Mức xử phạt vi phạm PCCC như “gãi ngứa”

Thứ Sáu, 13/04/2018, 08:45
Hiện nay, tình trạng một số chủ đầu tư chưa nghiệm thu công trình, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy (PCCC), nhưng đã bàn giao và đưa người mua nhà vào ở diễn ra khá phổ biến.

Việc đưa người mua nhà vào ở trong khi công trình chưa được nghiệm thu về chất lượng, về PCCC… không chỉ nguy hiểm đến tính mạng của người dân mà còn là hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về xây dựng và PCCC. 

Điều 13 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 (có hiệu lực từ 1-7-2015), quy định: “Chỉ được phép bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi đã hoàn thành xong việc xây dựng nhà, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt, bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực; trường hợp bàn giao nhà, công trình xây dựng thô thì phải hoàn thiện toàn bộ phần mặt ngoài của nhà, công trình xây dựng đó”.

Công trình chỉ được xem là hoàn thành và được phép đưa vào sử dụng phải tuân thủ Luật Xây dựng và Nghị định 46/2015/NĐ-CP ngày 12-5-2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.

Khoản 2 Điều 4 Nghị định 46 quy định: “Hạng mục công trình, công trình xây dựng hoàn thành chỉ được phép đưa vào khai thác, sử dụng sau khi được nghiệm thu bảo đảm yêu cầu của thiết kế xây dựng, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật cho công trình, các yêu cầu của hợp đồng xây dựng và quy định của pháp luật có liên quan”.

Còn tại điểm c, khoản 2 và điểm a khoản 4 Điều 31 Nghị định 46 quy định về việc nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng đưa vào sử dụng: “Được cơ quan Cảnh sát PCCC ra văn bản nghiệm thu về PCCC theo quy định của pháp luật về PCCC; được cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan, nếu có”.

Liên quan đến vấn đề PCCC, Luật PCCC năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) quy định nghiêm cấm hành vi đưa vào sử dụng công trình có nguy hiểm về cháy, nổ, nhà cao tầng, trung tâm thương mại khi chưa đủ điều kiện bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy (Điều 13).

Điều 17, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC, chủ đầu tư bắt buộc phải tổ chức nghiệm thu về PCCC trước khi đưa công trình vào sử dụng. 

Trường hợp chủ đầu tư đưa nhà, công trình chưa nghiệm thu về PCCC vào sử dụng thì sẽ bị xử phạt từ 30 triệu đến 50 triệu đồng, đồng thời bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là “buộc tổ chức để cơ quan quản lý nhà nước nghiệm thu về PCCC” (khoản 6, khoản 7, Điều 36 Nghị định 167/2013).

Rõ ràng mức xử phạt này là quá nhẹ, không đủ sức răn đe đối với các chủ đầu tư cố tình vi phạm. Quan trọng hơn, việc đưa vào sử dụng các công trình, nhất là các dự án chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại khi chưa nghiệm thu PCCC tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đến tính mạng, tài sản của con người. 

Vì vậy, cần phải tăng mức xử phạt đối với hành vi này. Đồng thời, nếu trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã xử phạt nhưng chủ đầu tư không khắc phục mà vẫn tiếp tục tái phạm thì cần xem xét xử lý hình sự, mới đủ sức răn đe.

Hiện nay, Điều 313 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), quy định về tội vi phạm quy định về PCCC, chỉ khi nào xảy ra hậu quả chết người, gây thương tích từ 61% trở lên, hoặc gây thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng, mới xử lý hình sự. 

Trong tình hình các chủ đầu tư ngang nhiên vi phạm quy định về PCCC như hiện nay, có lẽ Quốc hội cần sửa đổi Điều 313 để thức tỉnh các chủ đầu tư. 

Trong trường hợp chưa sửa được Điều 313 BLHS 2015 thì cần sửa Nghị định 167, nâng mức xử phạt thật nặng đối với các hành vi vi phạm quy định PCCC, trong đó có hành vi đưa công trình chưa nghiệm thu PCCC vào sử dụng.

A. Huy (ghi) (Theo LS Nguyễn Văn Đức, Đoàn Luật sư TP.HCM)
.
.
.