NSND Trần Hiếu, Kasim Hoàng Vũ, Trọng Bắc lịch lãm trong đêm nhạc của Đình Nguyên

Thứ Hai, 29/01/2018, 11:37

Vừa qua, những nhạc phẩm một thời được “đốt cháy” thêm một lần nữa trên sân khấu “Chuyện tình mùa đông”, đánh dấu sự trở lại của ca sỹ Đình Nguyên sau nhiều năm vắng bóng. Sự kiện được diễn ra tại Nhà hát VOV (37 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM), là sự hội tụ và thăng hoa của những “gentleman” của nhạc Việt, minh chứng cho câu “gừng càng già càng cay”.


Nếu chương trình ở Hà Nội, Đình Nguyên xuất hiện trong tâm thế của một lãng khách thì với “Chuyện tình mùa đông” diễn ra tại TP.HCM, anh như một đứa con đi xa vừa trở về và mang chút tình mà anh gọi là “quà mọn”, để tri ân những người đồng hành với mình hơn 10 năm qua. Họ là nguồn năng lượng bền bỉ, bất tận giúp ca sỹ gốc Đà Lạt kiên định, tự tin vào con đường mà mình đã chọn.

Ca sỹ Đình Nguyên trở lại sân khấu sau nhiều năm vắng bóng.

Nằm trong chuỗi sự kiện đánh dấu sự trở lại của nam ca sỹ Đình Nguyên từ Bắc vào Nam nhưng “Chuyện tình mùa đông” ở TP.HCM là một đêm nhạc hoàn toàn độc lập với những ca khúc khác, những gương mặt khác so với chương trình ở Hà Nội, Đà Nẵng, Đà Lạt vừa qua. Đồng hành trên sân khấu tối qua cùng Đình Nguyên có sự góp mặt của người thầy đầu tiên và duy nhất của anh – NSND Trần Hiếu và những bạn bè như các ca sỹ Trọng Bắc, Kasim Hoàng Vũ, Pha Lê, Huỳnh Long… 

So với “quả đầu xù mì Hàn Quốc ngố ngố” thời mới vào nghề sau chiến thắng Á quân tại Liên hoan Tiếng hát truyền hình TP.HCM 2004 – một cuộc thi âm nhạc đình đàm thời kỳ đó, Đình Nguyên giờ đây chín đầy về giọng hát cũng như chỉn chu hơn về mặt hình thức.

Hai thầy trò NSND Trần Hiếu song ca "Hà Nội và tôi".

Chất giọng nam trung đặc biệt với quãng giọng rộng, âm vực lên cao xuống thấp linh hoạt giúp Đình Nguyên có khả năng chạm vào lòng người nghe khi hát “Những bước chân âm thầm” (Sáng tác: Y Vân), “Đời không còn nhau” (Sáng tác: Diệu Hương), “Quê hương tuổi thơ tôi” (Sáng tác: Từ Huy), “Dấu chân địa đàng” (Sáng tác: Trịnh Công Sơn), 2 ca khúc “Em đẹp nhất đêm nay” và “Cảm ơn đêm nay” của nhạc sỹ Vũ Quốc Việt… Ca khúc “Nỗi buồn mùa đông” (nhạc ngoại, lời Việt: Anh Bằng) từng được biết đến nhiều qua tiếng hát Như Quỳnh thì giờ qua tiếng hát trầm, ấm, truyền cảm của Đình Nguyên mang một sắc vị mới.

Ở tuổi 37, Đình Nguyên chọn hình ảnh của mình rất rõ rệt, đó là hình ảnh của một “gentleman” – quý ông hát. Và quý ông đó muốn kể những bức tranh đẹp bằng thẩm mĩ âm nhạc của mình. Trong bức tranh đó, không phân biệt nhạc mới hay nhạc cũ. Cũng không có ai là trung tâm. Chỉ có một nhân vật chính ở đây, đó là âm nhạc, là cái Đẹp. Và anh “rủ rê” những người khác cùng mình làm đầy bức tranh đó, bằng các mảnh ghép âm nhạc, mỹ cảm của họ.

NSND Trần Hiếu gây sốt khi thể hiện ca khúc "Đừng nói tôi già" ở tuổi 82.

