Tọa đàm “An toàn thông tin và mối đe doạ tới nền kinh tế”

Thứ Ba, 27/09/2016, 10:30
Ngày 27-9- 2016, ICT Press Club tổ chức tọa đàm “An toàn thông tin và mối đe doạ tới nền kinh tế” nhằm phân tích đánh giá thực trạng và đưa ra những khuyến nghị để đảm bảo phòng chống những rủi ro trong việc mất an toàn an ninh ảnh hưởng đến nền kinh tế của Việt Nam.

Tham gia buổi tọa đàm này có với sự tham gia của Bộ TT&TT, Bộ KHCN, Hiệp hội An toàn thông tin, Hiệp hội Interrnet, Hội tin học, các ngân hàng, Tổng công ty Điện lực Việt Nam, VNPT, Viettel, FPT, CMC, Bkav…. Sự kiện được tổ chức tại Khách sạn Grand Plaza, Hà Nội vào lúc 14h hôm nay (27-9).

Ông Nguyễn Việt Phú, Chủ tịch ICT Press Club cho biết, mất an toàn thông tin đang là mối nguy, đe dọa tới các tổ chức, cá nhân, cộng đồng và nền kinh tế. Các vụ tấn công mạng liên tiếp xảy ra gần đây đối với hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines và nhiều ngân hàng đã báo động nghiêm trọng về vấn đề này.  

Tọa đàm “An toàn thông tin và mối đe dọa tới nền kinh tế” với sự góp mặt của cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, các chuyên gia bảo mật và các nhà báo trong  Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam để cùng phân tích đánh giá thực trạng và đưa ra những giải pháp, khuyến nghị để đảm bảo phòng chống những rủi ro trong việc mất an toàn an ninh ảnh hưởng đến nền kinh tế của Việt Nam.

Tại diễn đàn ICT Summit 2016 diễn ra ngày 24-9,  Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã nhấn mạnh, công nghệ càng phát triển, càng tiện dụng, hiện đại, tinh vi bao nhiêu thì tác động, quy mô ảnh hưởng, hậu quả và thiệt hại khi xẩy ra sự cố lại càng phức tạp hơn bấy nhiêu. Chính sự kết nối mà điển hình là xu hướng IoT cũng mang lại những thách thức vô cùng lớn khi quy mô của hoạt động này đã bao trùm lên tất cả các lĩnh vực hoạt động của cuộc sống và lớn hơn rất nhiều so với những ứng dụng CNTT-TT trước đây.

Mới đây, ông Triệu Trần Đức, Giám đốc CMC InfoSec cho biết: Chiến tranh mạng ở Việt Nam hiện hữu với những vụ tấn công vào ngân hàng, Vietnam Airlines… Những dự án như thành phố thông minh hay 4G sắp được triển khai sẽ là phương tiện cho hacker tấn công nếu không giải được bài toán an toàn thông tin. Ông Triệu Trần Đức cũng nói rằng, trong kỷ nguyên “vạn vật kết nối" không chỉ có máy tính, điện thoại mới bị nhiễm mã độc mà cả máy giặt, tủ lạnh kết nối Internet cũng có thể chịu chung số phận

Mikko Hypponen, diễn giả diễn đàn An ninh mạng của NATO, đã đưa ra dẫn chứng tại hội nghị AVAR, có những văn bản của các Bộ, ngành ở Việt Nam được gửi dạng bản PDF nhưng có kèm mã độc. Điều này thực sự là mối lo ngại cho Việt Nam trước vấn đề bảo mật.

Hồi năm ngoái, FireEye - Công ty bảo mật hàng đầu chuyên ngăn chặn các cuộc tấn công trình độ cao trên không gian mạng đã có buổi thuyết trình tại Hà Nội, đưa ra báo cáo về hoạt động của một chiến dịch tấn công trên không gian mạng nhằm vào khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Nhóm tin tặc được mô tả chi tiết trong một báo cáo có tựa đề “APT30 và Cơ chế hoạt động của cuộc tấn công thời gian dài trên không gian mạng”. Báo cáo này cung cấp thông tin chuyên sâu về hoạt động của APT30, một nhóm tin tặc trình độ cao, hoạt động bền bỉ và có khả năng được bảo trợ bởi một chính phủ.

“Từ hoạt động của nhóm tin tặc trình độ cao như APT30 cho thấy rằng, những cuộc tấn công trên không gian mạng có thể được một quốc gia nào đó tài trợ gây ảnh hưởng lớn đến các cơ quan chính phủ, tổ chức khu vực Đông Nam Á và cả Việt Nam. Các cơ quan chính phủ và tổ chức tại Việt Nam phải đối mặt với những nhóm tin tặc được trang bị tốt với chiến thuật dai dẳng, đeo bám đến khi thành công” ông Wias Issa, Giám đốc cấp cao của FireEye cho biết.

PV
.
.
.