An toàn đường thủy tại các tỉnh miền Trung: "Mất bò mới lo làm chuồng"
- Tìm thấy 3 thi thể nạn nhân trong vụ lật tàu trên sông Hàn
- Sóng đánh lật tàu, 5 ngư dân nhảy xuống biển
- Tai nạn lật tàu nghiêm trọng tại Nam Định
Tại tỉnh Quảng Ngãi: Qua điều tra thực tế của chúng tôi, hoạt động vận tải khách và du lịch tuyến cảng Sa Kỳ đến đảo Lý Sơn và từ đảo Lớn tới đảo Bé (Lý Sơn) hiện nay đang còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và nguy hiểm. Tuyến vận tải khách từ đảo Lớn đi đảo Bé hiện có gần 10 ca nô cao tốc làm dịch vụ vận chuyển hành khách.
Hành khách chen lấn khi tàu cao tốc cập cảng Lý Sơn. |
Từ đầu năm 2016 đến nay, số ca nô trên đã vận chuyển trên 10.000 lượt khách ra vào đảo Bé, góp phần đáng kể trong việc giúp du khách qua lại đảo Bé tham quan, tắm biển được thuận lợi. Song, vì mới hoạt động nên tuyến đường thủy này còn nhiều bất cập cần được chấn chỉnh.
Theo quy định, mỗi ca nô phải có đủ áo phao cho khách, bình chữa cháy và định vị, các thiết bị này được chủ phương tiện chấp hành đầy đủ. Tuy nhiên, tình trạng chạy quá tốc độ khi ra khỏi cảng của lái tàu thường xuyên diễn ra, khó kiểm soát. Nhiều lái tàu thường xuyên chạy với tốc độ nhanh, các chủ phương tiện tranh thủ chạy nhanh để được nhiều chuyến, nhất là vào các dịp lễ, ngày cuối tuần có đông khách.
Đã có trường hợp một ca nô bị chết máy ngoài biển khi chở khách, rất may được cứu hộ kịp thời. Ông Nguyễn Văn Lê, Chủ tịch UBND xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn cho biết: “Hiện nay người dân tự đầu tư mua ca nô để chở khách từ đảo Lớn ra đảo Bé. Vì thế chúng tôi đề nghị Phòng Kinh tế hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn và Ban Quản lý cảng, các lực lượng Biên phòng, Công an sắp xếp bán vé tàu ca nô, tạo điều kiện cho người dân, khách du lịch đi an toàn.
Đáng quan tâm, tuyến đường thủy từ đảo Lớn đi đảo Bé chưa có phao tiêu dẫn luồng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Vì thế, các lực lượng, ngành chức năng của tỉnh Quảng Ngãi cần phối hợp tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn.
Vụ chìm tàu du lịch Thảo Vân 2 khiến 3 người thiệt mạng. |
Ông Huỳnh Ngà, Chánh Thanh tra Sở GTVT Quảng Ngãi cho rằng, công tác quản lý có nhiều bất cập. Thứ nhất là chưa có tổ chức nào đứng ra quản lý chặt chẽ.Thứ hai là đối với loại ca nô cao tốc là loại ca nô sử dụng tốc độ lớn đi trên biển mà chở khách đi là nó không bảo đảm an toàn cho hành khách đi lại. Thứ ba là thiết bị kỹ thuật an toàn vẫn chưa đầy đủ cho nên không đảm bảo an toàn cho người dân đi lại...
Đặc biệt, nhiều chuyến tàu vận tải khách trên tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và tuyến đảo Lớn – đảo Bé, chủ tàu vẫn để hành khách đứng ngoài đầu tàu một cách mất an toàn khi tàu đang hoạt động trên biển. Thậm chí, hành khách đi tàu cao tốc, đi ca nô tham quan du lịch ở đảo Lý Sơn cũng chưa được quan tâm trang bị đầy đủ áo phao nhằm phòng ngừa rủi ro trên biển.
Trước những bất cập này, lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ngãi đang tập trung chấn chỉnh, xử lý các phương tiện hoạt động thiếu an toàn để phòng tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.
