Ám ảnh phí trên những con đường BOT (bài 2)

Phí trên đường BOT: Địa phương xin giảm, Bộ nói tăng theo lộ trình

Thứ Sáu, 22/04/2016, 07:19
Đến tháng 3-2016, một loạt chủ đầu tư các dự án BOT bắt đầu đệ trình văn bản xin tăng phí. Từ đây, mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh. Không thể đứng ngoài cuộc trước bức xúc của người dân, nhiều địa phương cũng gửi văn bản xin giảm phí…


Tỉnh “ngậm ngùi” xin giảm

Theo báo cáo của Sở GTVT Hải Dương, từ ngày cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, QL5 thông báo tăng phí, lưu lượng xe container trên ĐT391 tăng đột biến, kéo theo TTATGT trên tuyến có nhiều diễn biến phức tạp. Trong 3 tháng đầu năm 2016, đã xảy ra TNGT có liên quan đến xe container; ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân hai bên đường, làm hư hỏng kết cấu nền, mặt đường do lượng xe vượt quá lưu lượng thiết kế.

Trước thực trạng này, Sở GTVT Hải Dương đã phải tổ chức cuộc họp bàn với sự tham dự của đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Công an tỉnh và Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam nhằm tìm biện pháp giải quyết tình trạng xe đổ về ĐT391 tăng đột biến.

Câu chuyện xin miễn phí cho phương tiện dưới 7 chỗ ngồi không kinh doanh của người dân phường Bạch Hạc khi qua trạm thu phí đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Ngay sau hội nghị, Sở GTVT Hải Dương đã có báo cáo gửi UBND tỉnh đề xuất phương án cấm xe lưu thông trên ĐT391 theo giờ. Bên cạnh đó, tỉnh Hải Dương đã có văn bản gửi Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam xem xét điều chỉnh giảm mức phí xe container trên QL5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Theo ông Nguyễn Anh Cương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, đề xuất điều chỉnh giảm mức phí cho xe container 4 trục trở lên tại các trạm thu phí trên QL5 và đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhằm tăng lưu lượng xe trên các đường mới và giảm lưu lượng xe vào hệ thống các đường địa phương.

Nếu không giảm mức phí, lượng xe đi vào cung đường tỉnh lộ 391 sẽ không giảm, việc mất ATGT là điều khó tránh. Trong khi đó, tỉnh cũng không cấm được các lái xe nếu họ không vi phạm. Tuy nhiên, từ ngày 15-4, tỉnh đã cắm biển hạn chế phương tiện container vào các giờ cao điểm (từ 6h - 8h, từ 10h30 - 14h và từ 17h - 20h hằng ngày). “Nhưng cấm xe như vậy, cũng sẽ ảnh hưởng đến những phương tiện vốn vẫn hoạt động trên địa bàn” - ông Cương nói.

Tương tự, UBND tỉnh Phú Thọ cũng đã có kiến nghị Công ty CP BOT cầu Việt Trì miễn phí cho phương tiện dưới 7 chỗ không kinh doanh của người dân phường Bạch Hạc. Đồng thời, xem xét giảm phí cho phương tiện ôtô dưới 7 chỗ không kinh doanh của người dân xã Sông Lô, hoặc người dân có quê quán ở phường Bạch Hạc có hộ khẩu thường trú ở các xã, phường khác của TP Việt Trì.

Song, chủ đầu tư chỉ đồng ý miễn giảm 80% phí cho phương tiện của người dân trên địa bàn phường Bạch Hạc; đối với xã Sông Lô giảm 60%. Phương án chưa ngã ngũ và hiện tại, ôtô vẫn lưu thông qua cầu Việt Trì cũ, né trạm BOT cầu Hạc Trì khiến nhà đầu tư bất an và cầu cứu Bộ GTVT.

Trả lời nhà đầu tư, Bộ GTVT cho biết, miễn hay giảm phí cho các phương tiện như thế nào là tùy thuộc vào nhà đầu tư. Nhưng khoản miễn, giảm phí cho các phương tiện nhà đầu tư không được tính vào phương án hoàn vốn, tức thời gian hoàn vốn không được kéo dài hơn hợp đồng đã ký là 20 năm 8 tháng.

