Người dân giám sát Cảnh sát giao thông như thế nào?

Thứ Năm, 16/01/2020, 13:45
Ngày 15-1, Thông tư 67/2019 của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông chính thức có hiệu lực. Đây là một trong những thông tư được dư luận mong chờ nhất thời gian qua và cũng từng gây tranh luận rất nhiều trong quá trình soạn thảo.

Thông tư nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, vì nhân dân phục vụ.

Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên Bộ Công an có quy định chi tiết về hình thức giám sát thứ năm, đó là thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp.

Người dân không được phép cắt ghép ghi âm, ghi hình Cảnh sát giao thông nhằm mục đích cá nhân của mình.

5 hình thức giám sát đối với cảnh sát giao thông

Theo quy định, người dân sẽ có 5 hình thức giám sát đối với lực lượng CAND trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT). Thứ nhất, giám sát thông qua các thông tin công khai của CAND và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng. Thứ hai, thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật. Thứ ba, thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ (CBCS). Thứ tư, thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Đặc biệt, người dân có quyền giám sát lực lượng CAND trong thi hành công tác đảm bảo trật tự ATGT thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp.

Đây là một trong những quy định mới được người dân ủng hộ, đồng tình nhất. Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT cho biết, người dân có quyền giám sát bằng thiết bị ghi âm, ghi hình nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau: Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của CBCS khi đang thực thi nhiệm vụ; ngoài khu vực bảo đảm trật tự ATGT (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự ATGT) và tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng nhấn mạnh “Chúng tôi tạo điều kiện cho người dân tham gia giám sát hoạt động của CSGT nhưng cũng nên tạo điều kiện cho chúng tôi làm việc chứ không thể lấy lý do giám sát để gí điện thoại vào cán bộ đang làm nhiệm vụ, vì như vậy, sẽ ảnh hưởng đến quá trình làm việc của chúng tôi”. Khi làm nhiệm vụ, các tổ công tác CSGT cũng được trang bị camera giám sát đặt trên xe và gắn trên người CBCS. Hình ảnh ghi được từ các camera này sẽ được truyền trực tiếp về trung tâm nên lãnh đạo đơn vị có thể biết được toàn bộ quá trình làm việc của tổ công tác.

“Việc trang bị camera sẽ giúp lãnh đạo đơn vị nắm được hoạt động của cán bộ. Nếu phát hiện có chống đối hoặc truy bắt tội phạm cần hỗ trợ lực lượng thì đơn vị sẽ điều thêm cán bộ đến ngay để hỗ trợ. Bên cạnh đó, camera cũng ngăn ngừa cán bộ có vi phạm, tiêu cực” - Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng khẳng định.

Người dân được giám sát cảnh sát giao thông ở khu vực nào?

Theo quy định tại Thông tư, khu vực bảo đảm trật tự ATGT là nơi được giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để CBCS thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT và ANTT. Dây căng là dây có nền màu đỏ, chiều rộng từ 5cm đến 10cm; trên dây có in dòng chữ “KHU VỰC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG” màu vàng. Khu vực bảo đảm trật tự ATGT phải tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Tuyên truyền và điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT cho biết, người dân được quyền giám sát CSGT ngoài khu vực đặt cọc tiêu hoặc dây căng nhưng phải đảm bảo cho lực lượng CSGT làm nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Về quy định này, ông Nguyễn Mạnh Hải ở phường Cửa Ông, Quảng Ninh cho biết: “Tôi rất hoan nghênh Bộ Công an cho người dân chúng tôi tham gia giám sát hoạt động của CSGT. Đường sá ở Quảng Ninh nhiều đoạn dốc, quanh co, nguy hiểm, trong khi nhiều phương tiện giao thông, nhất là xe container phóng nhanh, vượt ẩu, gây tai nạn khiến người dân bức xúc. Khi có các tổ CSGT làm việc, xử lý vi phạm thì các lái xe không dám chạy quá tốc độ, sử dụng ma túy, rượu bia nữa. Chính vì vậy, tôi đề nghị các anh phải xử lý thật nghiêm vi phạm”.

