Hành hung nhân viên hàng không sẽ đối mặt với hình phạt nào?

Thứ Hai, 26/11/2018, 22:58
Tại sân bay, việc thắt chặt an ninh là điều luôn được các hàng hãng hàng không cũng như các nhà chức trách chú ý để bảo toàn cho hành khách, hàng hóa cũng như sự lưu thông qua lại. Vì vậy, hành vi hành hung nhân viên hàng không có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật sự công cộng...

Chiều ngày hôm qua (25-11), tại ga đi trong nước, sân bay Tân Sơn Nhất, hành khách H.T.L. đi chuyến bay VJ316 đã đến muộn so với giờ ra máy bay quy định trên vé (khách ra cửa khởi hành lúc 19h7’ trong khi vé ghi giờ khởi hành lúc 18h30’). Khi đại diện Hãng Hàng không Vietjet giải thích và yêu cầu khách đổi chuyến, lập tức vị khách này văng tục, chửi bới, la hét gây rối mất trật tự.

Nữ nhân viên hàng không bị 3 đối tượng vây đánh tại sân bay Thọ Xuân, Thanh Hoá (hình ảnh cắt ra từ clip).

Thậm chí, người này còn cầm valy cá nhân lên định đánh nhân viên hàng không. Lập tức, lực lượng an ninh ở sân bay đã khống chế, ngăn chặn vụ việc, lập biên bản bàn giao trường hợp hành khách vi phạm cho Đồn Công an sân bay Tân Sơn Nhất tiếp nhận, xử lý theo thẩm quyền.

Các vụ hành khách có hành vi bạo lực tại khu vực sân bay liên tục xảy ra trong thời gian gần đây. Trước đó vào khoảng 14h20 ngày 23-11, tại Sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa), 3 nam hành khách đã hành hung một nữ nhân viên cũng của Hãng Hàng không Vietjet. Trong đó, một nam hành khách đã tát vào mặt, đạp vào người khiến nữ nhân viên này ngã ra sàn. Vụ gây rối này đã bị Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố.

Trao đổi xung quanh vấn đề này, Ths-Luật sư Nguyễn Đào Tơ – Trưởng VPLS Hoàng Huy, cho biết: Trước hết có thể nhận thấy hành vi của hành khách là hành vi bạo lực và có tính chất côn đồ khi liên tiếp tát vào mặt, đạp vào người khiến nữ nhân viên ngã, choáng váng. Sân bay là nơi giao lưu vận chuyển số lượng rất lớn hành khách và hàng hóa, việc thắt chặt an ninh hàng không trên các chuyến bay nhưng tại nhà ga nội địa, quốc tế là điều luôn được các hãng hàng không cũng như các nhà chức trách chú ý để bảo toàn cho hành khách, hàng hóa cũng như sự lưu thông qua lại. Vì vậy, hành vi của người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật sự công cộng theo quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự 2015.

Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

Trong trường hợp, nhân viên hàng không bị hành hung có thương tích và đề nghị tố giác thì hành khách có hành vi nêu trên cũng có thể bị xem xét khởi tố hoặc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cố ý gây tương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015.

Đồng thời, người có hành vi gây rối làm mất trật tự an ninh hàng không, hành hung nhân viên hàng không cũng có thể bị phạt tiền cao nhất lên tới 10.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 4; điểm b khoản 5 Điều 24 Nghị định Nghị định 147/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng như sau:

"...4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân có hành vi sau đây:

a) Gây rối, kích động, lôi kéo người khác gây rối làm mất an ninh, trật tự trong khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay và nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng;…

...5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân có hành vi sau đây:

b) Hành hung cán bộ, công chức, viên chức, thành viên tổ bay, nhân viên hàng không, hành khách tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay và nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng;.."

Đặc biệt trường hợp của những hành khách có hành vi gây rối trật tự công cộng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản của người khác còn có thể bị từ chối vận chuyển theo quy định tại Điều 146 Luật hàng không dân dụng Việt Nam.

Điều 146. Từ chối vận chuyển hành khách có vé và đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay hoặc đang trong hành trình

1. Do tình trạng sức khoẻ của hành khách mà người vận chuyển nhận thấy việc vận chuyển hoặc vận chuyển tiếp sẽ gây nguy hại cho hành khách đó, cho những người khác trong tàu bay hoặc gây nguy hại cho chuyến bay.

2. Để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh.

3. Hành khách không chấp hành quy định về bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không, khai thác vận chuyển hàng không.

4. Hành khách có hành vi làm mất trật tự công cộng, uy hiếp an toàn bay hoặc gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác.

5. Hành khách trong tình trạng say rượu, bia hoặc các chất kích thích khác mà không làm chủ được hành vi.

6. Vì lý do an ninh.

7. Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trước tình hình như trên, xét thấy các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm minh và thích đáng đối với những đối tượng có hành vi côn đồ trong vụ việc nêu trên. Đồng thời, cần có các biện pháp tăng cường phối hợp với lực lượng kiểm soát an ninh hàng không tại các cảng hàng không để an ninh được đảm bảo, ứng phó xử lý kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

V.Cường (thực hiện)
.
.
.