Nghe lén điện thoại bị xử lý như thế nào?

Thứ Hai, 05/12/2016, 08:08
Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.


Hỏi: Gần đây trên một số trang điện tử, website có rất nhiều thông tin quảng cáo việc mua bán, lắp đặt các thiết bị nghe lén điện thoại, các phần mềm truy cập điện thoại, thư điện tử của người khác.

Xin hỏi toà soạn, việc nghe lén điện thoại, xem tin nhắn và sử dụng các phần mềm truy cập các thiết bị cá nhân, thư điện tử của người khác khi không được phép có thể bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?  (Nguyễn Văn Hùng, Hà Nội)

Trả lời: Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình và quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín là một trong những quyền cơ bản của công dân được Nhà nước và pháp luật bảo vệ.

Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định:“1.Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

2.Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”.

Tại Điều 38 Bộ luật Dân sự quy định về quyền bí mật đời tư, như sau: “...

2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Điều 12 Luật Viễn thông 2009 có quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông, gồm có hành vi: “…3. Thu trộm, nghe trộm, xem trộm thông tin trên mạng viễn thông; trộm cắp, sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông, mật khẩu, khóa mật mã và thông tin riêng của tổ chức, cá nhân khác”.

Hành vi vi phạm các quy định trên đây có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 125 Bộ luật Hình sự về “Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác”:

1. Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị  xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ một năm đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c)  Phạm tội nhiều lần; d) Gây hậu quả nghiêm trọng; đ) Tái phạm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Thạc sỹ, luật sư Lê Việt Nga (Công ty Luật số 5 - Quốc gia, Đoàn Luật sư TP Hà Nội)
.
.
.