Xây dựng hành lang pháp lý về an ninh mạng:

Lực lượng chuyên trách không thể lạm quyền

Thứ Sáu, 28/12/2018, 09:14
Điều 30, Luật An ninh mạng quy định về lực lượng bảo vệ an ninh mạng. Đó là: 1. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng được bố trí tại Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; 2, Lực lượng bảo vệ an ninh mạng được bố trí tại Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp tại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; 3. Tổ chức, cá nhân được huy động tham gia bảo vệ an ninh mạng.

Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng không thể lạm quyền trong xử lý thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng vì:

1, Khi phát hiện thông tin vi phạm pháp luật hoặc khi có khiếu kiện, tố cáo về thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng sẽ gửi trưng cầu giám định tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật để đánh giá mức độ vi phạm, khả năng gây tác động, ảnh hưởng, thiệt hại tới quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

2, Tùy theo mức độ vi phạm và chứng cứ thu thập được theo quy định của pháp luật, lực lượng chuyên bảo vệ an ninh mạng se đề xuất xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự hoặc Bộ luật Dân sự.

3, Để ngăn ngừa khả năng lạm quyền của lực lượng chuyên trách, Khoản 5 Điều 8 Luật An ninh mạng đã nghiêm cấm hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.

4, Các dữ liệu, thông tin thu được được quản lý theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự về chứng cứ và các quy định về bảo mật thông tin khác của nước ta như Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước.

Ngoài ra, Điều 31 của Luật An ninh mạng quy định về bảo đảm nguồn nhân lực bảo vệ an ninh mạng còn quy định: “Công dân Việt Nam có kiến thức về an ninh mạng, an toàn thông tin mạng, công nghệ thông tin là nguồn lực cơ bản, chủ yếu bảo vệ an ninh mạng”. Quy định này thấy rõ, mọi công dân Việt Nam có khả năng đều có thể tham gia bảo vệ an ninh mạng và là nguồn lực chủ yếu tham gia bảo vệ an ninh mạng.

Điều 32, 33, 34 của Luật An ninh mạng quy định rõ về tuyển chọn, đào tạo, phát triển lực lượng bảo vệ an ninh mạng; giáo dục, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ an ninh mạng; phổ biến kiến thức về an ninh mạng. Các quy định tại đây cho thấy, tham gia bảo vệ an ninh mạng cần mọi công dân, tổ chức tham gia, giám sát miễn là đáp ứng đủ trình độ, yêu cầu, đạo đức chứ đây không phải đây là nhiệm vụ của riêng lực lượng chuyên trách.

Phạm Tấn
.
.
.