Pháp nhân thương mại phạm tội sẽ bị phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn

Thứ Năm, 11/01/2018, 08:07
Để góp phần bảo vệ và thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 đã bổ sung trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội đối với 33 tội danh thuộc nhóm tội về kinh tế, môi trường và chỉ có 2 tội danh thuộc nhóm các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng.

Đây là điểm đổi mới nổi bật, mang tính đột phá trong chính sách hình sự nước ta, làm thay đổi nhận thức truyền thống về vấn đề tội phạm và hình phạt. Để xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại, BLHS năm 2015 đã bổ sung quy định hệ thống chế tài áp dụng đối với pháp nhân phạm tội, trong đó, phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn pháp nhân thương mại phạm tội được xác định là hình phạt chính.

- Về hình phạt tiền (Điều 77): Về nguyên tắc, hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 50.000.000 đồng. Căn cứ vào nguyên tắc chung như vậy, BLHS năm 2015 đã quy định cụ thể mức phạt tiền trong từng tội danh cụ thể tương ứng với từng khung hình phạt cụ thể.

- Về hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn (Điều 78): Theo quy định tại Điều 78 thì hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn là tạm dừng hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế. Thời hạn đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm.

- Về hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn (Điều 79): Bản chất của hình phạt này là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại phạm tội. Tuy nhiên, phạm vi chấm dứt hoạt động tùy thuộc vào từng trường hợp phạm tội. Theo đó, hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân thương mại được quy định cụ thể là:

Thứ nhất, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn của pháp nhân thương mại trong một lĩnh vực hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân đó phạm tội khi có đủ hai điều kiện sau: (1) hành vi phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; (2) không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra;

Thứ hai, đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động của pháp nhân thương mại trong trường hợp pháp nhân đó được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm.

Như vậy, trường hợp thứ nhất, BLHS quy định yếu tố hậu quả là gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt đặc biệt nghiêm trọng (thiệt hại tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường…) và dấu hiệu không có khả năng khắc phục hậu quả (sự cố) là hai căn cứ để áp dụng hình phạt này.

Trong trường hợp thứ hai, căn cứ để áp dụng hình phạt này là pháp nhân được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm, ví dụ như chỉ để thực hiện hành vi: buôn lậu; trốn thuế; in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước…

Hữu Thành
.
.
.