Người lao động cần điều kiện gì để được hỗ trợ khó khăn do đại dịch?
Theo đó, dự thảo đã quy định rõ các đối tượng và điều kiện để người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được hưởng hỗ trợ. “Trong phạm vi thẩm quyền, Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, việc hỗ trợ sẽ hướng tới đảm bảo đúng đối tượng trong thời gian sớm nhất, không để lòng vòng, không để độ trễ trong thực hiện chính sách như chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ. Công khai, minh bạch, không để trục lợi chính sách”, đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ LĐ- TB&XH Đào Ngọc Dung.
Đối với lao động mất việc, dự thảo quy định người lao động theo chế độ hợp đồng phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương do dịch COVID-19 được hỗ trợ mỗi tháng 1,8 triệu đồng/người, tối đa 3 tháng. Tuy nhiên, điều kiện đối với nhóm lao động này phải có thời gian tạm hoãn, nghỉ không lương từ 1 tháng trở lên tính từ ngày 1-4.
Các cơ quan chức năng đang ráo riết triển khai Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. |
Đồng thời, để nhận được khoản tiền này, người lao động phải có đơn đề nghị hỗ trợ (theo mẫu của cơ quan chức năng) gửi đến chủ doanh nghiệp. Dự thảo nêu rõ, trường hợp doanh nghiệp có quy mô trên 100 lao động hoặc dưới 100 lao động thì người sử dụng lao động gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ lần lượt trực tiếp đến Sở LĐ-TB&XH, Phòng LĐ-TB&XH nơi đặt trụ sở, văn phòng đại diện.
Đối với doanh nghiệp được vay lãi 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động, phải đáp ứng điều kiện có từ 20% hoặc từ 30 lao động làm việc theo hợp đồng lao động trở lên. Số lao động này phải ngừng việc từ một tháng vì lý do dịch bệnh, tính từ ngày 1-4-2020 đến 30-6-2020. Mức hỗ trợ tối đa không quá 3 tháng, thời gian vay tối đa không quá 12 tháng.
Để nhận được khoản hỗ trợ này, chủ doanh nghiệp có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội nơi chủ doanh nghiệp đặt trụ sở, chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh cho vay vốn. Thời gian thẩm định vay vốn là 5 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ của doanh nghiệp.
Hộ kinh doanh cá thể sẽ nhận được mức hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng. Thời gian hỗ trợ tối đa ba tháng (từ tháng 4 đến tháng 6-2020). Điều kiện để hộ kinh doanh cá thể được hưởng chính sách trên là phải có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tại thời điểm ngày 31-12-2019. Tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1-4-2020 theo thông báo của chủ tịch UBND tỉnh, thành phố.
Để nhận được khoản hỗ trợ trên hàng tháng, hộ kinh doanh cá thể gửi hồ sơ đề nghị về UBND xã nơi đăng ký địa điểm kinh doanh xác nhận về việc tạm ngừng kinh doanh; niêm yết công khai trong thời gian 5 ngày làm việc tại trụ sở UBND; tổng hợp, báo cáo gửi cơ quan tài chính cấp huyện để thẩm định, trình chủ tịch huyện quyết định…
Dự thảo cũng quy định người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, được hưởng 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ tối đa 3 tháng, hình thức chi trả theo tháng. Điều kiện để đối tượng này được hưởng là phải chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1-4 đến hết ngày 30-6.
Đối với trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng muốn nhận được khoản tiền này, nộp hồ sơ đề nghị (theo mẫu của cơ quan chức năng) trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐ-TB&XH nơi đang cư trú.
Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ tối đa không quá 3 tháng, thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6, phương thức chi trả theo tháng. Đối tượng được hỗ trợ gồm: Người bán hàng rong; lao động thu gom rác; người làm nghề bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe máy hai bánh chở khách, xe xích lô; người bán lẻ vé số lưu động; người lao động tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.
Tuy nhiên, các đối tượng lao động tự do phải đáp ứng ba điều kiện sau: Không có đất sản xuất nông nghiệp; mất việc làm và không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn nghèo quốc gia quy định tại Quyết định 59/2015 của Thủ tướng; có hộ khẩu thường trú hoặc có đăng ký tạm trú từ ba tháng trở lên trước ngày 1-4-2020 tại địa phương đề nghị hỗ trợ. Để nhận được khoản tiền này, người lao động tự do phải khai một biểu mẫu theo quy định của cơ quan chức năng và gửi UBND xã nơi cư trú hợp pháp.
Bên cạnh đó, dự thảo còn nêu, ngoài các đối tượng lao động tự do được quy định trên, căn cứ vào điều kiện và tình hình thực tế, các địa phương quyết định bổ sung các đối tượng khác và chi trả hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương, các nguồn huy động hợp pháp khác.
Người có công, đối tượng bảo trợ xã hội sẽ được nhận hỗ trợ số tiền 500.000 đồng với thời gian 5 tháng và thực hiện chi trả một lần ngay trong tháng 4 hoặc đầu tháng 5-2020. Đối tượng người nghèo, hộ cận nghèo mức hỗ trợ 250.000 đồng/người/tháng, được nhận hỗ trợ 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6-2020 và thực hiện chi trả một lần.