Tấn công, trấn áp tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”
Băng nhóm tổ chức đánh bạc chiếm tỷ lệ cao
Nhận diện về những thủ đoạn kín đáo, tinh vi của các băng nhóm, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự cho biết, tại các thành phố, khu đô thị, khu công nghiệp, các băng nhóm tội phạm “núp bóng doanh nghiệp”.
Hoạt động liên quan đến các lĩnh vực có nguồn thu lợi bất chính cao như: tổ chức đánh bạc, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động “tín dụng đen”; bảo kê thu mua phế liệu, nông, lâm sản; khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép; can thiệp vào lĩnh vực kinh tế, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh; buôn lậu, vận chuyển, mua bán trái phép các chất ma túy…
Các đối tượng cầm đầu các băng nhóm có sự thay đổi về phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đan xen chuyển hoá giữa các lĩnh vực, núp bóng doanh nhân, hoạt động từ thiện, sản xuất phim ảnh trên mạng xã hội, kênh youtube,...
Loan “cá” (ảnh nhỏ) cùng đồng phạm bị bắt giữ. |
Mặc dù cơ quan Công an đã nhận diện được nhưng công tác đấu tranh còn gặp nhiều khó khăn. Các đối tượng gốc Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định,…) vẫn hoạt động “tín dụng đen” phức tạp tại địa bàn TP Hồ Chí Minh, các tỉnh giáp ranh, khu vực các tỉnh Tây Nguyên.
Đáng chú ý, băng nhóm tổ chức đánh bạc vẫn chiếm tỷ lệ cao và tiếp tục có diễn biến phức tạp là nguy cơ tái diễn tình trạng hoạt động “tín dụng đen”. Các băng nhóm tổ chức đánh bạc phi truyền thống sử dụng công nghệ cao, như: cá độ bóng đá trên mạng, game bài đổi thưởng… không ngừng gia tăng về quy mô, thay đổi thủ đoạn, nhằm tạo nguồn cung cấp tài chính để hoạt động.
Các địa phương triệt phá nhiều băng nhóm gồm: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, An Giang, Đắk Lắk… Nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động tinh vi, phức tạp được Công an địa phương đưa vào quản lý chặt chẽ trong thời gian dài đã bị triệt phá, điển hình như: Công an tỉnh Thái Bình triệt phá băng nhóm Đường Nhuệ; Công an tỉnh Bắc Ninh triệt phá băng nhóm Quân “Kỳ”.
Công an tỉnh Đồng Nai triệt phá băng nhóm vợ chồng Loan “cá” - Tuấn “Cá”… Theo đó, Lý Thị Loan (SN 198, tên gọi khác là Loan “cá”), trú tại phường Hóa An, TP Biên Hòa, Đồng Nai và chồng Nguyễn Quốc Tuấn (SN 1977) cưỡng đoạt tiền của nhiều tiểu thương buôn bán khu vực phường Hóa An.
Hiện cơ quan Công an đã khởi tố 4 đối tượng trong băng nhóm (gồm chồng Loan “cá”, Tuấn “cá”, cùng 2 đối tượng đàn em). Các đối tượng này đều nằm trong danh sách băng nhóm Loan “cá” được Công an địa phương xác lập từ tháng 10-2019 với 6 đối tượng.
Ngoài ra, vụ 2 nhóm khoảng 30 đối tượng chuẩn bị hung khí để đánh nhau làm đối tượng Lê Đức Độ (SN 1993), trú tại phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định bị chém đứt lìa cánh tay sau đó tử vong. Đây là vụ việc do 2 nhóm đối tượng gây ra xuất phát từ mâu thuẫn, tuy nhiên có dấu hiệu của băng nhóm nhưng chưa được rà dựng để quản lý (trong số các đối tượng đã xác định được có nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự về hành vi cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng). Đã khởi tố một nhóm về hành vi giết người với 12 đối tượng, bắt 10 đối tượng, truy nã 2 đối tượng. Đối với nhóm còn lại đã khởi tố về hành vi gây rối TTCC với 7 đối tượng.
Riêng đối với vụ các đối tượng cố ý gây thương tích, đổ chất bẩn vào nhà bà Lê Thị Hiền, trú tại phường Phương Lâm, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình: Bước đầu nhận định, vụ việc có tính chất thuê mướn, băng nhóm. Do mâu thuẫn cá nhân, bà Hiền bị các đối tượng chém đứt rời 2 ngón tay, tạt mạt kính, a-xít lỏng và nhiều lần đổ chất bẩn vào nhà. Hiện Công an TP Hòa Bình đã khởi tố vụ án về hành vi “Cố ý gây thương tích”.
Tình hình tội phạm sử dụng vũ khí nóng gây án vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra một số vụ điển hình trong năm 2020, như: Vụ dùng súng cướp tài sản xảy ra ngày 20/4, tại Chi nhánh Ngân hàng Techcombank, Sóc Sơn, Hà Nội; vụ 2 nhóm thanh niên dùng súng tự chế bắn nhau, làm 1 người bị thương xảy ra ngày 18-4, tại Chương Mỹ, Hà Nội; vụ Nguyễn Chí Dương dùng súng tự chế bắn chết 1 người xảy ra tại Hải Dương; vụ 5 đối tượng dùng súng hoa cải bắn chết 1 người tại huyện Bắc Quang, Hà Giang; vụ 8 đối tượng dùng súng, dao cướp vàng, tiền xảy ra tại Bình Phước; vụ Vũ Tuấn Dũng và Đặng Trần Đức sử dụng súng hơi bắn người đi đường gây thương tích tại Hà Nội...
Đấu tranh làm tan rã các băng nhóm
Cục Cảnh sát hình sự tiếp tục tập trung lực lượng đấu tranh triệt phá, chỉ đạo hướng dẫn hệ lực lượng rà soát, triển khai phương án đấu tranh, làm tan rã các băng nhóm.
Trong đó, đề nghị chỉ đạo Ban Chỉ đạo 138 của địa phương có kế hoạch tập trung đấu tranh, đồng thời đẩy mạnh công tác rà soát, nắm tình hình, phát hiện, lập danh sách quản lý, tổ chức đấu tranh đối với các băng nhóm mới manh nha hình thành, không để các băng nhóm hình thành và hoạt động phức tạp gây mất ANTT.
Qua công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thấy một số địa phương còn có tình trạng băng nhóm mặc dù đã được đưa vào diện quản lý nhưng vẫn tiếp tục hoạt động mà không thu thập được thông tin tài liệu; còn có băng nhóm hoạt động thời gian dài mà không bị phát hiện, lập hồ quản lý...
Theo đó, Cục Cảnh sát hình sự tiếp tục báo cáo, trình lãnh đạo Bộ duyệt điện chỉ đạo Công an các đơn vị địa phương tăng cường công tác nghiệp vụ cơ bản, tập trung đấu tranh các đối tượng có tiền án, tiền sự, cầm đầu các băng nhóm tội phạm hình sự. Đề xuất lãnh đạo Bộ thành lập các Đoàn kiểm tra do một số đơn vị nghiệp vụ làm trưởng đoàn để kiểm tra, hướng dẫn công tác nghiệp vụ cơ bản, công tác rà soát, quản lý, triệt phá băng nhóm tội phạm có tổ chức tại các địa phương. Từ đó có giải pháp hiệu quả, làm chuyển biến tình hình công tác đấu tranh trong thời gian tới.
Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 105 của Bộ Công an về tổng kiểm tra, mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; thực hiện Chỉ thị 21 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”…