Người vi phạm giao thông đốt xe máy khi bị CSGT xử phạt sẽ bị xử lý như thế nào?

Thứ Sáu, 04/08/2017, 10:13
Ngày 2-8 tại Hà Nội đã xảy ra vụ đốt cháy xe máy do người vi phạm giao thông bị CSGT xử lý vi phạm do chở hàng cồng kềnh. Trước đó, hồi tháng 7 tại  Bắc Giang, người vi phạm giao thông do không đội mũ bảo hiểm cũng đốt xe máy khi bị xử phạt.

Hành vi đốt phương tiện của người vi phạm giao thông khi bị xử phạt đã gây ra các đám cháy, ùn tắc giao thông, mất an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo CAND với Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, nguyên điều tra viên cao cấp, Công an Hà Nội làm rõ tính chất nghiêm trọng của hành vi này.

Phóng viên (PV): Chiều ngày 2-8, anh Lê Văn Quang, ở Mê Linh, Hà Nội khi bị CSGT đang làm nhiệm vụ tại nút giao thông Giải Phóng – Trường Chinh xử lý vi phạm giao thông đã đốt xe máy, gây ra một đám cháy lớn, ông đánh giá như thế nào về hành vi này?

Ông Nguyễn Xuân Hùng: Khi người thi hành công vụ đang xử lý vi phạm hành chính đối với anh Quang do vi phạm giao thông, anh này lại có hành động chống đối bằng việc đốt phương tiện thì đã chuyển từ hành vi vi phạm hành chính sang các vi phạm khác có tính chất nghiêm trọng hơn rất nhiều.

PV: Ông nêu rõ, đó là hành vi, vi phạm cụ thể gì?

Ông Nguyễn Xuân Hùng: Thứ nhất, đó là hành vi chống người thi hành công vụ. Ở đây, người vi phạm giao thông đã không chấp hành, cản trở người thi hành công vụ bằng việc hủy hoại tài sản (xe máy). Hành vi này có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 257, Bộ Luật Hình sự với mức hình phạt tối đa là 3 năm tù. Trong trường hợp có tính chất xúi giục, lôi kéo người khác hoặc tái phạm, mức xử phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.

Thứ hai, đó là hành vi gây rối trật tự công cộng. Cụ thể, anh này đã đốt xe ở nơi công cộng, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông, mất an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Việc đốt xe gây hiếu kỳ, cản trở giao thông, gây ách tắc giao thông (theo Luật, nếu gây ách tắc dưới 2 giờ là nghiêm trọng, trên 2 giờ là tình tiết tăng nặng).

Trường hợp này, hành vi gây rối trật tự công cộng đã gây hậu quả nghiêm trọng. Trong trường hợp không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng trước đó đã có vi phạm hoặc chưa được xóa án tích thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 Bộ Luật Hình sự, mức hình phạt có thể đến 2 năm tù giam. Nếu có dấu hiệu hành hung người bảo vệ trật tự hoặc gây cản trở giao thông nghiêm trọng; có hành vi phá phách, bị xử phạt cao nhất đến 7 năm tù.

Thứ 3, hành vi hủy hoại tài sản của người khác. Về hành vi này phải xác định, chiếc xe có phải là tài sản của anh Quang không hay là tài sản đi mượn, chiếm đoạt.

Nếu làm rõ, đây là tài sản của người khác và giá trị tài sản từ 2 triệu đồng trở lên (hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng trước đó đã bị xử phạt về tội này nhưng chưa được xóa án tích có thể bị truy cứu hình sự với mức xử phạt lên đến 3 năm tù giam). Trong trường hợp này thậm chí có thể xem xét vì đây là hành vi dùng chất cháy hoặc thù đoạn nguy hiểm (xăng), mức xử phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.

PV: Như vậy, từ hành vi vi phạm hành chính, người vi phạm giao thông khi đốt xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với cùng một lúc nhiều các tội danh. Theo ông đánh giá, đâu là nguyên nhân dẫn đến hậu quả đáng tiếc này?

Ông Nguyễn Xuân Hùng: Tôi cho rằng, đấy là do thiếu ý thức khi tham gia giao thông, khi bị phát hiện, ngăn chặn, xử lý lại coi thường pháp luật. Do vậy, đã không dừng lại ở mức vi phạm hành chính mà có tính chất bị coi là tội phạm, đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tôi nghĩ, các cơ quan pháp luật phải xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa. Nếu cần thiết, phải xem đây là án điểm, đưa ra xét xử lưu động để tuyên truyền, phòng ngừa, răn đe tội phạm nhằm nâng cáo hiểu biết và ý thức pháp luật cho người dân.

PV: Có ý kiến cho rằng, do bức xúc với người thi hành công vụ nên người vi phạm giao thông mới có hành động đốt xe, ông có đồng tình với cách nghĩ này không?

Ông Nguyễn Xuân Hùng: Không thể đổ lỗi do bức xúc với người thi hành công vụ được vì họ là người đang vi phạm rồi (ở đây là vi phạm giao thông). Nếu người thi hành công vụ có thái độ không đúng mực thì có thể phản ánh với cấp trên của họ, với cơ quan chủ quản. Tôi nghĩ rằng, những người có thẩm quyền sau khi xem xét, nếu thấy có căn cứ sẽ có mức xử lý nghiêm khắc nếu người thi hành công vụ sai.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Cao Hồng (Thực hiện)
.
.
.