Đó là NSND Trần Hiếu – người thầy đầu tiên và cũng là duy nhất của Đình Nguyên. Xuất hiện trong đêm nhạc của học trò, với chiếc mũ bê-rê và nụ cười hóm hỉnh quen thuộc, người nghệ sỹ già 82 tuổi, cầm micro hát “Đừng nói tôi già” – một ca khúc mà nhạc sỹ Xuân Mai viết tặng ông năm nghệ sỹ tròn 80 tuổi: “Đừng nói tôi già, tôi có già đâu/ Dù tóc hai màu tôi vẫn hào hoa… 

Từ ngày xưa nhân sinh thất thập cổ lai hi/ Ngày nay bấy nhiêu chưa phải là già”. Ông đích thị là một “gentleman” thực thụ, là minh chứng rõ ràng nhất cho cụm từ “gừng càng già càng cay”. Hai thầy trò cũng phối hợp ăn ý, truyền cảm trong một ca khúc đậm tính tự sự là “Hà Nội và tôi” – một ca khúc của nhạc sỹ Lê Vinh.

Nam ca sỹ Trọng Bắc.

Đó còn là Trọng Bắc – cái tên đắt sô tại các phòng trà ở Sài Gòn hiện nay. Đình Nguyên – Trọng Bắc, hai tâm hồn ưa lặng lẽ, hai giọng hát đẹp của xứ Đà Lạt mộng mơ dạt xuống, cùng thăng hoa trong hai ca khúc “Dẫu có lỗi lầm” (nhạc sỹ Hồ Hoài Anh) và “Tình hận” (nhạc ngoại, lời Việt: Phạm Duy) trên sân khấu Sài Gòn. 

Hai gentleman lịch lãm, đứng cạnh nhau hát chuyện tình trong những ngày cuối năm hối hả. Trong âm nhạc, không có nhiều khoảnh khắc đẹp như thế. Trọng Bắc còn gửi tới bản mashup ngẫu hứng nhiều cảm xúc với 2 ca khúc “Mộng dưới hoa” ( Thơ: Đinh Hùng – Nhạc: Phạm Đình Chương) và “Ghen” (Thơ: Nguyễn Bính – Nhạc: Trọng Khương).

Kasim Hoàng Vũ đệm đàn piano, song ca cùng ca sỹ Đình Nguyên. 

Một mảnh ghép khác, tưởng lệch tông lạc điệu thì trên sân khấu “Chuyện tình mùa đông”, hóa ra lại vừa vặn, đó là Kasim. Vẫn là chất rock đó, vẫn là chất khàn đó, nhưng so với thời Sao mai 2004, Kasim giờ đây như một “gentleman” mới. 

Giọng hát đầy trải nghiệm, dày, ấm và gợi. Anh cả đàn piano cả song ca cùng Đình Nguyên một sáng tác của nhạc sỹ Lê Quang – “Khi”. Kasim cũng không quên thể hiện “Mơ về nơi xa lắm” - một ca khúc nổi tiếng của nhạc sỹ Phú Quang, phổ từ thơ của Thăng Thái Long.

Pha Lê là khách mời nữ duy nhất của chương trình.

Pha Lê, cô em gái thân thiết của Đình Nguyên là người nữ duy nhất trên sân khấu “Chuyện tình mùa đông”. Đình Nguyên nói vui, lí do chọn Pha Lê cũng chỉ vì cô là ca sỹ “nam tính nhất” trong số các giọng ca nữ. Xuất hiện trong đêm nhạc, Pha Lê song ca cùng Đình Nguyên tình khúc “Con đường màu xanh” của nhạc sỹ Trịnh Nam Sơn và solo “Cảm ơn người bỏ ta đi”, một sáng tác của nhạc sỹ Võ Hoài Phúc.

Được biết, sau đêm nhạc này, Đình Nguyên sẽ phát hành một single mới cộng tác với một nhạc sỹ trẻ; đồng thời ra một album gồm những ca khúc thể hiện thành công nhất trên sân khấu từ trước đến giờ. Ngoài ra, trong năm 2018, trung bình mỗi quý, anh đều sẽ có sản phẩm giới thiệu đến công chúng của mình.

Cốc Vũ
.
.
.