Tay vợt Nguyễn Thị Nga:

Mục tiêu lớn nhất là đánh bại Mỹ Trang

Thứ Sáu, 04/11/2016, 20:39
Giải vô địch Diễn đàn bóng bàn Việt Nam lần thứ 10 tranh Cúp báo CAND (Hanoi Open 2016) vừa diễn ra được 2 ngày song danh hiệu vô địch đơn nữ chuyên nghiệp đã sớm được dự đoán. Thiếu vắng Mai Hoàng Mỹ Trang – nhà đương kim vô địch giải, ngôi vị cao nhất của năm nay nhiều khả năng sẽ thuộc về tay vợt 22 tuổi Nguyễn Thị Nga (Hà Nội).

Tại giải này năm trước, trận chung kết đã diễn ra kịch tính giữa Mai Hoàng Mỹ Trang và Nguyễn Thị Nga. Với đẳng cấp vượt trội hơn, Mỹ Trang đã đăng quang. Nói về thất bại này, Nga bày tỏ: "Em buồn nhưng không hối tiếc điều gì. Em đã cố gắng hết sức nhưng chị Mỹ Trang vẫn là đối thủ lớn nhất của em. Chị ấy hơn em cả về kinh nghiệm và chiến thuật. Mục tiêu lớn nhất trước mắt của em là vượt qua chị ấy".

Sinh ra tại Thái Bình, Nga bắt đầu thi đấu bóng bàn chuyên nghiệp từ năm 10 tuổi. "Lúc đó em đang học lớp 5, thầy Trần Chiến Thắng về quê em để tuyển các VĐV trẻ. Thầy hỏi em có thích bóng bàn không, lúc đó em chưa biết gì về bóng bàn nhưng không hiểu sao vẫn gật đầu. Thế là em theo thầy về trung tâm tập luyện, cứ sáng đi học, chiều đi tập. Cũng may là bố mẹ em cũng ủng hộ" – Nga kể lại.

Năm 13 tuổi, Nga được đơn vị Hà Nội mời về thi đấu. Kể từ đó là gần 10 năm sống xa nhà, phải tự lo mọi thứ, tự làm mọi việc. "Vừa gia nhập đội tuyển được ít ngày thì em được đưa đi Trung Quốc tập huấn. Hôm đó mới 5 giờ sáng, mẹ đưa em ra bến xe, vừa ôm con vừa khóc. Mẹ lo em còn nhỏ quá, lại sống ở nơi quá xa lạ. Khi đó, em chỉ muốn bỏ tất cả để ở lại nhà. Nhờ có thầy động viên, em mới có thêm quyết tâm để theo con đường thể thao chuyên nghiệp" – Nga tâm sự.

Nguyễn Thị Nga là ứng viên sáng giá cho chức vô địch đơn nữ chuyên nghiệp 

Thành công đến với Nga khá dồn dập. Năm 17 tuổi, Nga vô địch đơn nữ trẻ giải vô địch toàn quốc. Chỉ một năm sau, Nga được triệu tập lên đội tuyển trẻ quốc gia và giành chức vô địch đôi nữ (đánh cặp với Lê Thùy Dương), HCĐ đôi nam nữ (đánh cặp cùng Trần Tuấn Quỳnh) ở giải vô địch quốc gia.

Tại SEA Games 27 (2013), sau những lùm xùm ở bộ môn bóng bàn, các VĐV buộc phải đấu vòng tròn với nhau để giành suất chính thức tham dự. Và Nguyễn Thị Nga đã gây bất ngờ lớn khi đánh bại hàng loạt các tay vợt đàn chị, giành vé một cách thuyết phục. Khi đó, Nga mới 19 tuổi. Nhiều người lo lắng, ở cái tuổi còn quá trẻ ấy, Nga sẽ khó có thể làm nên chuyện. Thế nhưng, điều không ngờ đã xảy ra, Nga giành HCĐ đồng đội.