Trước đó, liên quan tới trạm thu phí QL1 Quán Hàu, tỉnh Quảng Bình - từng vấp phải phản ứng dữ dội của người dân vì mức phí cao. UBND tỉnh Quảng Bình đã kiến nghị chủ đầu tư là Công ty CP Tasco và Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh xem xét giảm phí cho người dân trên địa bàn vì mức phí 35.000 đồng/xe dưới 9 chỗ ngồi là quá cao so với thu nhập của người dân. Song, 2 nhà đầu tư này đã từ chối với lý do ảnh hưởng đến thời gian thu hoàn vốn của dự án. UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, sẽ tiếp tục kiến nghị lên Bộ GTVT về việc này.

Tăng theo lộ trình đã tính toán cụ thể?

Trong khi các địa phương làm văn bản xin giảm phí, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường lại cho rằng, mức phí BOT tại Việt Nam đang thấp nhất Đông Nam Á.

Tuy nhiên, khi được hỏi lãnh đạo Bộ nghĩ gì về vấn đề phí cao quá sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp, Thứ trưởng Trường cho rằng, để xây dựng phương án BOT, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra 3 điều kiện gồm thời gian hoàn vốn thì trong vòng từ 20-30 năm, tốt nhất là 23-25 năm dựa theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới; mức thu phí và chiều dài tuyến đường đầu tư.

Trên cơ sở đó, thời gian thu phí để tính ra chiều dài đường đầu tư bao nhiêu sẽ ra được tổng mức từ đó hình thành tuyến đường, suất đầu tư cố định. Hiện, Bộ Tài chính thống nhất Bộ Giao thông Vận tải đối với đường cao tốc giá trần mà các nước trong khu vực, Việt Nam lựa chọn 2.000 đồng/xe tiêu chuẩn/km. Hầu hết các tuyến cao tốc đang thu 1.500 đồng/km. Chỉ có cao tốc Hà Nội-Hải Phòng hiện đại nhất Đông Nam Á được đầu tư kinh phí lớn nên được thu 2.000 đồng/km. Các tuyến quốc lộ còn lại thì bình quân hiện nay là 35.000 đồng/lượt xe tiêu chuẩn/trạm.

Một số trạm đề xuất lên 45.000 đồng/lượt trong đó có trạm cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và một số cao tốc khác kết hợp nhiều trạm vào cùng một trạm như trạm Bến Thủy (Nghệ An) thu thay cho cụm trạm BOT một thời gian (dự án tuyến tránh Vinh; dự án tăng cường mặt đường tuyến tránh Vinh; dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1, đoạn Nam cầu Bến Thủy-tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh; dự án nút giao giữa quốc lộ 46 với đường sắt Bắc-Nam; dự án sửa chữa cầu Bến Thủy cũ; dự án nút giao khác mức giữa quốc lộ 1 và đoạn nối quốc lộ 8B cũ).

Phương án hoàn vốn nhà đầu tư cứ 3 năm điều chỉnh một lần, theo tốc độ tăng của CPI lấy bình quân 3 năm đó. Vừa qua, có các trạm đồng loạt tăng phí vì hầu hết các dự án BOT đầu tư giai đoạn 2012-2013 đến  nay đã 3 năm thì tăng phí, trong khi thời gian 3 năm qua CPI có tăng. Có nơi tăng từ 35.000-45.000 đồng/lượt đều tính theo CPI trong khu vực hay vùng đó.

Ngoài ra, một số đơn vị xin tăng Bộ Giao thông Vận tải chưa yêu cầu, tất cả các trạm phí sau ngày 1-6 mới tính toán cho tăng phí. Như vậy, về cơ bản là thu đúng theo quy định và thấp hơn mức quy định của Bộ Tài chính.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, không thể phủ nhận ưu điểm của các dự án đầu tư theo phương thức BOT nhưng cũng phải đánh giá một cách khách quan những điểm bất cập của mô hình này. Thứ nhất, mức phí qua trạm BOT hiện rất cao. Thứ hai, khoảng cách giữa các trạm BOT dày đặc cũng gây bức xúc cho người dân.
Nhóm PV
.
.
.