Xử lý hình sự người đi bộ sai luật, người lấn chiếm vỉa hè, lòng đường

Thứ Tư, 13/12/2017, 10:02
Khi Bộ luật Hình sự (BLHS) sắp có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, dư luận quan tâm tới Điều 260, “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Theo đó, nếu đi bộ sai luật, gây hậu quả chết người hoặc tổn hại sức khỏe nghiêm trọng cho người khác, có thể bị phạt hành chính, hoặc phạt tù cao nhất đến 15 năm. Điều luật này gây ra nhiều luồng dư luận khác nhau. Tuy nhiên, nếu xem xét kĩ BLHS 2015, thì ngay cả hành vi lấn chiếm vỉa hè, nếu gây hậu quả nghiêm trọng cũng có thể bị phạt tù tới 10 năm.

Trước hết, phải khẳng định rằng, người đi bộ cũng là một hình thức tham gia giao thông đường bộ, vì vậy, cần phải được ứng xử như các loại hình giao thông khác. Tại BLHS trước đây, chỉ quy định “người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” mà vi phạm mới bị xử lý.

Nhưng, trước yêu cầu thực tế của xã hội, những người làm luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, theo đó, “người nào tham gia giao thông đường bộ” mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, gây thiệt hại tính mạng hoặc tổn hại nghiêm trọng sức khỏe cho người khác thì đều bị xử lý. Quy định này đảm bảo sự công bằng đối với các chủ thể tham gia giao thông.

Nhiều quán ăn vỉa hè, quán cà phê trên phố Xã Đàn thuộc địa bàn phường Phương Liên dù đã được phản ánh nhưng vẫn tái phạm.

Cũng xuất phát từ việc mở rộng phạm vi điều chỉnh nêu trên, nên một số tờ báo đưa tin, từ 1-1-2018, người đi bộ sai luật có thể bị phạt tù gây ra luồng dư luận trái chiều. Người thì đồng tình, nhưng cũng không ít người phản đối vì cho rằng “đi bộ mà cũng bị phạt tù” thì nhiêu khê…

BLHS quy định, chỉ trong trường hợp “gây thiệt hại cho người khác” mới áp bị xử lý từ phạt tiền đến truy cứu trách nhiệm hình sự đó là gây thiệt hại đến tính mạng hoặc thiệt hại nghiêm trọng sức khỏe người khác. Song, nếu “không gây thiệt hại cho người khác”, người đi bộ vẫn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.

Thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp xảy ra những vụ tai nạn giao thông, làm chết nhiều người xuất phát từ sự cẩu thả, không tuân thủ pháp luật của người đi bộ. Điển hình nhất là tình trạng băng qua đường không đúng nơi dành cho người đi bộ; băng qua dải phân cách cứng; đặc biệt là tình trạng băng qua các tuyến đường cao tốc.

Để tránh người đi bộ, các phương tiện tham gia giao thông đã phanh gấp, gây ra hiệu ứng “đô-mi-nô” đâm vào nhau dây chuyền, hoặc cua tránh gây lật xe, lao xuống vực làm chết người. Trong các trường hợp như vậy, rõ ràng lỗi thuộc người đi bộ, nếu không có điều luật xử lý, sẽ không có tính giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung.

Xem xét các ý kiến phản hồi trên mạng xã hội về quy định phạt tù người đi bộ khi họ gây ảnh hưởng tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng sức khỏe người khác, chúng tôi thấy có ý kiến nêu rằng, sẽ là không công bằng khi xử lý người đi bộ khi mà họ bị đẩy xuống lòng đường do bị lấn chiếm vỉa hè. Vậy những người lấn chiếm vỉa hè có vô can?

Điều 261 BLHS 2015 “Tội cản trở giao thông đường bộ” quy định: “Người nào sử dụng trái phép lề đường, hè phố… làm chết người hoặc tổn hại nghiêm trọng sức khỏe người khác thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Thậm chí có thể bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm nếu làm chết 3 người trở lên; gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên…

Tương tự  như quy định với người đi bộ, nếu hành vi sử dụng trái phép lề đường, hè phố dẫn tới những hậu quả như ghi trong điều luật, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự từ 6 tháng đến 10 năm tù giam.

Theo chúng tôi, việc BLHS 2015 mở rộng phạm vi điều chỉnh là cần thiết, nhằm tránh những bất cập nảy sinh từ thực tiễn và đảm bảo tính công bằng đối với các hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, mở rộng phạm vi điều chỉnh cũng cần phải đi đôi với việc hướng dẫn, cụ thể hóa  những hành vi để đảm bảo tính thống nhất, khách quan trong hoạt động tố tụng hình sự.

Đồng thời cũng để giúp người dân phân biệt rõ mức độ, hành vi vi phạm như thế nào thì bị xử phạt hành chính, bị phạt tiền hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tránh tình trạng đề ra luật rồi để đấy, gây tâm lý “nhờn luật” trong người dân.

Đào Minh Khoa
.
.
.