Lực lượng Công an nhân dân trong sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất đất nước

Đồng chí Trần Quốc Hoàn với công tác chi viện An ninh miền Nam

Thứ Hai, 13/04/2015, 08:46
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với cương vị là Bí thư Đảng đoàn, Bộ trưởng Bộ Công an, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã cùng tập thể Đảng đoàn, lãnh đạo Bộ Công an tổ chức, chỉ đạo chi viện An ninh miền Nam một cách hiệu quả, có tầm chiến lược, đáp ứng yêu cầu ngày một tăng của chiến trường miền Nam.

Tiếp nhận sự chi viện, An ninh miền Nam không ngừng lớn mạnh mọi mặt đủ sức đương đầu và đánh bại âm mưu hoạt động của các cơ quan tình báo, gián điệp, bình định của Mỹ-ngụy, góp phần làm nên Đại thắng Mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 

40 năm sau ngày toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhìn lại công tác chi viện An ninh miền Nam càng thấy rõ tầm nhìn chiến lược, tính chủ động, sáng tạo của Đảng, Nhà nước, của tập thể lãnh đạo Bộ Công an trong đó có đóng góp quan trọng của đồng chí Trần Quốc Hoàn:

Nhân tố có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, có tính quyết định trong công tác chi viện An ninh miền Nam là chi viện về cán bộ. Đồng chí Trần Quốc Hoàn chỉ đạo xây dựng bộ phận chuyên trách trong Bộ Công an chuyên lo công tác chi viện, đầu năm 1955 thành lập “Tổ cán bộ miền Nam”, năm 1957 đổi thành “Bộ phận cán bộ miền Nam”, ngày 23/1/1962 lập thêm tổ 15 sau này gọi là B90 trực thuộc Bộ trưởng, đến ngày 18/5/1966 Bộ trưởng ký Quyết định số 05/QĐ-BCA thành lập “Ban nghiên cứu miền Nam”.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn với đại biểu dự Hội nghị tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang An ninh miền Nam, tháng 6/1976.

Để tạo nguồn cán bộ chi viện, từ ngày 27/2 đến ngày 9/3/1954 Hội nghị Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã diễn ra dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Quốc Hoàn. 

Hội nghị đã đề ra nhiều chủ trương, trong đó “đối với cán bộ miền Nam đang công tác chú ý sử dụng công tác trước mắt, đồng thời có hướng đào tạo lâu dài và lấy cán bộ Công an cũ, tốt ở miền Nam hiện ở các ngành về công tác trong lực lượng Công an”; tăng thêm cơ cấu cấp phó cho Công an các đơn vị, địa phương để đào tạo, mở trường đào tạo cán bộ An ninh là con em miền Nam, gửi một số cán bộ An ninh là người miền Nam đi học tại Liên Xô  như các đồng chí: Bùi Thiện Ngộ, Lê Minh Học (Sáu Học), Cao Đức Hoàn (tư Hoàn), Phạm Minh Điện (Mười Quang)… Đề nghị Quân ủy Trung ương điều chuyển hơn 1.000 cán bộ Quân đội đưa về Trường Công an Trung ương để đào tạo chuẩn bị tăng cường cho an ninh miền Nam. 

Với vai trò là người trực tiếp tổ chức, lãnh đạo, đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn cùng Đảng đoàn, lãnh đạo Bộ Công an đã phát động phong trào “tất cả vì giải phóng miền Nam”, “vì thống nhất đất nước”, “mỗi người làm việc bằng hai” trở thành cuộc vận động chính trị sâu rộng liên tục trong toàn lực lượng Công an nhân dân sẵn sàng tham gia chi viện. 

Vì vậy, từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 15/NQ-TW của Trung ương (1959) đến 29/4/1975, từ chi viện lúc đầu chỉ có 5 đồng chí, qua 5 giai đoạn chiến lược, giai đoạn sau chi viện cao hơn giai đoạn trước, lực lượng Công an nhân dân đã chi viện 11.294 đồng chí cho chiến trường miền Nam, góp phần xây dựng bộ khung cán bộ tăng sức, tăng lực tạo điều kiện để An ninh miền Nam hoàn thành nhiệm vụ.

