Người phụ nữ hiến tạng chồng để cứu 4 người: Muốn các con tự hào về bố

Thứ Tư, 30/10/2019, 14:10
Chồng không may bị tai nạn, chết não, chị Nguyễn Thị Giang (33 tuổi, xã Minh Châu, Hiệp Hoà, Bắc Giang) đã đau thắt ruột đi đến quyết định hiến tạng chồng cho y học. Nhưng chính cái quyết định nhân văn này lại khiến chị phải nhận bao điều tiếng, cay đắng từ dư luận.


Ni đau không th ng!

Ngày 10-10 vừa qua, xã Châu Minh diễn ra một sự kiện chưa từng có, đó là Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tổ chức buổi lễ truy tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khoẻ nhân dân” cho gia đình anh Ngọ Văn Soái - người đã hiến tạng cứu sống 4 người khác.

Hơn ai hết, chị Giang như trút bỏ được nỗi lòng nặng trĩu của mình. Đó là những tháng ngày cùng cực nhất trong cuộc đời, vừa phải chịu nỗi đau mất chồng vừa mang tiếng ác bán nội tạng của chồng để lấy tiền tỷ. 

Chị bảo: “Cũng may là tôi đã được giải oan, lúc này thì anh ấy cũng được mỉm cười nơi chín suối. Khi anh ấy mất, gia đình tôi đồng ý hiến tạng để cứu sống những người khác. Nhưng cũng từ đó, chúng tôi chịu điều tiếng không hay. Nhiều người nói chúng tôi bán tạng chồng lấy tiền tỷ, người nói lấy vài trăm triệu. Con tôi đi học bị các bạn dè bỉu, châm chọc, nói ác rằng “bố mày bị bán mất nội tạng”, cháu buồn bã không đi học nữa".

Giây phút từ biệt trước khi bác sĩ rút ống thở của anh Soái.

Tại buổi lễ nhận Kỷ niệm chương, câu nói của chị Giang đã khiến hàng trăm người dân chứng kiến phải lặng đi. Chị bảo: “Tôi như cởi được nỗi lòng, tôi thấy ấm áp hơn khi biết trái tim của chồng mình vẫn còn đang sống trên cơ thể người khác. Tôi cảm giác như anh ấy vẫn còn sống, vẫn đang dõi theo 3 mẹ con tôi”. 

Cháu Ngọ Thị Mai (con gái anh Soái) thấy mẹ khóc chỉ biết cúi gằm mặt, buồn rầu. Mai bảo: “Cháu nhớ bố lắm. Mấy hôm đầu các bạn cứ trêu chọc cháu, cháu không dám nói chuyện với ai, không dám nhìn xung quanh. Sau đó, cô giáo nói với cả lớp rằng bố của bạn Mai hiến tạng là một việc làm tốt, đã cứu sống được nhiều người. Từ đó, các bạn mới không nói xấu cháu nữa”.

Nói về sự việc này, ông Nguyễn Văn Giang, Bí thư Đảng ủy xã Châu Minh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang cho hay: 

“Biết tin anh Soái như vậy chính quyền địa phương cũng đã xuống động viên, chia sẻ với gia đình. Mong chị Giang và các con sớm vượt qua nỗi đau mất người thân, rũ bỏ được những dị nghị của người đời. Đặc biệt động viên các cháu trở lại trường, đi học bình thường. Buổi lễ trao Kỷ niệm chương “Vì Sức khoẻ nhân dân” mà Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phối hợp là một việc làm rất kịp thời. Nó không chỉ giải nỗi oan cho gia đình mà còn để định hướng nhân dân, hướng đến việc làm cao cả”.

Hiến tạng để các con thấy bố vẫn còn sống

Chúng tôi đến nhà chị Giang vào những ngày trời bắt đầu trở gió, ngôi nhà cấp bốn hai gian xiêu vẹo càng khiến không khí u ám, buồn bã hơn.Những ngày đầu chồng mất, chị Giang không đủ can đảm bước ra khỏi nhà. Phần vì quá đau đớn, phần vì không chịu được điều tiếng của người đời. 

Chị bảo, cứ bước chân ra đến ngõ là nghe được tiếng xì xèo, cay nghiệt của dân làng. Họ nói sao chồng ngã nhẹ vậy mà cũng chết não? Rồi, chắc gia đình bán tạng được mấy trăm triệu, thậm chí bạc tỷ.

Nỗi đau chồng chất nỗi đau, người đàn bà 33 tuổi không có cách nào để giải thích, chỉ còn biết động viên các con cố gắng vượt qua nỗi đau. Chị thường nói với các con: “Bố vẫn sống, luôn dõi theo các con”.

