Tảo độc xóa sổ 95% sinh vật sống, gây thảm họa ở vùng biển Kamchatka

Thứ Sáu, 09/10/2020, 10:08
Một thảm họa thiên nhiên đang xảy ra ở vùng biển Kamchatka của Nga khi các nhà thám hiểm phát hiện tới 95% sinh vật sống dưới đáy biển bị xóa sổ, nghi do một loại tảo độc.

The Moscow Times ngày 9/10 cho biết, các nhà sinh vật biển đã phát hiện có một lớp bọt màu vàng phủ kín một vùng nước lớn ngoài khơi bán đảo Kamchatka ở vùng Viễn Đông của Nga hồi đầu tháng, cùng thời điểm giới khoa học phát hiện 95% sinh vật sống dưới đáy biển Kamchatka chết hàng loạt.

Hình ảnh vệ tinh bờ biển Kamchatka. Ảnh: TMT

Các nhà khoa học nhận định, lớp bọt vàng nói trên do một loại tảo có hại gây ra. Chúng phát triển trong tự nhiên và có thể sinh ra loại chất độc trong giai đoạn nở hoa, khiến sinh vật biển, thậm chí con người thiệt mạng.

“Trong trường hợp này, khả năng một loại tảo độc gây ra thảm họa trông đáng tin hơn là nhiễm hóa chất”, bà Yulia Polyak, một nhà khoa học cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học về An toàn Sinh thái tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga ở St.Petersburg, bình luận.

Giới chuyên gia cũng thông tin, tảo độc ngày càng phổ biến và ngày càng độc hại hơn ở nhiều nơi trên thế giới do biến đổi khí hậu. Ở Florida của Mỹ, một mảng tảo biển độc lớn đã giết chết 589 con rùa biển, 127 con cá heo và hơn 100 con lợn biển vào năm 2019.

“Một đặc điểm của tình trạng này là diện tích nước bị ảnh hưởng gần như không giới hạn, vì các loài thực vật phù du có thể bao phủ các khu vực nước rộng lớn khi nở hoa”, một báo cáo do tờ The Moscow Times tiếp cận nêu.

Bạch tuộc chết dạt vào bờ biển ở Kamchatka. Ảnh: TMT

Từ tuần trước, hình ảnh hàng trăm con bạch tuộc, cá lớn, nhím biển và cua chết dạt vào bờ biển Kamchatka được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội ở Nga, khiến giới chức Nga và các nhà khoa học buộc phải vào cuộc do lo ngại về nguy cơ một thảm họa sinh thái.

Sau một chuyến thám hiểm khu vực để thu thập mẫu nước, tìm kiếm sinh vật đã chết và tiến hành lặn khảo sát, các nhà khoa học cho biết 95% sinh vật sống dưới đáy biển ở độ sâu từ 10-15m đã bị xóa sổ. Tuy nhiên, sinh vật sống ở tầng nước mặt và chim chóc kiếm ăn quanh khu vực không bị ảnh hưởng đáng kể.

Nhà chức trách Nga ban đầu thông báo họ sẽ điều tra xem liệu ô nhiễm do rò rỉ nhiên liệu hoặc kim loại, hiện tượng tự nhiên hoặc động đất liên quan đến núi lửa có phải là nguyên nhân khiến hàng loạt sinh vật dưới đáy biển chết cùng lúc hay không.

Các nhà khoa học sau đó đã loại trừ khả năng động đất và núi lửa gây ra thảm kịch. Tổ chức Greenpeace phát hiện hàm lượng dầu ở vùng biển cao hơn bình thường, nhưng giới chuyên gia khẳng định không thể là nguyên nhân khiến sinh vật chết nhiều như vậy.

Theo The Moscow Times, một cuộc điều tra hình sự vẫn đang được tiến hành. Cách đây vài tuần, một số người địa phương lướt sóng và bơi tại vùng biển trên khai báo họ bị đau mắt, đau họng, nôn mửa và sốt sau khi tiếp xúc với nước biển.

Thiện Nhân
.
.
.