Là người đặt nền móng xây dựng lý luận Công an nhân dân, đồng chí đã có những hoạt động phong phú, kết hợp chặt chẽ sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của các cấp ủy Đảng ở miền Nam với sự chỉ đạo của Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an về công tác An ninh ở miền Nam; đặc biệt là lãnh đạo thực hiện đường lối của Đảng về công tác Công an. Đồng chí chỉ đạo đưa đường lối, phương châm, nguyên tắc, chính sách đấu tranh trấn áp phản cách mạng và lý luận nghiệp vụ vào giảng dạy ở các trường Công an, huấn luyện cán bộ Công an chi viện. 

Mỗi lần có đoàn cán bộ cấp ủy miền Nam ra Bắc công tác, Đảng đoàn, lãnh đạo Bộ Công an và đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đều mời về cơ quan Bộ trao đổi tình hình như đoàn đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc), Bí thư Trung ương Cục (1967); đoàn Khu ủy Khu V như các đồng chí Võ Chí Công (Năm Công) - Bí thư, Năm Vinh, Bảy Hữu, Bùi San (vào các năm 1961, 1965, 1971); đoàn đồng chí Trần Lê, Bí thư Khu ủy Khu VI và các đoàn Khu ủy Trị Thiên như các đồng chí Tư Minh, Bảy Tiến… (vào các năm 1967, 1971, 1973…). 

Đồng chí Trần Quốc Hoàn đã nhiều lần làm việc trực tiếp với lãnh đạo An ninh miền Nam từ An ninh Trung ương Cục đến An ninh các Khu về tình hình và quán triệt đường lối của Đảng trong công tác Công an, vận dụng sáng tạo vào thực tế chiến trường miền Nam.

Để nâng cao sức chiến đấu của An ninh miền Nam, đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn cùng Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo tranh thủ mọi nguồn lực (kể cả chiến lợi phẩm thu được của địch) chi viện về hậu cần, phương tiện-kỹ thuật nghiệp vụ. Đó là quá trình chi viện từ ít đến nhiều, từ mang vác trên vai tính từng ki-lô-gam đến sử dụng xe cơ giới chuyên chở hàng trăm tấn vũ khí, phương tiện nghiệp vụ chuyên ngành làm tăng sức chiến đấu của An ninh miền Nam. 

Đồng chí Trần Quốc Hoàn là Bộ trưởng rất quan tâm đưa khoa học-kỹ thuật vào hoạt động của ngành Công an. Từ chủ trương của tập thể lãnh đạo Bộ Công an, trực tiếp là sự chỉ đạo của đồng chí, sự chi viện về khoa học kỹ thuật cho An ninh miền Nam đã mang lại hiệu quả rõ nét, góp phần để cán bộ ta thu thập nhiều tin tức có giá trị thông báo cho cấp ủy An ninh miền Nam ra chủ trương, biện pháp kịp thời tránh được rất nhiều tổn thất. 

Đồng chí là người trực tiếp chỉ đạo xây dựng mạng lưới thông tin (điện đài, luật mật mã, cán bộ cơ yếu, báo vụ) đến năm 1965 đã thông suốt 2 chiều để An ninh miền Nam chiến đấu thắng lợi.

Kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng là dịp để chúng ta tri ân sự hy sinh to lớn của Đảng, Nhà nước và toàn dân tộc, trong đó có đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân. 

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ đó, có một giai đoạn lịch sử hào hùng của lực lượng Công an nhân dân gắn với công tác chi viện cho chiến trường miền Nam, mà đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn có những đóng góp quan trọng, để lại ấn tượng sâu đậm và lòng biết ơn trong lòng cán bộ, chiến sĩ, đồng bào cả nước.

Vũ Ngọc Dũng, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Công an
.
.
.