Anh Lê Phát Công, lái xe khách tuyến Nghệ An - Hà Nội cho biết, tôi làm nghề lái xe gần 20 năm. Bộ Công an cho chúng tôi tham gia công tác đảm bảo ATGT, chúng tôi sẵn sàng cung cấp các hình ảnh, clip ghi lại được để gửi CSGT xử lý, cũng như giám sát được công tác của CSGT. Việc này không chỉ giúp chúng tôi đi lại an toàn, cán bộ CSGT xử lý nghiêm, không xảy ra tình trạng bỏ qua vi phạm”.

Những việc người dân được giám sát Cảnh sát giao thông 

Theo quy định của Thông tư thì người dân được giám sát lực lượng CAND trong quá trình đảm bảo trật tự ATGT gồm những công tác sau: Việc thi hành các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự ATGT; việc chấp hành quy định của Bộ Công an về quy tắc ứng xử của CBCS khi làm nhiệm vụ.

Đặc biệt, theo quy định, người dân được giám sát Công an nhân dân thực hiện các quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật, không được làm cản trở, ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của CBCSä. Luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Bộ Công an cho phép người dân giám sát hoạt động của CSGT làm nhiệm vụ là rất tốt. Đây cũng là cơ hội để lực lượng CAND xây dựng hình ảnh tốt hơn qua các CBCS làm nhiệm vụ trực tiếp tiếp xúc với dân. Bởi khi bị giám sát thì các cán bộ phải thay đổi tác phong ứng xử, trang phục, lời ăn tiếng nói...

“Tuy nhiên, cần quy định cụ thể người dân được giám sát như thế nào, giám sát việc gì, giám sát ở đâu. Không thể có chuyện khi vi phạm lại gí điện thoại vào mặt người làm công vụ quay rồi nói tôi có quyền giám sát. Cũng không thể xông vào nơi cán bộ công an đang bắt tội phạm để quay, phát rồi nói là được quyền giám sát. Trên thực tế, đã từng xảy ra những trường hợp này rồi. Người vi phạm không chấp hành lệnh của CSGT mà cứ lăm lăm cái điện thoại quay. Như thế rất phản cảm, không được phép. Nhất là khi cảnh sát đang bắt tội phạm, vừa nguy hiểm vừa cản trở cán bộ làm nhiệm vụ” - luật sư Bùi Đình Ứng nhấn mạnh.

Người dân có quyền được giám sát CSGT làm nhiệm vụ theo quy định.

Người dân cần làm gì để đảm bảo an toàn giao thông

Thông tư cũng quy định rõ, người dân cần tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự ATGT; chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông. Tham gia cấp cứu và bảo vệ tài sản của người bị nạn, bảo vệ hiện trường trong các vụ tai nạn giao thông. Bảo vệ các công trình giao thông, thiết bị ATGT.

Trường hợp phát hiện công trình, thiết bị có dấu hiệu không đảm bảo ATGT hoặc bị hư hỏng, bị xâm hại thì nhanh chóng thực hiện các biện pháp báo hiệu cho người tham gia giao thông biết và khẩn trương thông báo cho ủy ban nhân dân, cơ quan quản lý công trình, thiết bị, Cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời. Phát hiện, ngăn chặn, tố cáo những trường hợp vi phạm trật tự ATGT.

Khi phát hiện có các vi phạm, như vụ tai nạn, ùn tắc giao thông; các vụ đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, phạm pháp hình sự làm ảnh hưởng ATGT; đặt chướng ngại vật trên đường gây cản trở giao thông; phát hiện, ném đất, đá hoặc các vật khác vào phương tiện hoặc người tham gia giao thông; vận chuyển trái phép chất cháy, chất nổ, chất ma túy hoặc vận chuyển trái phép các hàng hóa khác; các hành vi giả danh Công an nhân dân; chống người thi hành công vụ và các hành vi khác vi phạm trật tự ATGT... người dân cần báo cho Cơ quan công an nơi gần nhất biết đồng thời hỗ trợ, giúp đỡ CBCS khi làm nhiệm vụ. Tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở các thành viên khác trong gia đình chấp hành tốt các quy định của pháp luật về trật tự ATGT.