Tại tỉnh Quảng Nam: Vào mùa nắng nóng, bến tàu du lịch đưa người dân và du khách vào, ra xã đảo Tân Hiệp, Cù Lao Chàm, tại Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) rất nhộn nhịp, vì lượng du khách đổ về đây để ra tham quan Cù Lao Chàm rất đông. Thượng tá Trần Văn Ba, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Đại, cho biết, thời điểm này là mùa cao điểm du lịch biển tại Hội An nên trung bình mỗi ngày có từ 1.800-2.000 lượt khách ra đảo Cù Lao Chàm.
Đừng để tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng"! |
Hiện có 118 ca nô (trong đó có 20 ca nô công suất hơn 30CV), 3 phương tiện tàu chợ, 6 tàu gỗ vận chuyển du lịch hoạt động đưa đón khách du lịch cũng như người dân ra Cù Lao Chàm và ngược lại. Đơn vị thường xuyên phối hợp với lực lượng CSGT đường thủy Công an tỉnh Quảng Nam; Ban quản lý bến tàu, Ban quản lý bảo tồn biển Hội An kiểm tra chặt chẽ lượng khách trên các tàu, đảm bảo đúng, đủ số người quy định; Nếu phát hiện tàu nào vi phạm, lực lượng chức năng kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm.
Đại tá Nguyễn Đức Chỉ, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam, cho hay, để bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa, thời gian qua, đơn vị thường xuyên tăng cường công tác tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường thủy nội địa trọng điểm, tập trung kiểm tra, xử lý các phương tiện thủy kinh doanh vận tải hành khách, không đảm bảo an toàn, chở quá tải hành khách. Trong 5 tháng đầu năm 2016, đã phát hiện, lập biên bản 73 trường hợp vi phạm ATGT đường thủy nội địa; xử phạt 61 trường hợp với số tiền hơn 50 triệu đồng…
Cấp cứu nạn nhân vụ chìm tàu trên sông Hàn. |
Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế: Từ nhiều năm qua, thuyền rồng chạy trên sông Hương đã trở thành một hình ảnh quen thuộc đối với du khách đến Huế. Mỗi tối, có hàng chục chiếc thuyền rồng neo đậu san sát tại bến thuyền Tòa Khâm, TP Huế, để chờ đón khách du lịch. Ông Nguyễn Khoa Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch Ban Quản lý bến xe, thuyền TP Huế cho biết, hiện Ban đang quản lý 128 thuyền rồng, trong đó có 50 chiếc thuyền đôi và 78 thuyền đơn.
Theo Quyết định số 31 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về quản lý hoạt động vận tải hành khách du lịch đường thủy nội địa, các doanh nghiệp hoặc chủ tàu thuyền muốn hoạt động chở khách du lịch trên sông Hương phải có giấy đăng kiểm; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; bảo hiểm nhân sự; thuyền trưởng phải có bằng lái... “Theo quy định, thuyền rồng trước khi xuất bến phải được kiểm tra giấy chứng nhận đăng kiểm và các giấy tờ liên quan.
Đặc biệt, đơn vị còn cử cán bộ xuống trực tiếp thuyền để kiểm tra xem chủ thuyền có bố trí áo phao, phao cứu sinh, phương tiện PCCC và có lập danh sách du khách đi thuyền hay không. Nếu thuyền nào chở quá 35 người/thuyền đôi và 15 người/thuyền đơn thì chắc chắn không cho xuất bến để bảo đảm an toàn”, ông Dũng nói.
Tìm kiếm nạn nhân vụ chìm tàu trên sông Hàn, Đà Nẵng. |
Thiếu tá Lê Hồng Hà, Trưởng phòng CSGT đường thủy Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, thời gian qua, lực lượng đơn vị đã tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn du khách đi thuyền rồng. Đặc biệt, trong giờ cao điểm từ 15h đến 21h hàng ngày, đơn vị luôn bố trí tổ kiểm tra các thuyền du lịch trước khi xuất bến để xem các thuyền có tình trạng dồn ép khách hay không.
Từ thực tế cho thấy, vấn đề an toàn cho hoạt động vận tải khách, đặc biệt là khách du lịch, trên tuyến đường thủy ở một số tỉnh, thành phố ở miền Trung đang có nhiều “lỗ hổng” đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có biện pháp chấn chỉnh kịp thời để đảm bảo tuyệt đối ATGT, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông đường thủy; giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.