Cô gái đầu tiên ở Hải Dương "hiến ánh sáng cho đời"
Ở miền quê nghèo của tỉnh Hải Dương, nơi mà họ vẫn còn quan niệm "chết phải được toàn thây" thì việc hiến một phần cơ thể mình cho y học là điều không phải ai cũng dám làm.
Là người đầu tiên của tỉnh Hải Dương hiến giác mạc cho y học, Nguyễn Thị Nga (thị trấn Tứ Kỳ, Hải Dương) khi ấy nhận được sự chia sẻ của người thân nhưng cũng không ít người phản đối. Thế rồi mọi người cũng nhận ra đó là một hành đồng đẹp, nó như mở đầu cho một phong trào hiến giác mạc của thị trấn Tứ Kỳ cũng như của tỉnh Hải Dương sau khi qua đời. Có gia đình, gần chục thành viên đều tự nguyện viết đơn hiến giác mạc…
Niềm tự hào của gia đình
Khắp thị trấn Tứ Kỳ, ai cũng biết câu chuyện hiến giác mạc của cô gái trẻ Nguyễn Thị Nga. Những ngày đầu, mọi người không khỏi bàn ra tán vào về câu chuyện của Nga, họ rùng mình vì nghĩ hiến giác mạc là các bác sĩ sẽ đến "khoét" mắt mang đi. Có lẽ định kiến "chết toàn thây" đã ăn sâu vào máu của người Việt chúng ta, dù tuyên truyền nhưng khó mà thay đổi trong sớm mai.
Thế rồi khi có đợt truyền thông của Ngân hàng Mắt - BVMTƯ đến được với bà con, cùng với tấm gương "bằng xương bằng thịt" của Nguyễn Thị Nga, người dân Tứ Kỳ mới hiểu rằng, hiến giác mạc chỉ là lấy đi một lớp màng mỏng trước tròng đen của mắt, không làm thay đổi khuôn mặt và không ảnh hưởng gì đến độ toàn vẹn của thân xác người đã mất.
Người dân nơi đây đã nhận thức rằng, đó là một việc làm nhân đạo, một nghĩa cử cao đẹp. Khi ra đi để lại đôi mắt cho đời đồng nghĩa với việc đem lại ánh sáng cho người khác.
Hành động của Nga đã khiến nhiều người cảm động và làm theo. |
Sau 2 năm kể từ khi Nga quyết định hiến giác mạc cho y học, chúng tôi lại trở về xóm 1, thôn An Nhân Tây, thị trấn Tứ Kỳ để gặp lại gia đình em. Bà Vũ Thị Dụ (54 tuổi, mẹ của Nga) đã khá hơn rất nhiều so với những ngày đầu Nga mất.
Bà Dụ kể: "Ban đầu, gia đình cũng buồn lắm, vì rất nhiều người phản đối việc khi còn sống Nga hiến giác mạc cho y học. Bây giờ cũng đỡ hơn nhiều rồi, mọi người đã hiểu ra ý nghĩa lớn lao của hành động này. Vợ chồng tôi rất tự hào về con gái mình. Em nó đã mất vì bệnh tật, thế nhưng sự ra đi ấy là không hề vô ích. Em đã giúp một người mù được nhìn thấy ánh sáng".
Có lẽ do con gái bệnh tật, hơn 10 năm phải nằm trên giường bệnh mà bà Dụ thương con hơn. Khi con gái mất đi phải hơn 1 năm sau, bà mới cân bằng lại được cuộc sống. Mỗi khi nhớ đến con, bà chỉ biết lặng lẽ khóc.
Con gái mất, gia đình bà Dụ phải hứng chịu quá nhiều điều tiếng từ dư luận. Họ cho rằng, gia đình bà đã nhẫn tâm để con gái mình chết mà không toàn thây. Họ nói như vậy là đi ngược với đạo đức, đi ngược với truyền thống của người Việt. Khi ấy câu chuyện về cô gái Nguyễn Thị Nga tình nguyện viết đơn hiến giác mạc sau khi qua đời đã từng gây xôn xao dư luận.
