Kỷ niệm 20 năm thành lập Ban liên lạc cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ cứu nước:

Vẹn nguyên ký ức thời hoa lửa

Thứ Sáu, 28/04/2017, 09:16
Đều đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, đã trải qua quá nửa chặng đường của đời người, chuyện hiện tại dễ quên nhưng kỷ niệm quá khứ lại luôn nhớ. Thế nên với họ cứ mỗi độ tháng tư về, càng gần kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những ký ức thời trẻ trai trong lòng mỗi chàng trai, cô gái, những cán bộ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam ngày nào càng thêm sống dậy...



Trang trọng đưa tay vuốt tà áo đại lễ Công an, nơi những tấm huân, huy chương, những kỷ niệm chương sáng lấp lánh cài trên ngực áo, Thiếu tướng Phan Văn Lai không khỏi bồi hồi. Thế là chỉ vài ngày nữa thôi, ông sẽ được gặp lại bao người đồng đội năm xưa để thỏa sức hàn huyên, trò chuyện. Bởi đã thành thông lệ, cứ vào dịp lễ kỷ niệm Ngày chiến thắng 30-4, ông và đồng đội, những cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (KCCMCN) lại có dịp hội ngộ, ôn lại kỷ niệm ngày vui đại thắng.

Giờ tuổi đã cao, tóc đã bạc, tay đã run nhưng vẫn vẹn nguyên cảm xúc về cuộc chiến hào hùng và nghĩa tình đồng đội, vẫn ắp đầy trong ký ức về một thời thanh xuân đã sống và cống hiến cho đất nước. Tuổi trẻ của họ được khắc ghi bằng những ký ức hào hùng, bằng những tháng năm không thể nào quên.

Chẵn 10 năm đảm nhiệm cương vị Trưởng Ban liên lạc cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam, kể về truyền thống lực lượng cán bộ Công an chi viện, Thiếu tướng Phan Văn Lai nhớ rất rành rẽ.

Cuộc hội ngộ giữa những người đồng đội Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ông Lai chia sẻ, từ 260 cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam năm 1962, tổng kết chiến tranh đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bộ Công an đã chi viện cho miền Nam hơn 11.000 cán bộ. Vào chiến trường, đội ngũ cán bộ Công an chi viện đã nhanh chóng hòa nhập với cán bộ An ninh tại chỗ, lăn lộn, bám sát phong trào cơ sở. Nhiều tấm gương chiến đấu, anh dũng hy sinh của cán bộ Công an chi viện còn sống mãi trong tâm trí đồng bào, đồng đội miền Nam.

“Tổng kết công tác chi viện An ninh miền Nam cho thấy, trong cuộc kháng chiến một mất một còn với kẻ thù đã có 908 cán bộ Công an chi viện anh dũng hy sinh, 46 cán bộ Công an chi viện bị địch bắt tù đày trong các nhà lao địa ngục trần gian của Mỹ - ngụy. Nhưng bởi được tôi luyện trong cuộc đấu tranh đầy cam go, ác liệt, các cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam đã chiến đấu anh dũng, ngoan cường, lập nhiều chiến công xuất sắc, 16 cán bộ Công an chi viện được tuyên dương Anh hùng LLVTND. 

Đội ngũ cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam đã góp phần không nhỏ làm chuyển biến tương quan lực lượng, là một trong những nhân tố góp phần quan trọng giúp lực lượng An ninh miền Nam không ngừng lớn mạnh mọi mặt, đủ sức đương đầu và đánh bại âm mưu hoạt động của các cơ quan tình báo, gián điệp, cũng như kế hoạch bình định của Mỹ-ngụy, góp phần làm nên đại thắng lịch sử mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước” - Thiếu tướng Phan Văn Lai khẳng định.

Được thành lập từ năm 1997, tính đến nay đã vừa chẵn 20 năm, kể từ khi đi vào hoạt động, Ban liên lạc cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ KCCMCN đã không ngừng phát huy tinh thần yêu nước, phẩm chất anh hùng của người chiến sĩ CAND cách mạng.

