Hiểu thế nào về vụ xe con tông ngang xe cứu thương?

Thứ Năm, 18/10/2018, 18:18
Hình ảnh trích xuất từ camera cho thấy, xe cấp cứu đã vượt đèn đỏ. Thông tin từ Công an huyện Hòa Vang cho biết, xe cấp cứu nhận chạy hợp đồng chở bệnh nhân là ông Trần Đức K. từ Bệnh viện Ung bướu TP HCM về Hà Tĩnh...

Chiều ngày 14-10, xe cứu thương biển số 51B-241.26 do tài xế Nguyễn Phước Thuận (47 tuổi, ngụ TP HCM) cầm lái chạy trên đường tránh phía nam hầm Hải Vân (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), theo hành trình từ Bệnh viện Ung bướu TP HCM về Hà Tĩnh. Trên xe cấp cứu gồm một bệnh nhân ung thư, hai người nhà, một y tá, tài xế và phụ xe.

Khi đến giao lộ với đường Hoàng Văn Thái (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), xe cứu thương chạy qua giao lộ thì bị ô tô Mazda 6 do ông Lê Văn Dũng (46 tuổi, ngụ quận Hải Châu) cầm lái chạy từ đường Hoàng Văn Thái ra tông mạnh.

Cú tông mạnh làm xe cấp cứu xoay vòng, kính chắn gió phía sau bị vỡ. Vụ tai nạn khiến y tá trong xe cứu thương văng xuống đường, bốn người khác trên xe cũng bị thương, trong đó có một điều dưỡng viên Bệnh viện quận 4 (TP HCM). Riêng phụ xe Trần Phước Phát (48 tuổi) không bị thương. Tài xế xe 4 chỗ may mắn không bị thương nhờ cài dây an toàn và túi khí bung ra.

Hình ảnh từ camera lắp tại ngã tư này cho thấy xe cấp cứu đã vượt đèn đỏ. Thông tin từ Công an huyện Hòa Vang cho biết, xe cấp cứu nhận chạy hợp đồng chở bệnh nhân là ông Trần Đức K. (64 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TP HCM) từ Bệnh viện Ung bướu TP HCM về Hà Tĩnh. Ông K. bệnh quá nặng, không thể tiếp tục chữa trị nên được đưa về nhà. Bệnh nhân đi đến tỉnh Khánh Hòa thì tử vong.

Hiện trường vụ tai nạn. 

Trao đổi về vụ tai nạn đáng tiếc này, Ths-Luật sư Nguyễn Đào Tơ – Trưởng VPLS Hoàng Huy cho biết:

Thứ nhất, xe ôtô cứu thương phải là xe ô tô đáp ứng yêu cầu tại mục 3.1.2 của Tiêu chuẩn TCVN 7271: 2003 về phương tiện giao thông đường bộ - Ô tô- phân loại theo mục đích sử dụng và chỉ được sử dụng khi đáp ứng các tiêu chuẩn tại Điều 2 Thông tư số 27/2017/TT-BYT ngày 28-06-2007 của Bộ Y Tế quy định tiêu chuẩn và sử dụng xe ô tô cứu thương. Xe ôtô cứu thương chỉ được sử dụng cho các mục đích:

Điều 3. Sử dụng xe ô tô cứu thương

1. Xe ô tô cứu thương chỉ được sử dụng cho các mục đích sau đây:

a) Chở người bệnh cấp cứu hoặc đi đón người bệnh cấp cứu;

b) Chở thầy thuốc, nhân viên y tế, thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ cấp cứu thảm họa, cấp cứu tai nạn giao thông và các nhu cầu cấp thiết khác của hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh.

2. Không được sử dụng xe ô tô cứu thương ngoài mục đích quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. Xe ô tô cứu thương chỉ được sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên khi có giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên do cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực và khi đang thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.

4. Xe ô tô cứu thương khi vận chuyển người bệnh ra, vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải tuân thủ các nội quy, hướng dẫn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.


Thứ hai, tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 109/2009/NĐ-CP ngày 1-12-2009 quy định về tín hiệu của xe được quyền ưu tiên “xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu là xe đang chở bệnh nhân cấp cứu hoặc đi đón bệnh nhân cấp cứu”. Quy định về tín hiệu của xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu được quy định tại Điều 8 của Nghị định này là: “Xe cứu thương có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ gắn trên nóc xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên”.

Theo Luật sư Tơ, trong vụ tai nạn trên xe cứu thương này không thuộc trường hợp xe được hưởng quyền ưu tiên. Theo các quy định trên, xe cứu thương chỉ được ưu tiên khi đang thực hiện nhiệm vụ chở bệnh nhân cấp cứu hoặc đi đón bệnh nhân cấp cứu; Khi chở thầy thuốc, nhân viên y tế, thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ cấp cứu thảm họa, cấp cứu tai nạn giao thông và các nhu cầu cấp thiết khác của hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh. Khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

Quy định xe cứu thương trong trường hợp này được hưởng quyền ưu tiên nhằm mục đích cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân. Tuy nhiên khi xảy ra vụ tai nạn thì chiếc xe cứu thương không được quyền ưu tiên như Điều 3 Nghị định số 109/2009/NĐ-CP. Khi đó xe cứu thương cũng chỉ là một đối tượng tham gia giao thông bình thường, xe vượt đèn đỏ, lấn làn thì sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật.

Theo khoản 5 và khoản 12 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày ngày 26-5-2016 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, “xe không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông” thì sẽ bị phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe, ngoài việc bị phạt tiền vì vượt đèn đỏ gây tai nạn tài xế xe cứu thương còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

Ngoài ra, tài xế xe cứu thương còn phải thực hiện trách nhiệm bồi thường dân sự cho các nạn nhân theo đúng quy định pháp luật. Trong trường hợp xét thấy đủ yếu tố cấu thành tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015
thì cơ quan điều tra cấp có thẩm quyền sẽ ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can.

Vụ tai nạn thương tâm này cũng là hồi chuông cảnh báo về việc lạm dụng quyền của xe ưu tiên, sử dụng xe ưu tiên không đúng mục đích của một số cơ quan, cá nhân dẫn đến việc xảy ra một số tai nạn đáng tiếc.

Việt Cường (thực hiện)
.
.
.