Bán tiền giả trên mạng có thể bị phạt tù đến 20 năm hoặc chung thân

Thứ Tư, 18/07/2018, 13:33
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội nhan nhản các thông tin rao bán tiền giả. Những hành vi này đã gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc gia. Vậy hành vi này vi phạm pháp luật như thế nào và bị xử lý ra sao?

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Đào Tơ - Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Huy cho biết: Trên mạng xã hội gần đây, các đối tượng liên tục rao bán tiền giả với nhiều mệnh giá khác nhau và hình thức rao bán công khai đa dạng. 

Để dễ bề hoạt động, các đối tượng này thường lập nhiều trang tài khoản trên facebook với nhiều tên khác nhau để rao bán và quảng cáo, thu hút các đối tượng khác cũng như cư dân mạng. Các đối tượng này giao dịch dưới nhiều hình thức: người dùng có thể nhắn tin, gọi điện, gửi tin nhắn facebook hoặc để lại số điện thoại rồi chủ tài khoản facebook sẽ liên hệ lại.

Để đảm bảo không bị cơ quan chức năng truy danh tính, các đối tượng bán tiền giả thường lựa chọn nhiều phương pháp thanh toán khác nhau, chủ yếu bằng các hình thức như: chuyển mã số seri thẻ điện thoại, theo đường gửi nhà xe, … thay vì chuyển khoản qua ngân hàng.

Thông qua các trang mạng có thể thấy các trang tài khoản facebook này thu hút được rất nhiều đối tượng thạm gia bình luận và like trang facebook.

Mặt khác, trên thực tế nhiều người cho hay các đối tượng rao bán tiền giả đều sử dụng tiền thật để lừa những người có lòng tham mua tiền giả lưu hành. Vì thế, nhiều người cho rằng các đối tượng không mua bán, lưu hành tiền giả mà chỉ lợi dụng tiền giả để trục lợi.

Tội phạm về tiền giả là loại tội phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng an ninh tiền tệ của đất nước, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội, quá trình phát triển kinh tế của đất nước cũng như đời sống của nhân dân. Vì vậy, bằng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng cần giám sát một cách chặt chẽ, xác minh làm rõ các cá nhân, đối tượng rao bán, quảng cáo, mua bán tiền giả gây xôn xao, ảnh hưởng xấu đến trật tự trong dư luận.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần tìm hiểu chính xác thực tế và những biến tướng của chiêu trò này. Nếu thật sự có hành vi mua bán tiền giả diễn ra và có nhiều người sử dụng facebook làm môi trường phạm pháp, thì cần nghiêm trị.

Theo quy định tại Điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 thì các hành vi bị cấm như: Làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả.

"Điều 23. Các hành vi bị cấm

1. Làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả.

2. Huỷ hoại đồng tiền trái pháp luật.

...

4. Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật."

Và có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 207 Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả

Điều 207. Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả

1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

3. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Nếu việc rao bán tiền giả chỉ là cái cớ để cho những chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tiền thật của những kẻ tham lam, thì cũng cần được lên án, răn đe thậm chí có thể truy cứu về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 theo đó có thể bị phạt tù đến 20 năm, tù chung thân và áp dụng hình phạt phụ là phạt tiền đến 100.000.000 đồng.

"Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.".

Liên quan tới các hành vi buôn bán, sử dụng tiền giả, Quý độc giả có thể gửi thông tin tố giác tội phạm tới Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), Bộ Công an.

Độc giả có thể gửi thông tin tố giác tội phạm tới Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), Bộ Công an theo địa chỉ này.
Việt Cường
.
.
.