Họ - những con người đã từng vào sinh ra tử, sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước ngày nào, giờ vẫn vẹn nguyên bầu nhiệt huyết cách mạng, tiếp tục cống hiến sức mình bằng các hoạt động tiếp lửa truyền thống, đền ơn đáp nghĩa, nghĩa tình đồng đội, góp phần không nhỏ trong việc giáo dục, nêu gương phẩm chất cao quý về lý tưởng, đạo đức, lối sống đối với các thế hệ cán bộ và tuổi trẻ CAND, góp phần xây dựng lực lượng CAND ngày càng trong sạch, vững mạnh.    

Dù cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã đi qua 42 năm nhưng trong tâm thức của những người cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam những kỷ niệm chiến trường, nghĩa tình đồng đội cao cả dường vẫn còn sống mãi.

Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; kỷ 20 năm Ngày thành lập BLL cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam, với bài viết nhỏ mà chúng tôi ghi lại, dù vẫn còn là quá khiêm tốn so với những gì mà họ đã có, đã trải qua, nhưng dẫu gì điều đó cũng đã góp một phần minh chứng cho thấy họ - những cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ KCCMCN thực sự là những con người “anh hùng trong thời chiến, tình nghĩa nhân văn trong thời bình”.

Bà Phạm Thị Thúy Mỳ - cô gái nhỏ chích máu viết đơn tình nguyện ra chiến trường

Gặp người phụ nữ có nụ cười đôn hậu, dáng mảnh khảnh, người đã từng chích máu viết đơn tình nguyện vào chiến trường miền Nam, đánh giặc cứu nước trả thù cho cha Phạm Thị Thúy Mỳ nhân chuyến Ban liên lạc tổ chức tham quan Bảo tàng CAND, hồi tưởng lại chuyện cũ, bà Mỳ dường như vẫn chưa hết xúc động.

Sinh ra và lớn lên tại xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất thì cô Mỳ cũng vừa bước vào tuổi trưởng thành. 

Năm 1965, nghe tin cha mình - một cán bộ An ninh Công an tỉnh Hà Nam chi viện chiến trường miền Nam vừa hy sinh anh dũng tại chiến trường Trị Thiên khói lửa, là chị cả của 4 đứa em thơ, còn mẹ thì luôn đau yếu, dù thương mẹ và các em vô cùng, nhưng cô vẫn tìm mọi cách để được ra tiền tuyến. Sợ lá đơn xin ra trận bị gạt, cô liền chích tay lấy máu viết đơn tình nguyện và giả chữ ký của mẹ đồng ý cho con vào chiến trường miền Nam rồi gửi tới Công an huyện Thanh Liêm.

Bà Mỳ chia sẻ, thời điểm đó, chiến tranh ngày càng ác liệt, sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Là lính cơ yếu bảo mật, cô và đồng đội phải làm việc giữa rừng để đảm bảo bí mật, ngày cũng như đêm, nắng cũng như mưa, nơi làm việc là sàn đất, còn nơi ngủ là những chiếc võng, chiếc tăng. 

Có những khi bom đạn địch vây ráp, phải di chuyển nơi làm việc, phải cõng những thùng tài liệu còn nặng hơn cả trọng lượng cơ thể mình để chạy giặc, vậy mà cô Mỳ mảnh mai ngày ấy vẫn băng băng cõng những thùng tài liệu xuyên núi, xuyên rừng.

Ông Vũ Hữu Mão - người Công an già vẫn say mê công tác xã hội

Gần 15 năm rời nhiệm sở, những tưởng về hưu ông sẽ được thanh nhàn. Ấy thế nhưng, với ông Vũ Hữu Mão - người chiến sĩ Công an chi viện miền Nam giờ đây dường như lại càng thêm bận rộn. Ông Mão quan niệm về hưu không có nghĩa là “nghỉ”, chẳng qua chỉ là bước chuyển, khi rời nhiệm vụ này để làm các nhiệm vụ khác miễn là còn tâm sức. 

Quả vậy, gần 15 năm sau khi nghỉ hưu, không còn đảm nhiệm công việc của một cán bộ Cục Xuất nhập cảnh, giờ tuy đang bước gần tới tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông Mão vẫn đảm trách cùng lúc 5 công việc xã hội trong đó có trọng trách là cán bộ thường trực Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày có địa chỉ ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội. 

Phạm Tâm
.
.