Xử lý nghiêm hành vi cố tình sử dụng hình ảnh, clip để bôi nhọ

Được biết sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân, Cục CSGT đã phối hợp với các đơn vị chức năng tham mưu cho Bộ ký ban hành Thông tư. Cục CSGT đã tổ chức triển khai quán triệt trong lực lượng CSGT để chủ động thực hiện, cũng tạo điều kiện cho CSGT làm việc cũng như thực hiện quyền giám sát của người dân.

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật thông tin thêm, thông qua giám sát, người dân có thể cung cấp thông tin, hình ảnh cho lực lượng CSGT qua Cục CSGT, các phòng CSGT các địa phương và các đội, trạm CSGT, trang thông tin điện tử của Cục, của công an các tỉnh. Ngoài ra, chúng tôi còn nắm thông tin qua các báo, các thông tin điện tử... để phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.

“Quyết tâm phòng ngừa sai phạm tiêu cực là quyết tâm rất lớn của lãnh đạo Bộ Công an. Một trong cách thực hiện quyết tâm đó, đầu năm 2019, đồng chí Bộ trưởng đã có Chỉ thị về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời tiến hành nhiều biện pháp để phòng ngừa CBCS vi phạm”, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật nhấn mạnh.

Về trách nhiệm của người dân khi thực hiện giám sát đối với CSGT, luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng, người dân phải tuân thủ quy định của pháp luật liên quan đến ghi âm, ghi hình. Khi đăng tải phải tôn trọng sự thật, tự chịu trách nhiệm, nếu đưa thông tin không đúng sự thật, bôi nhọ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

“Người dân được quay phim, chụp ảnh cán bộ làm nhiệm vụ phải đảm bảo khách quan, trung thực. Sử dụng hình ảnh đó với mục đích góp ý chứ không được phép cắt ghép nhằm mục đích cá nhân của mình. Trên thực tế cũng đã xảy ra nhiều trường hợp như vậy. Khi CSGT xử lý người vi phạm, đối tượng chống đối, chửi bới, thậm chí hành hung cán bộ làm nhiệm vụ buộc CSGT phải khống chế, bắt giữ.

Lúc này, có thể quá tay hoặc mạnh mẽ hơn bình thường. Lập tức các đối tượng cắt cúp đoạn chống đối, chỉ đưa hình ảnh CBCS khống chế lên mạng rồi vu cho rằng Cảnh sát bắt người vi phạm giao thông hoặc đánh người vi phạm giao thông. Rõ ràng, đây không phải là sự thật khách quan mà là sự xuyên tạc sự thật, gây ảnh hưởng đến hình ảnh của cán bộ công an. Việc này phải xử lý nghiêm” - luật sư Bùi Đình Ứng kiến nghị.

Dẫn chứng các quy định của Bộ luật Hình sự, Luật An ninh mạng, luật sư Bùi Đình Ứng nhấn mạnh, quy định của pháp luật rất cụ thể, nếu người nào đưa thông tin lên mạng nhằm mục đích bôi nhọ, xúc phạm danh dự người khác đặc biệt là lực lượng thực thi công vụ (trong đó có CSGT) sẽ bị xử lý nghiêm. Mức độ nhẹ sẽ bị xử phạt hành chính, nặng sẽ xử lý hình sự.

“Chính vì vậy, tôi cho rằng, người dân được quyền giám sát CSGT là rất tốt, nên làm nhưng đừng lạm dụng, đừng vì động cơ, mục đích cá nhân. Nếu không sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật” - luật sư Bùi Đình ứng cho biết.

Thu Thủy
.
.
.