số lượng phương tiện giao thông tăng nhanh, cơ sở hạ tầng phát triển mạnh đã gây áp lực lớn cho Hà Nội trong việc tổ chức giao thông đặc biệt là giải quyết tình trạng ùn tắc. 

Điều này lại càng đặt ra cho những người làm công tác quản lý của Hà Nội phải đặc biệt quan tâm công tác quy hoạch giao thông đô thị với tầm nhìn lâu dài, tránh tình trạng đầu tư hạ tầng giao thông manh mún, tình thế. Câu chuyện đang diễn ra tại đường Nguyễn Chí Thanh là một ví dụ.

Nguyễn Hương
.
.
.