Hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn (23-1-1916 - 23-1-2016):

Tầm nhìn chiến lược của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn với An ninh miền Nam

Thứ Năm, 31/12/2015, 07:50
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc đã thắng lợi ngót nửa thế kỷ, song những kỷ niệm vẫn còn sâu đậm trong tâm khảm của Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh, nguyên ủy viên Ban an ninh Khu VI, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND (nay là Tổng cục Chính trị CAND).


Điều tâm đắc nhất là tầm nhìn chiến lược của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn cùng Đảng đoàn lãnh đạo Bộ Công an trong những năm tháng gian khổ ác liệt của cuộc chiến tranh.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh nhớ lại, với chiến thắng vẻ vang của Chiến dịch Điện Biên Phủ tháng 5 năm 1954, Thực dân Pháp buộc phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Giơnevơ kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược ở Đông Dương, thừa nhận quyền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Tuy nhiên, Hiệp định ký chưa ráo mực, Mỹ đã tiến hành phá hoại có hệ thống nhằm hất cẳng Pháp ra khỏi Đông Dương, đồng thời thực hiện chế độ thực dân kiểu mới ở miền Nam Việt Nam thông qua chế độ độc tài tay sai Ngô Đình Diệm…

Trước tình hình diễn biến phức tạp ấy, theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Công an đã chủ động lựa chọn và bố trí cán bộ ở lại miền Nam hoạt động dưới nhiều hình thức: hợp pháp, nửa hợp pháp, bí mật, bất hợp pháp hoặc chuyển vùng nhằm bảo toàn lực lượng, kịp thời nắm tình hình, một số khác được tập kết ra miền Bắc chuẩn bị cho kế hoạch lâu dài của cách mạng.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn với đoàn cán bộ miền Nam ra công tác tại Hà Nội.

Với tầm nhìn xa trông rộng, đầu năm 1955, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn quyết định thành lập Tổ cán bộ miền Nam trực thuộc Phòng Tổ chức cán bộ của Bộ Công an. Năm 1957, sau khi thành lập Vụ Tổ chức cán bộ đã đổi thành Bộ phận cán bộ miền Nam. Đây là tổ chức đầu tiên có nhiệm vụ chuyên trách việc chuẩn bị cán bộ chi viện cho An ninh miền Nam liên tục trong hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng về cách mạng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn cùng Đảng đoàn lãnh đạo Bộ Công an trực tiếp chỉ đạo công tác chuẩn bị nhân lực, vật lực, tài lực bằng mọi khả năng để chi viện kịp thời cho An ninh miền Nam với tinh thần cán bộ, chiến sỹ CAND không phân biệt quê ở miền Nam hay miền Bắc, tất cả sẵn sàng lên đường chi viện cho An ninh miền Nam khi có yêu cầu. 

Trước hết, Bộ chủ trương lấy cán bộ miền Nam đang công tác ở các ngành ngoài chuyển về Công an, đối với cán bộ miền Nam với phương châm quan điểm của Bộ trưởng là “Đặc biệt chú ý sử dụng công tác trước mắt, đồng thời có hướng đào tạo lâu dài”. 

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn thăm và làm việc với lãnh đạo Sở Công an TPHCM.

Chính vì vậy, trong tổng số trên 1.000 cán bộ miền Nam tập kết, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã chỉ đạo sắp xếp phân công trực tiếp làm nhiệm vụ nhằm chuyên sâu tay nghề, đồng thời lựa chọn những cán bộ có năng lực xuống cơ sở làm Phó Trưởng Ty công an các tỉnh để qua lăn lộn thực tế mà trưởng thành, tạo nguồn cán bộ tăng cường cho An ninh miền Nam như đồng chí Nguyễn Đình Thi làm Phó trưởng Ty Công an Ninh Bình, đồng chí Trần Đức Hoài làm Phó trưởng Ty Công an Phú Thọ, đồng chí Nguyễn Văn Tông làm Phó trưởng Ty Công an Thái Bình... 

Cuối năm 1959, nhận thấy số cán bộ tập kết không đủ để phục vụ yêu cầu, Bộ trưởng chủ động bàn bạc, thống nhất kế hoạch với Bộ Quốc phòng tuyển chọn gần 1.000 cán bộ là hạ sỹ quan thuộc các Sư đoàn 305, 330, 338 của khu V, Trung đoàn 120 của Tây Nguyên đưa về đào tạo tại Trường Công an Trung ương, sau đó phân công công tác tại các cơ quan thuộc Bộ, các Ty Công an miền Bắc. Từ năm 1965 trở đi số cán bộ này lần lượt tăng cường trở về miền Nam chiến đấu.