Trong lễ khai mạc giải Hanoi Open 2016, Nguyễn Thị Nga được chọn là VĐV đọc lời tuyên thệ

Năm 2014, tại giải vô địch Đông Nam Á, Nga tiếp tục giành HCB. Tại SEA Games 28 (2015), cô gái 21 tuổi đã tạo ra cơn địa chấn tại khu vực khi đánh bại tay vợt chủ nhà Singapore, hiện đang xếp hạng 101 thế giới để giành HCĐ đơn nữ.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, Nga có lối đánh hiện đại, công thủ toàn diện, tấn công mạnh mẽ. Đặc biệt, Nga luôn tỏ ra hết sức tự tin, đầy bản lĩnh trong mỗi trận đấu, ngay cả khi phải chạm trán đối thủ hơn về mọi mặt.

Giải thích về việc phong độ của các VĐV Việt Nam khá phập phù, nhất là khi ra thi đấu quốc tế, Nga cho hay: “VĐV Việt Nam rất giỏi, trình độ không thua kém các nước trong khu vực nếu xét về điểm xuất phát. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn thì lại thua kém hẳn nước bạn. Lí do phần nhiều là bởi ít được cọ xát nên thiếu kinh nghiệm và bản lĩnh thi đấu, khi ra các đấu trường lớn thường bị choáng ngợp dẫn đến không có thành tích như mong muốn. Trung bình mỗi năm, bọn em chỉ được thi đấu 2 giải quốc tế, cơ hội đi tập huấn nước ngoài cũng không nhiều. Trong khi đó, Singapore chi tiền rất lớn để nhập tịch các VĐV từ Trung Quốc, còn Thái Lan đầu tư rất lớn cho các VĐV đi tập huấn châu Âu, cho các VĐV trẻ thi đấu các giải quốc tế lớn. Hiện nay, Singapore đang thống trị HCV ở các kì SEA Games, Việt Nam chỉ còn cửa tranh chấp HCĐ”.

Thể thao luôn mang lại cho những VĐV đỉnh cao nhiều thứ: danh vọng, sự nổi tiếng, tiền bạc. Với Nga, điều đó cũng không ngoại lệ. “Nếu không có bóng bàn, không ai biết em là ai. Em nhớ rất rõ, món tiền thưởng đầu tiên từ bóng bàn là năm em 13 tuổi. Với ngôi vô địch giải trẻ thiếu niên nhi đồng toàn quốc, em được thưởng 7 triệu. Hồi đó 7 triệu to lắm, em mua ngay cây vợt mới. Năm ngoái, với tấm HCĐ SEA Games, em được thưởng 50 triệu. Em giữ lại một ít để chi tiêu cá nhân, còn lại gửi về biếu bố mẹ” – Nga chia sẻ.

Vinh quang luôn đi cùng cay đắng, rất ít người hiểu cảm giác của một VĐV chuyên nghiệp mỗi khi để tuột mất chiến thắng trong gang tấc. Và đã có những lúc Nga muốn bỏ cuộc, chỉ đơn giản là vì cảm thấy bản thân không thể phát triển hơn được nữa, bởi nỗi ám ảnh phong độ đang xuống dần.

“Em đã thất bại rất nhiều, lần nào cũng khiến em đau đớn. Đến giờ em vẫn không thể quên thất bại cay đắng tại giải trẻ toàn quốc khi em 19 tuổi. Năm trước em vừa vô địch giải, thế mà năm đó em phải dừng bước ngay tại vòng loại. Không phải do đối thủ mạnh mà vì em bị tâm lí quá  nên không phát huy được. Sau này, càng thi đấu nhiều, em càng rèn luyện được bản lĩnh để luôn tự tin trong mỗi trận đấu” – Nga bộc bạch.

Trong lễ khai mạc giải bóng bàn Hanoi Open 2016 diễn ra tối 3-11, Nguyễn Thị Nga cũng vinh dự được chọn là VĐV đọc lời tuyên thệ. 


Khánh Vy
.
.
.