Ông Nguyễn Văn Xuân (57 tuổi, bố của Nga) chia sẻ: "Quả thực ngày đó chẳng dễ dàng để vượt qua được sức ép của dư luận. Bản thân chúng tôi còn khó mà vượt qua được nói gì đến thiên hạ. Vợ chồng tôi khi ấy cũng vì ước nguyện của con gái mà làm thôi".
Bà Dụ không cầm được nước mắt khi nhìn di ảnh con gái. |
Khi bắt đầu vào THCS, Nga thường xuyên thấy chân mình bị tê, đôi lúc không đi được. Sức khỏe càng ngày càng yếu, việc đi lại dần khó khăn hơn. Học hết lớp 9, em đành phải xin nghỉ học. Gia đình đưa em đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ kết luận: Nga đã bị u tủy sống, bị chèn 7 đốt sống cổ.
Sau ca phẫu thuật nhằm cứu vớt cuộc sống, Nga đã bị liệt hoàn toàn, nằm một chỗ, kèm theo đó là những cơn đau, co giật hàng ngày. Bước sang tuổi 27 tuổi, nhưng Nga đã có tới mười năm nằm bất động trên giường, căn bệnh u tủy sống khiến Nga không được sống như bao người.
Bà Dụ còn nhớ như in những tháng ngày mẹ con dựa vào nhau mà sống. Có lần, bà Dụ nâng con để trở mình nhưng do sức yếu bà đã làm ngã con gái, hai mẹ con lại ôm nhau khóc. Thương con gái chịu nhiều đau đớn, đã có lần bà Dụ định lấy dây điện quấn hai mẹ con vào nhau rồi cắm điện tự vẫn, cùng chết.
Khi ấy Nga lại van xin mẹ: "Mẹ ơi con biết mẹ đã khổ vì con nhiều. Nhưng trước khi chết mẹ cho con làm một việc gì đó có ích, con còn muốn được nhìn thấy mẹ". Khi ấy bà Dụ lại như bừng tỉnh, rồi bà lại khóc thương đứa con bất hạnh.
Do không thể tự sinh hoạt cá nhân, mỗi khi thấy bố mẹ phải phục vụ, chăm sóc mình Nga lại rớt nước mắt. Muốn uống nước, em lại hỏi mẹ: "Mẹ ơi, mẹ có khát nước không? Mẹ uống thì cho con xin một ngụm nhé".
Sống trong sự dằn vặt của một kẻ ăn bám, hằng đêm Nga vẫn phải chịu đựng những cơn đau kinh khủng hành hạ. Giữa đêm khuya thanh vắng, hàng xóm chẳng còn lạ gì với tiếng khóc, kêu đau của Nga: "Bố mẹ ơi cứu con, con đau quá…".
Thương bố phải cõng mình đi khắp các bệnh viện dù nắng hay mưa, thương mẹ chắt bóp từng bơ thóc bán đi lấy tiền chữa bệnh cho mình, Nga đã gắng gượng sống, lạc quan đối mặt với bệnh tật. Thế rồi cô gái trẻ ấy đối mặt với cái chết bằng một tâm thế ung dung và kiên cường.
Nga ngày còn nằm dưỡng bệnh. |
Năm 2008, một lần tình cờ khi xem truyền hình, Nga biết đến chương trình hiến giác mạc do Ngân hàng Mắt Trung ương khởi xướng. Khi ấy, Nga lại thấy mình là người may mắn với những người cả đời phải sống trong bóng tối.
Niềm thương cảm đã dâng lên trong cô, ý tưởng hiến giác mạc bắt đầu nhen nhóm từ đó. Đến năm 2009, nhìn thấy máu đỏ tuôn ra từ ống xông nước tiểu, Nga nghĩ mình chẳng sống được bao lâu nữa. Em gọi mẹ đến bên mình tâm sự: "Mẹ ơi, con có chuyện này muốn nói với mẹ từ lâu, chẳng ai sống như con mà cũng chẳng ai chết như con cả, con muốn để lại chút gì đó cho đời. Mẹ đồng ý để con được hiến giác mạc nhé".