Đặc biệt, sau khi thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với Ủy ban An ninh, Bộ Nội vụ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, để chuẩn bị nguồn cán bộ cốt cán cho An ninh miền Nam sau này, Bộ trưởng chỉ đạo lựa chọn cán bộ người miền Nam cử sang các nước bạn đào tạo nghiệp vụ các khoá ngắn hạn, dài hạn làm nòng cốt chi viện An ninh miền Nam. 

Trong số đó có các đồng chí Bùi Thiện Ngộ (sau này là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nay là Bộ Công an), đồng chí Mười Quang, đồng chí Ba Lưu (2 đồng chí này là cán bộ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam)… Đến năm 1962, Bộ cử đoàn cán bộ trung cao cấp đầu tiên khoảng 300 người tăng cường cho Trung ương Cục miền Nam. 

Đó là món quà quý giá vô ngần tăng cường sức mạnh cho An ninh miền Nam. Từ lực lượng chi viện đó, giữa năm 1962 bộ máy an ninh các cấp được hình thành và phát triển toàn miền Nam. Có nơi hình thành bộ máy an ninh đến cấp huyện, xã. Trong số cán bộ chi viện đó chủ yếu là cán bộ người miền Nam nhưng cũng có một số là cán bộ quê miền Bắc như đồng chí Lê Tiền (sau là Thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh)...

Sau Tết Mậu Thân năm 1968, để tăng cường công tác đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Bộ quyết định thành lập Trường Đào tạo cán bộ Công an (tại Vĩnh Phúc), cử đồng chí Vũ Kính, Phó Giám đốc Công an Hải Phòng làm Hiệu trưởng. Bộ chỉ đạo lựa chọn con em các cán bộ ở miền Nam đưa ra Bắc để đào tạo. Kết hợp vừa đào tạo văn hoá vừa đào tạo nghiệp vụ nhằm tạo nguồn lực lượng nòng cốt cho miền Nam. Năm 1972 trên đà thắng lợi của toàn quân, toàn dân ta ở cả hai miền Nam Bắc, theo chỉ thị của Trung ương Đảng, lực lượng Công an dồn lực cho chiến trường miền Nam.

Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, chiến sỹ cơ yếu CAND trước lúc lên đường vào chiến trường miền Nam 1966. (Ảnh TL).

Từ món quà đầu tiên của Bộ là chiến lợi phẩm thu được trong chuyên án gián điệp biệt kích mang bí số C47, bộ điện đài được chuyển cho An ninh (R) như được tiếp thêm sức mạnh trong chiến đấu. Từ bộ điện đài này cộng thêm lực lượng cơ yếu của Bộ chi viện đã tạo nên hệ thống thông tin liên lạc quan trọng với cơ quan Bộ, xây dựng và hình thành phát triển mạng lưới thông tin cơ yếu riêng của lực lượng An ninh miền Nam; giữa tỉnh, khu, Trung ương Cục với Bộ theo quy định cụ thể.

Ngoài chi viện phương tiện điện đài, cán bộ cơ yếu cũng được quan tâm đào tạo rất chu đáo, kỹ lưỡng. Đến năm 1966 hệ thống mạng lưới thông tin cơ yếu đó được hình thành và phát triển phục vụ đắc lực sự chỉ đạo thống nhất trong lực lượng Công an nói chung và lực lượng An ninh miền Nam nói riêng. 

Đây là một trong những yếu tố quan trọng có tính chất quyết định thắng lợi của cách mạng, đó chính là tầm nhìn chiến lược của Bộ Công an trong đó vai trò lãnh đạo của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn vô cùng quan trọng. Trên cơ sở hệ thống thông tin đó, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn thường xuyên chỉ đạo trực tiếp, kịp thời, hằng ngày, hằng giờ, từng giây từng phút đến mọi mặt của chiến dịch.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng CAND là một trong những lực lượng tổ chức chi viện cho chiến trường miền Nam sớm nhất, nhiều nhất về mọi mặt, kể cả về cán bộ, vũ khí, phương tiện kỹ thuật hậu cần..., đúng lúc, kịp thời, đón đầu, thời cơ, góp phần quan trọng vào sự chuyển biến tương quan lực lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ miền Nam, vào sự nghịêp đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên những thành công đó là tầm nhìn chiến lược, sự nhạy bén, đi trước đón đầu - đó là nét đặc biệt trong phong cách, tư tưởng lãnh đạo của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn trước Đảng, trước ngành, trước nhân dân.

Riêng với Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh, ông vẫn cứ băn khoăn một điều: Với phong cách và tầm nhìn chiến lược ngày ấy phải chăng ngoài yếu tố tư chất cá nhân, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn còn được kế thừa, ảnh hưởng từ Chủ tịch Hồ Chí Minh mà trong suốt cuộc đời binh nghiệp Bộ trưởng đã vinh dự được gần gũi, học tập bên Người để rồi đúc rút thành kinh nghiệm thực tiễn cách mạng trong tác phong lãnh đạo, chỉ huy của mình!

Thuỳ Linh (ghi)
.
.