Người dùng lo lắng về Zoom, vẫn còn nhiều cái tên khác để thay thế
Đầu tiên là ứng dụng Microsoft Teams do tập đoàn công nghệ Microsoft phát triển. Teams có hầu hết các tính năng của Zoom, và một vài trong số đó thậm chí còn làm việc tốt hơn. Có thể kể tới như Teams gói miễn phí giới hạn tối đa 500 thành viên (người dùng) cho mỗi tổ chức, con số này lớn hơn 100 người cho gói miễn phí của Zoom. Thêm nữa, gói miễn phí của Team giới hạn dung lượng lưu trữ ở mức 2GB cho mỗi người dùng, cộng thêm 10 GB dung lượng lưu trữ được chia sẻ. Với gói trả phí, dung lượng lưu trữ lên tới 1TB cho mỗi người dùng.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất của ứng dụng Microsoft Teams đó là vấn đề bảo mật được các chuyên gia đánh giá cao khi đảm bảo rất tốt về quyền riêng tư của người dùng.
Tên tuổi tiếp theo thay thế Zoom là Skype hiện hỗ trợ hầu hết các nền tảng từ Computer đến Mobile, Tablet hay thậm chí cả TV, máy chơi game Xbox.
Skype cho phép nhắn tin, thực hiện các cuộc gọi thoại (Audio call) hoặc cuộc gọi hình (Video call) miễn phí. Thời gian gần đây, Skype cũng đã bổ sung tính năng cho phép thực hiện các cuộc gọi nhóm có hình (Group Video Call) có thể ứng dụng trong các cuộc họp trực tuyến nhỏ. Skype sử dụng bộ codec SILK do Skype tự phát triển cho chất lượng rất tốt. Về hình ảnh, Skype sử dụng chuẩn mã hóa mở VP8 do Goole phát triển và H.264. Đây là hai chuẩn khá phổ biến nên cũng không có gì khác biệt so với các phần mềm khác.
Đặc biệt, dù chỉ là tài khoản miễn phí của Skype, người dùng cũng có thể sử dụng tối đa 100 giờ/tháng, 10 giờ/ngày và 4 giờ/cuộc họp. Khi dùng quá thời gian giới hạn, cuộc họp của bạn sẽ tự động chuyển sang chế độ cuộc gọi thoại bình thường.
Tiếp theo là Google Duo, ứng dụng gọi video đến từ gã khổng lồ tìm kiếm Google. Tương tự FaceTime, Google Duo tương thích tốt với hệ sinh thái của Google, nhất là bộ ứng dụng Gsuite. Google Duo cung cấp cho người dùng khả năng gọi, nghe các cuộc gọi của bạn bè, người thân, đồng nghiệp trên chính chiếc điện thoại của mình thông qua số của người đó đã được lưu trong danh bạ.
Chất lượng video call trên Google Duo khá tốt dù chất lượng mạng không được cao, theo Nick Fox, giám đốc phát triển sản phẩm của Google tuyên bố, Google Duo có thể thực hiện tốt trên chất lượng đường truyền mạng kém như 2G. Song song đó, ứng dụng cho phép người dùng cá nhân hóa tin nhắn với nhiều hiệu ứng bắt mắt.
Không thể không nhắc tới là Cisco Webex, cung cấp cho bạn giải pháp tổ chức cuộc họp trực tuyến, với giao diện đơn giản, dễ nhìn.
Chỉ bằng một cú click chuột, bạn hoàn toàn có thể ghi lại nội dung của cuộc họp, và chia sẻ tới người tham gia cuộc họp thông qua các kênh truyền thông của Cisco WebEx.
Công cụ này hỗ trợ số lượng người tham gia hội thảo lên tới 200 người. Một số tính năng nổi bật của công cụ này bao gồm: chat trực tuyến với người tham gia thông qua công cụ in-meeting chat. Các thông số thống kê cũng sẽ được WebEx cung cấp tới người tổ chức cuộc họp.
Thêm vào đó, công cụ WebEx có hệ thống bảo mật an ninh vững chắc, giúp nội dung cuộc họp của bạn không bị tiết lộ ra bên ngoài. WebEx còn tích hợp các ứng dụng văn phòng như Office của Microsoft, giúp bạn tiện lợi trong việc truyền tải nội dung bạn muốn thuyết trình.
Và cuối cùng là cái tên Adobe Connect, một công cụ hỗ trợ hội thảo trực tuyến đa nền tảng. Tận dụng các thế mạnh của Adobe, Connect cho phép người dùng tự xây dựng bản đánh giá và phân tích số liệu thống kê theo ý muốn.
Công cụ này cho phép hỗ trợ cuộc họp với số người lắng nghe và tham dự lên tới 1000 người. Để tăng hiệu quả của hội thảo, Adobe cung cấp các công cụ quản trị tương tác của người dùng đối với nội dung cuộc hội thảo. Adobe Connect cho phép số lượng người thuyết trình cùng 1 lúc lên tới 4 người, phù hợp cho các cuộc thảo luận và tranh luận giữa các bên có ý kiến trái chiều nhau.
Điểm mạnh của Adobe Connect chính là khả năng diễn tả các nội dung báo cáo dưới dạng trực quan sinh động, giúp người dùng hiểu thêm thông điệp người thuyết trình muốn truyền tải tới khán giả.