Chọn tạo nhiều giống lúa “sống chung” với hạn, mặn

Thứ Tư, 05/04/2017, 09:35
Những năm qua, việc ứng dụng và đổi mới công nghệ đã đưa ngành nông nghiệp nước ta không những đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn lọt vào Top 3 nước xuất khẩu hàng gạo đầu thế giới trong nhiều năm. 

Các nhà khoa học ở các Viện, Trường, địa phương… đã lai tạo được nhiều giống lúa chịu hạn, phèn, mặn, thích nghi với điều kiện nước biển dâng các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)…

Tại Hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL”, tổ chức tại An Giang ngày 15-3 vừa qua, GS.TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện di truyền Nông nghiệp cho biết, từ năm 2010 đến nay, Viện di truyền Nông nghiệp cùng các đối tác tại Viện nghiên cứu lúa quốc tế, Viện khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường, Viện quy hoạch Thủy lợi miền Nam đã sử dụng phương pháp chọn tạo giống lúa bằng chỉ thị phân tử kết hợp với lai trở lại (gọi tắt là MABC) để chọn tạo giống lúa có khả năng chịu ngập, chịu mặn cho vùng ven biển đồng bằng Việt Nam, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). 

Nông dân huyện Hồng Dân (Bạc Liêu), thu hoạch giống lúa Sỏi trồng thử nghiệm trong môi trường nhiễm mặn tại huyện này. 

MABC là phương pháp mới nhằm chuyển các gene mới vào các giống lúa ưu tú. MABC cho phép lai chuyển những gen mới vào các giống lúa ưu tú trong khoảng thời gian ngắn, chỉ khoảng 3-4 năm, trong khi phương pháp lai truyền thống mất từ 6-10 năm. Bên cạnh đó, phương pháp này còn mang lại ưu điểm là giống được hội nhập thêm những gene mới, tăng khả năng chống chịu với các yếu tố sốc, mà vẫn giữ nguyên được các đặc tính ưu việt của giống gốc. 

“Những giống tích hợp gene này dễ dàng được chấp nhận khi chuyển giao cho nông dân, do đó thúc đẩy nhanh sự phát triển của giống. Áp dụng phương pháp mới này, Viện đã chọn tạo được 4 dòng ưu tú có khả năng chịu ngập từ 10-16 ngày, gồm: AS996-Sult1, OM6976-Sult1, BacThom7-Sult1, KhangDanDB-Sult1. Đặc biệt là 3 dòng ưu tú có khả năng chịu mặn 6‰, như: AS996-Saltol, OM6976-Saltol, BacThom-Saltol. Các giống này đã được trồng thử nghiệm thành công tại Nam Định và Bạc Liêu cho năng suất ngang với giống ban đầu. Dự kiến các giống lúa này sẽ đưa vào sản xuất trên diện rộng, nhằm thích ứng với điều kiện chống chịu với hạn, mặn, nhất là tại ĐBSCL thời gian tới” – GS.TS Lê Huy Hàm chia sẻ. 

Cũng theo GS.TS Lê Huy Hàm, trong điều kiện BĐKH như hiện nay, việc nghiên cứu chọn, tạo giống trong thời gian tới không nên quá chú trọng vào việc tạo ra các giống lúa mới, mà nên tập trung vào việc đẩy mạnh khả năng chống chịu với thời tiết của các loại giống trên cơ sở các giống lúa sẵn có. Nên chọn các giống lúa ưu tú, có chất lượng tốt, áp dụng các phương pháp lai tạo để đưa các nguồn gen chống chịu tốt với hạn, mặn, sâu bệnh… vào nhưng vẫn giữ nguyên các đặc điểm của giống ban đầu cả về năng suất, chất lượng, thời gian sinh trưởng. 

Đây là biện pháp vừa tiết kiệm chi phí, nhân lực, thời gian và dễ được người dân chấp nhận đưa vào sản xuất. Hiện nay Việt Nam đã nghiên cứu được rất nhiều giống lúa mới có chất lượng tốt. Tuy nhiên, sự liên tục ra đời của các giống mới không chỉ tốn kém về chi phí nghiên cứu mà còn là một vấn đề khó trong xây dựng thương hiệu gạo của nước ta.

Giống lúa Một Bụi Đỏ đang được lưu trữ tại Khoa Nông nghiệp và Ứng dụng sinh học, Đại học Cần Thơ. 

