Hơn 300 nghìn người mù khát khao được ghép giác mạc

Thứ Hai, 06/12/2010, 14:00
Mỗi năm Việt Nam lại có thêm 15 nghìn người bị mù do bệnh lý giác mạc. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, ước mơ đôi mắt sáng là khát khao cháy bỏng của hàng trăm nghìn người mù Việt Nam nhưng nguồn giác mạc được hiến tặng đang thiếu trầm trọng.

Ước mơ được nhận quà tặng ánh sáng

Chúng tôi gặp Đoàn Thanh Tuyền tại cuộc thi vẽ tranh "Alaxan - chiến thắng nỗi đau" khi ấy mới học lớp 3D trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), cậu bé đã để lại trong chúng tôi một ấn tượng đặc biệt. Tuyền có gương mặt thông minh, giọng nói tự tin nhưng sớm bất hạnh. Tuyền vẽ bức tranh "Đôi mắt sáng" rồi mang đi dự thi và đã giành giải nhất.

Tuyền sinh ra và lớn lên trên cánh đồng ăm ắp xanh của miền quê Đông Đỗ, Ứng Hoà. Kể từ khi đôi mắt không còn nhìn thấy nữa, ngay cả trong giấc mơ Tuyền cũng mơ thấy mình có đôi mắt sáng. Tuyền khát khao một ngày nào đó mình sẽ được nhận quà tặng ánh sáng từ những người hiến giác mạc. Giống như Tuyền, chúng tôi đã gặp rất nhiều người không may mắn đang mong chờ trong tuyệt vọng có được đôi mắt sáng.

Khao khát được ghép giác mạc để có cuộc sống bình thường là mong mỏi lớn nhất với những người bị mù do bị hỏng giác mạc. Theo ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Giám đốc Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt TW thì tại Việt Nam hiện có trên 300.000 người mù do bệnh lý về giác mạc, trong đó có khoảng 150.000 người mù cả hai mắt đang cần ghép giác mạc.

Kỹ thuật ghép giác mạc đã được thực hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước, nhưng do quá thiếu giác mạc để ghép nên số người được điều trị bằng cách này không nhiều. Kể từ năm 1985 đến nay, chỉ có 1.500 ca ghép được thực hiện, trong khi Việt Nam có hơn 300.000 người mù do bệnh lý giác mạc. Có những bệnh nhân phải chờ đợi hàng chục năm để được ghép.

Cần nhân rộng phong trào hiến tặng giác mạc

Hiến tặng giác mạc của mình sau khi qua đời là việc làm có ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, đem lại cuộc sống tươi đẹp cho hàng trăm nghìn người mù. Bất cứ ai cũng có thể hiến tặng giác mạc ngay sau khi qua đời. Những người có thị lực kém và ngay cả những người mắc bệnh nan y như ung thư hay đái tháo đường vẫn có thể hiến tặng giác mạc.

Giác mạc và việc lấy giác mạc được tiến hành nhanh, gọn, không ảnh hưởng đến tang lễ của gia đình người hiến.

Đã có những câu chuyện cảm động mà có lẽ không bút mực nào tả xiết về tấm lòng nhân đạo cao cả của những con người sau khi chết đã hiến tặng ánh sáng của mình cho người còn sống. Đó là giác mạc của cụ bà Nguyễn Thị Hoa ở Kim Sơn, Ninh Bình đã đem lại ánh sáng cho hai người mù. Hay như bà Dương Thị H, ở phố Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội người đã được ghép giác mạc cách đây 20 năm vừa hiến tặng Ngân hàng Mắt hai giác mạc của mình sau khi qua đời… Hiện nay 12 tỉnh, thành phố đã có người hiến tặng giác mạc.

Được ghép giác mạc là một may mắn lớn lao nhất với những người bị hỏng giác mạc. Giác mạc của người đã qua đời sẽ là ánh sáng của người đang sống.  Lê Văn Doanh, sinh năm 1989 ở Thanh Hà, Hải Dương là một trong những trường hợp may mắn đó. Doanh bị bệnh giác mạc hình chóp bẩm sinh khiến cho thị lực gần như mất hẳn. Lúc nào Doanh cũng nơm nớp lo sợ đến một ngày em bị mù vĩnh viễn, kể cả khi đã thi đỗ vào Trường Đại học Xây dựng em vẫn không khỏi mặc cảm. Trong một lần đọc báo, Doanh biết được chương trình hiến giác mạc của Ngân hàng Mắt, thế là hai bố con đến ghi tên đăng ký được ghép giác mạc.

"Thấy những chồng hồ sơ xin ghép giác mạc chất ngất, thú thật em chẳng có hy vọng. Nhưng điều kỳ diệu giống như quà tặng của cuộc sống đã đến với em. Tháng 9/2008, em đã được phẫu thuật ghép giác mạc mắt trái. Để điều trị sau ca ghép, Doanh đã phải từ bỏ ước mơ trở thành một kỹ sư xây dựng. Cuộc sống của Doanh đã hoàn toàn thay đổi từ khi có được quà tặng ánh sáng. Mắt được ghép giác mạc của Doanh có thị lực đạt 9/10. Niềm vui thực sự được nhân đôi khi năm 2009, Doanh đã xuất sắc đỗ khoa Quản trị, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội và theo học cho đến bây giờ.

Trước sự quá tải người xin ghép giác mạc, Ngân hàng Mắt phải giải quyết theo thứ tự, trong đó ưu tiên những người vận động được người hiến giác mạc, hoặc người nhà hiến tặng cho nhau. Đến thời điểm này, số người đăng ký hiến tặng giác mạc trên khắp cả nước đã lên đến hơn 30.000 người. Nhưng việc đăng ký và hiến tặng sau khi qua đời là khoảng cách rất xa do những rào cản về mặt tâm linh. Nhiều trường hợp người hiến qua đời, bác sĩ đến lấy giác mạc nhưng gia đình không đồng ý.

Công tác vận động người hiến tặng giác mạc khi qua đời hiện nay vẫn chưa đi vào cuộc sống bởi yếu tố tâm linh vẫn mang nặng trong tư tưởng của đại bộ phận người dân. Để khơi dậy phong trào mang ý nghĩa nhân văn này, Bệnh viện Mắt TW đã vận động các y, bác sỹ trong bệnh viện tham gia và đã có 406 y, bác sỹ đăng ký hiến giác mạc sau khi qua đời. Ghép giác mạc là niềm hy vọng lớn lao của hàng chục nghìn người mù. Rất mong nghĩa cử cao đẹp cho và tặng giác mạc ngày càng được nhân rộng trong cuộc sống.

Tháng 3/2010, Ngân hàng Mắt, thuộc Bệnh viện Mắt TW chính thức bước vào hoạt động. Đây là Ngân hàng Mắt và cũng là Ngân hàng Mô đầu tiên chính thức được thành lập sau khi Luật hiến ghép mô tạng có hiệu lực kể từ tháng 7/2007. Người dân muốn đăng ký hiến tặng giác mạc hãy đến trực tiếp Ngân hàng Mắt hoặc Hội Chữ thập đỏ địa phương để đăng ký.

Trần Hằng- Nguyễn Hương
.
.
.