RangerBot: Robot diệt sao biển gai ăn thịt san hô

Thứ Tư, 03/10/2018, 10:56
Đầu tháng 9 vừa qua, các nhà khoa học Australia đã chính thức ra mắt robot bảo vệ san hô RangerBot tại Công viên thủy cung Reef HQ Aquarium ở thành phố Townsville, Úc. Đây là robot tự động đầu tiên trên thế giới có khả năng tìm kiếm và tiêu diệt sao biển gai (hay còn gọi “vương miện gai”) với độ chính xác gần như tuyệt đối, lên tới 99,4%.


Sao biển gai được phát hiện với số lượng lớn ở rặng san hô Swains Reefs, mũi phía nam của quần thể rặng san hô, khu di sản thế giới Great Barrier Reef. Không chỉ sinh sôi nảy nở nhanh, tạo nên hiện tượng tẩy trắng và ô nhiễm nguồn nước, loại sao biển gai này còn “ăn” san hô khủng khiếp. 

“Mỗi con sao biển ăn hết một lượng san hô bằng với đường kính cơ thể của nó chỉ trong một đêm. Rất nhiều san hô sẽ biến mất”, nhà nghiên cứu Hugh Sweatman thuộc Viện Khoa học Hàng hải Úc, cho biết.

Hiện tại đã có khoảng 700km rặng san hô bị chúng “ăn thịt”. Thiệt hại này ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái biển và lợi ích từ du lịch. Do đó, chính phủ nước này đã phải tiến hành tiêu diệt loài thiên địch của san hô. Được biết, sao biển ăn san hô bằng cách đè dạ dày của chúng lên nhành san hô và tiết ra một loại enzyme tiêu hóa để làm các mô san hô hóa lỏng.

Robot bảo vệ san hô RangerBot được nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Trường đại học Công nghệ Queensland, Úc phát triển, với sự tài trợ của Google và Tổ chức Bảo tồn Rạn san hô Great Barrier. RangerBot là phiên bản nâng cấp của nguyên mẫu COTSbot từng được giới thiệu vào năm 2015.

Theo Giáo sư Matthew Dunbabin thuộc QUT, RangerBot được trang bị một hệ thống thị giác cho phép nó "nhìn thấy" dưới nước trong khi được vận hành bằng máy tính bảng để điều hướng, tránh vật cản và thực hiện các nhiệm vụ khoa học phức tạp. Nó có thể nhận diện loài sao biển gai ăn san hô với độ chính xác lên tới 99,4%, sau đó tiêm chất độc để tiêu diệt chúng mà không ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. 

Ông nói: “Thông thường, mọi người đều sử dụng âm thanh để làm điều đó, đó là cách rất tốn kém để điều hướng dưới nước. Chúng tôi đã biến cách sử dụng âm thanh tốn kém này thành thiết kế đặc biệt để hoạt động trong môi trường rạn san hô và nó chỉ sử dụng tầm nhìn dưới nước. Bằng cách đó, chúng tôi có thể làm cho nó rẻ hơn đáng kể so với hầu hết các hệ thống dưới nước truyền thống”.

Bên cạnh đó, robot đa chức năng này còn có thể giúp các nhà nghiên cứu thu thập dữ liệu, lập bản đồ và giám sát nhiều vấn đề mà các rạn san hô đang phải đối mặt như ô nhiễm, chất lượng nước, hiện tượng tẩy trắng, lắng bùn hay các loài gây hại khác.

RangerBot trông giống như một chiếc tàu ngầm nhỏ màu vàng, có thể hoạt động liên tục 8 giờ dưới nước, gấp gần 3 lần so với thợ lặn và có khả năng vận hành trong nhiều điều kiện môi trường phức tạp. Nhờ đó, thiết bị có thể thay thế con người trong nhiều công việc nghiên cứu nguy hiểm.

Giám đốc Quỹ Anna Marsden cho biết thiết bị này có thể là một bộ "tay và mắt" bổ sung để giúp quản lý các môi trường rạn san hô quan trọng. Chắc chắn với khả năng tiêu diệt sao biển gai có độ chính xác cao, RangerBot sẽ sớm được đưa vào hoạt động tại Great Barrier để có thể bảo vệ tốt nhất cho rạn san hô lớn nhất thế giới này.

Ngọc Bảo
.
.
.