Giải pháp “Robot an ninh” của nữ sinh trường làng

Thứ Tư, 10/10/2018, 08:56
Tại cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Sóc Trăng lần thứ VII năm 2018 vừa qua, có 5 giải nhất được Ban tổ chức cấp tỉnh chọn tham dự cuộc thi toàn quốc. Trong số này, có giải pháp “Robot DL” của em Nguyễn Thị Kim Loan (hiện là học sinh lớp 12, Trường THPT Lương Định Của, huyện Long Phú).


Em Nguyễn Thị Kim Loan, cho biết: “Trong cuộc sống hiện nay, cùng với sự phát triển vượt bậc về công nghệ, lĩnh vực lập trình và điện tử trong điều khiển tự động hóa được ứng dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả cao trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế cũng như đời sống xã hội. Chúng ta có thể tạo ra các robot giúp ngăn chặn, phòng ngừa các nguy cơ trên, nên em nảy ra ý tưởng cho ra đời Robot DL (giải pháp an ninh - an toàn gia đình)”.

Theo em Loan, Robot DL hoạt động dựa vào cảm ứng khí gas, hồng ngoại, nhiệt độ. Robot có thể tương tác và điều khiển từ xa với chủ nhân qua tin nhắn điện thoại, cuộc gọi điện thoại; tầm gần qua bluetooth bằng ứng dụng điện thoại Control Robot DL (do tác giả tự lập trình).

Em Nguyễn Thị Kim Loan và sản phẩm Robot DL.

Ví dụ, đường dây dẫn gas bị xì, khoá van bị hỏng hoặc ống gas nối sai khớp; khí gas rò rỉ với lượng nhỏ khiến ta khó phát hiện bằng cách ngửi thông thường, với lượng khí gas nhỏ này trong phòng kín sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe (bị choáng, bất tỉnh).

Nếu lượng khí rò rỉ lớn có thể gây ra ngộ độc, ngạt khí gas nguy hiểm đến tính mạng; hoặc khí gas rò rỉ bắt gặp tia lửa điện hay nhiệt độ đủ đạt đến mức gây cháy… sẽ cực kì nguy hiểm. Với cảm biến khí gas, Robot DL sẽ phát hiện sự rò rỉ của khí gas, tự động phát âm thanh cảnh báo, đồng thời gửi tin nhắn đến số điện thoại được định trước cho chủ nhân, hoặc có thể thực hiện cuộc gọi đến số điện thoại cứu hỏa 114…

Còn khi có kẻ xấu đột nhập, hệ thống cảm biến chuyển động phát hiện, Robot DL tự động phát âm thanh cảnh báo, đồng thời gửi tin nhắn đến số điện thoại được định trước của chủ nhân, hoặc thực hiện cuộc gọi đến số 113, tự động kích hoạt hệ thống camera ghi hình kẻ trộm.

Em Loan “bật mí” thêm: “Robot DL được chế tạo, lắp ráp từ những vật liệu tái chế, như: chai dầu gội đầu, đồ chơi cũ, chuột máy tính hỏng, hộp đựng mứt… Robot DL có chiều cao 29,5cm; chiều rộng 22cm; khối lượng 450gram; tốc độ di chuyển khoảng 5km/giờ; độ cao chướng ngại vật có thể vượt qua là 2,5m; hoạt động bằng pin sạc 5V, dòng 2.1A và 1A, dung lượng 7.500 mAh. Nếu hết pin có thể cắm sạc lại.

Với lượng pin này robot có thể hoạt động trong 12 giờ liên tục trong trạng thái chuyển động khảo sát, 48 giờ liên tục trong trạng thái thăm dò tại vị trí cố định”. Nhận xét về sản phẩm của học trò, thầy Trương Văn Đực, giáo viên Vật lý cho biết: Đây là sản phẩm rất độc đáo, thiết thực và chi phí không cao (khoảng 2 triệu đồng/sản phẩm).

Robot DL được thiết kế nhỏ gọn, khối lượng nhẹ, đảm bảo tính thẩm mỹ cao và hoạt động tiết kiệm năng lượng. Tính thực tế và khả năng ứng dụng của Robot DL cao do đáp ứng tốt được các yêu cầu của người dùng là phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của bản thân mình. Khả năng bảo mật cao vì chỉ ai biết số điện thoại của robot hoặc mật khẩu đăng nhập bluetoth mới có thể kết nối với nó. Hướng phát triển của Robot DL sẽ được trang bị module wifi, camera để có thể điều khiển robot và truyền dẫn hình ảnh mà robot quan sát được đến điện thoại chủ nhân từ xa.

Không chỉ say mê nghiên cứu khoa học, Nguyễn Thị Kim Loan có bảng thành tích học tập đáng nể. Liên tục 11 năm qua, em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện; được UBND tỉnh Sóc Trăng tặng Bằng khen cho thành tích học sinh giỏi toàn cấp ở bậc Tiểu học và THCS. Ước mơ của Loan sau kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 là theo học ngành Công nghệ thông tin của Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh.

Cao Xuân
.
.
.