Bà Dụ như rụng rời chân tay, khóc nức nở: "Con ơi đừng làm mẹ sợ, mẹ chưa thấy ai đi hiến giác mạc bao giờ". Nga giải thích cho mẹ hiểu những gì cô được nghe trên báo đài. Dù thế nào thì hai vợ chồng bà Dụ cũng phản đối kịch liệt, bà không thể để con khi chết lại chịu thêm những thiệt thòi không đáng có. Không từ bỏ ý định, Nga liên tục đưa ra ý nguyện của mình, cuối cùng cũng được bố mẹ đồng ý. Thương con, hai vợ chồng bà Dụ quyết định đưa chuyện "tày trời" này ra họp bàn.
Ban đầu, đại gia đình không ai đồng ý, đặc biệt là ông ngoại, ông rớt nước mắt khuyên em: "Ôi con ơi, người ta đến khoét mắt mình đi, tang thương lắm con ơi". Khi ấy, Nga như thể đang đứng trước một hội đồng phản biện, em ra sức thuyết phục để mọi người chấp nhận ước nguyện cuối đời của mình. Cuối cùng thì mọi người cũng chiều theo ý nguyện của Nga.
Bà Dụ là người trực tiếp liên lạc với Bệnh viện Mắt Trung ương. Chỉ ít ngày sau, gia đình nhận được thư cảm ơn của bệnh viện gửi đến. Vậy là Nga trở thành người đầu tiên của tỉnh Hải Dương tự nguyện hiến giác mạc.
ThS. BS. Nguyễn Đức Thành - Phó giám đốc Bệnh viện Mắt TƯ trao tặng giấy ghi nhận nghĩa cử cao đẹp cho gia đình chị Nguyễn Thị Nga. |
"Đôi mắt của em giúp người khác thấy ánh sáng cuộc đời"
Mở chiếc hòm đựng những kỷ vật của con gái, bà Dụ lấy vạt áo lau những bức ảnh của con mình, bà khóc: "Ngày nó ra đi là ngày tôi không thể nào quên được. Hôm ấy các chuyên gia Ngân hàng Mắt Trung ương đến lấy giác mạc giữa đêm khuya, nếu họ không nhanh thì không lấy được. Quả thực không kịp lấy giác mạc, hoàn thành tâm nguyện của cháu thì vợ chồng tôi ân hận cả đời".
Vậy là ý nguyện cuối đời của cô gái kiên cường đã được hoàn thành. Sau lễ cúng tuần, Ngân hàng Mắt Trung ương đã cử đoàn công tác về gia đình ông bà Xuân - Dụ để tổ chức lễ vinh danh về việc làm hiếu nghĩa của Nga. Từ đó, nhiều người mới hiểu ra được sự hy sinh của cô gái trẻ là không hề vô ích.
Ông Xuân lặng lẽ nhìn lên di ảnh của con gái: "Trước khi mất, Nga có ba ý nguyện. Đó là hiến giác mạc cho Ngân hàng Mắt Trung ương, được hỏa táng và gia đình được gặp lại người nhận giác mạc. Đến nay, ý nguyện thứ ba thì gia đình chưa thực hiện được. Nhưng đó là quy định của Ngân hàng mắt thì chúng tôi sẽ chấp nhận, dù sao thì con gái cũng được mỉm cười dưới suối vàng. Đôi mắt của em nó sẽ giúp người khác nhìn thấy ánh sáng cuộc đời".
Nghĩa cử cao đẹp Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị trấn Tứ Kỳ cho biết: "Cô Nguyễn Thị Nga là trường hợp đầu tiên của tỉnh Hải Dương tình nguyện hiến giác mạc cho y học. Lúc đầu, nhiều người chưa hiểu về việc làm và nghĩa cử cao đẹp này đã dị nghị, đồn thổi. Nhưng sau khi ý nguyện của cô được thực hiện, mọi người đã hiểu được việc làm đó rất ý nghĩa, đáng trân trọng. Sau trường hợp của Nga, tại Tứ Kỳ đã có khá nhiều người đăng ký hiến giác mạc cho y học khi còn sống. Có gia đình cả ba thành viên đều đăng ký". |