Anh Soái và chị Giang kết hôn hơn chục năm trước, họ có với nhau 2 mặt con, một trai và một gái. Bé lớn hiện đang học lớp 7, bé út mới 4 tuổi. Hai con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học, mẹ già đã ngoài 80, mọi gánh nặng đặt lên vai anh Soái. Cuộc sống dù vất vả nhưng hai vợ chồng luôn vui vẻ, hạnh phúc, cố gắng lao động để nuôi con khôn lớn. 

“Chồng em làm nghề lắp đặt điện dân dụng, còn em thì làm nông nghiệp, dù cuộc sống cũng chẳng khá khẩm nhưng hai vợ chồng vẫn đủ ăn, đủ nuôi các con và mẹ già. Anh ấy chịu khó lao động, rất thương yêu vợ con nên mọi người quý mến” - Chị Giang kể lại.

Những tưởng cuộc sống cứ thế lặng lẽ trôi đi, nhưng rồi bi kịch bắt đầu ập đến gia đình nhỏ ấy, ngày 29-9, khi đang đi mua đồ làm công trình cho khách, anh Soái bị tai nạn tự ngã, đâm vào gồ bê tông ngay đầu đường. Mọi người nghĩ chỉ là tai nạn nhẹ nhưng khi chuyển lên bệnh viện thì được các bác sĩ kết luận anh bị chấn thương sọ não, vô phương cứu chữa. Gia đình đã đưa anh Soái về nhà để lo hậu sự. 

Không chấp nhận nỗi đau này, chị Giang quyết định tiếp tục đưa chồng lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với hy vọng anh Soái sẽ ổn. Sau 2 ngày hồi sức tích cực, tình trạng anh Soái không có chuyển biến. Bác sĩ chẩn đoán anh chết não. Nghe tin từ các bác sĩ chị Giang ngã gục.

Chị Giang đã được giải oan trong buổi lễ truy tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân”.

Ban đầu gia đình định đưa thi thể anh Soái nguyên vẹn về quê để an táng, nhưng khi được bác sĩ chia sẻ về những bệnh nhân đang chờ chết vì không có tạng để ghép, chị Giang khựng lại. Chị lại nghĩ đến hoàn cảnh của mình, những thời khắc của mình vừa trải qua. Hơn ai hết, chị hiểu cảm giác hy vọng, chờ đợi và rồi tuyệt vọng. Ngồi trước người chồng hôn mê, đang còn thở bằng máy, mặt vẫn hồng hào, chị Giang thật khó để đưa ra quyết định. 

Trong lúc bế tắc, anh Ngọ Văn Chinh (anh trai anh Soái) đã đến bên nói với em dâu: “Em hãy nghĩ đến những đứa con của mình, hãy để các cháu được tự hào về bố, để lúc nào đó các cháu vẫn thấy được bố mình đang sống”. Câu nói ấy đã khiến chị Giang mạnh mẽ hơn, và quyết định hiến tạng cho y học. 

“Thực sự để đưa ra quyết định là rất khó. Chồng em vẫn nằm đó, da vẫn hồng hào lắm. Cứ nghĩ chồng mất đi mà không được toàn thây, cứ nghĩ người ta sẽ mổ xẻ để lấy nội tạng là người em run lên. Nhưng khi được các bác sĩ động viên, phân tích rồi anh Chinh nói nữa em đã quyết định hiến tạng. Đến giờ phút này thì em nghĩ mình đã làm đúng”. Chị Giang tâm sự.

Sáng ngày 1-10, anh Soái được rút ông thở cũng là lúc 4 kíp mổ hoạt động liên tục. Một quả tim, một lá gan và hai quả thận đã được ghép thành công cho 4 bệnh nhân xa lạ. Ngoài ra, 2 giác mạc của anh Soái đang được lưu trữ tại ngân hàng mắt, sẽ ghép cho 2 người mù lòa giúp họ được nhìn thấy ánh sáng. 10 gân và 3 đoạn mạch máu cũng đang được lưu trữ tại Ngân hàng mô để ghép cho những bệnh nhân khác.

Trước khi các bác sĩ làm thủ thuật để lấy tạng của anh Soái, chị Giang khóc nghẹn và nói với bác sĩ: "Nhà em không sống được nữa, nhưng em mong muốn một phần cơ thể anh ấy vẫn còn tồn tại đâu đó trên thế giới này. Em hy vọng tất cả các bệnh nhân được ghép tạng đều khoẻ mạnh vì đó chính là một phần cơ thể của chồng em. Em cũng hy vọng xã hội sẽ cởi mở hơn để có thêm nhiều bệnh nhân kém may mắn được hồi sinh".

Thắp cho chồng nén nhang, người phụ nữ khắc khổ ấy như phần nào được an ủi, sau chuỗi ngày cay đắng nhất trong cuộc đời. Cuộc sống khoẻ mạnh của những người được hiến tạng, sự tự hào của các con về bố của mình như động lực để chị tiếp tục sống, tiếp tục gánh vác phần việc mà chồng mình để lại.

Phong Anh
.
.
.