Các quy định về tố cáo, giải quyết tố cáo trong quản lý, tạm giam, tạm giữ

Chủ Nhật, 27/12/2015, 08:27
Hỏi: Tôi được biết hiện đã có quy định của luật về việc tố cáo và giải quyết tố cáo trong quản lý, tạm giữ, tạm giam. Xin Báo CAND cho biết những nội dung cụ thể liên quan đến người tố cáo? (Nguyễn Hải Minh, tỉnh Thanh Hóa)
Trả lời: Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam đã được kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII thông qua, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2016. Theo Mục 2, Chương IX của Luật thì người bị tạm giữ, người bị tạm giam và mọi người có quyền tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ người có thẩm quyền nào trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam phải chuyển tố cáo cho Viện Kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được tố cáo.

Người tố cáo có các quyền sau: Gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền; Yêu cầu giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích của mình; Yêu cầu được thông báo kết quả giải quyết tố cáo; Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe dọa, trả thù. Người tố cáo có nghĩa vụ sau: Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; Nêu rõ họ tên, địa chỉ của mình; Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo sai sự thật.

Thẩm quyền, thủ tục giải quyết tố cáo của Viện Kiểm sát nhân dân được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân. Thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày kể từ ngày thụ lý, đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết tố cáo có thể dài hơn, nhưng không quá 90 ngày. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm được giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Ban bạn đọc
.
.
.