Trước đó, vào mùa khô năm 2010, khi tình hình xâm nhập mặn đang diễn ra, lãnh đạo UBND huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) đến Trường ĐH Cần Thơ nhờ nghiên cứu, tìm giống lúa mới chịu mặn cao cho nông dân. Sau hơn 1 năm nghiên cứu, dựa trên giống lúa Một Bụi Đỏ đã có từ lâu tại huyện này, PGS.TS Võ Công Thành, Trưởng bộ môn Di truyền nông nghiệp (Khoa Nông nghiệp và Ứng dụng sinh học, Trường ĐH Cần Thơ) đã nghiên cứu nhân giống lúa Một Bụi Đỏ mới có khả năng chịu mặn từ 6‰ - 8‰. 

Từ năm 2011, giống lúa này được trồng tại huyện Hồng Dân với gần 15.000 ha. Đặc biệt, giống lúa Một Bụi Đỏ cho cơm dẻo, mềm và nhất là không sử dụng phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật nên cho nguồn gạo sạch, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngoài ra, PGS.TS Võ Công Thành đã cùng các cộng sự lai tạo và cho ra đời bộ giống CTUS1 (lúa Sỏi) có khả năng chịu mặn từ 9‰ - 10‰. Năm 2011, lúa Sỏi cũng được trồng thử nghiệm tại huyện Hồng Dân (Bạc Liêu), cho năng suất trung bình 6 tấn/ha trên diện tích vài trăm ha. Lúa Sỏi là giống lúa dài ngày, có thể sống trong môi trường nước mặn dùng để nuôi tôm, kháng bệnh đạo ôn, rầy nâu và quan trọng là gạo đạt chuẩn xuất khẩu. 

Theo PGS.TS Võ CôngThành, ở những vùng bị xâm nhập mặn, với độ mặn từ 2‰-5‰, nếu sử dụng giống thường thì lúc lúa trổ và chín dễ bị “hả họng”, tức vỏ trấu của hạt mở ra chứ không khép lại, còn lúc chín hạt sẽ lép dần đi. Nhưng 2 giống lúa vừa kể trên chịu được mặn suốt từ giai đoạn trổ cho đến chín. Đợt xâm nhập mặn 2016 ảnh hưởng đến sản xuất lúa của 9 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và việc thử nghiệm các giống lúa này đang được nhiều địa phương quan tâm.

Đặc biệt, Trường ĐH Cần Thơ đang trồng thử nghiệm một số giống lúa “siêu” chịu mặn ở huyện Cái Nước (Cà Mau). Giống lúa này chịu được độ mặn lên đến 12,7‰, có thể sống thiếu nước trong 15 ngày và bị ngập khoảng 1 tuần, rất phù hợp với vùng ĐBSCL.

Một cánh đồng lúa giống chất lượng cao tại huyện Thoại Sơn (An Giang). 

Trong bối cảnh vùng ĐBSCL chịu tác động lớn của BĐKH, đặc biệt là các tỉnh ven biển đã, đang và sẽ đối mặt với tình hình xâm nhập mặn ngày càng sâu vào đất liền; cường độ nhiễm mặn tăng dần qua các kỳ, tần số xuất hiện, thời gian kéo dài hơn, kết hợp với các điều kiện bất lợi khác như hạn, phèn, nhiều giống lúa chịu mặn, phèn, hạn được Viện Lúa ĐBSCL lai tạo đưa vào sản xuất, như: OM6976, OM5451, OM5166, OM9916, OM9921, OM2517, OM5629, OM9584, OM9579. Giống lúa OM9916 và OM9921 là hai giống lúa chịu mặn tốt, có mùi thơm, phẩm chất tốt; giống OM9584 và OM9579 là hai giống lúa có khả năng chống chịu mặn cao tại các vùng đất nhiễm mặn... 

Ngoài ra, còn một số giống như: OM2517, OM4900, OM6976... cũng đang được trồng và phát triển khá tốt trên vùng đất nhiễm mặn, đặc biệt là vùng chuyên canh tôm - lúa…

Việc các nhà khoa học ở các Viện, Trường và địa phương nỗ lực phối hợp để tìm ra các giống lúa mới có khả năng chống chịu với hạn, mặn, phèn, ngập… được xem là một trong những giải pháp mang tính bền vững. 

Bởi, theo dự báo, trong tương lai 70% diện tích đất ở ĐBSCL sẽ bị xâm nhập mặn do hậu quả của BĐKH. Lúc đó, người dân nơi đây không thể “né” hạn, mặn hay phòng chống hạn, mặn được… mà phải “sống chung” với hạn mặn.

Đức Văn
.
.
.