Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn với công tác xây dựng và phát triển lý luận CAND

Thứ Ba, 29/12/2015, 08:22
Lực lượng CAND từ khi ra đời đến nay, các thế hệ lãnh đạo Bộ Công an và toàn lực lượng luôn quan tâm đến công tác xây dựng và phát triển lý luận CAND. Trong thời kỳ đồng chí Trần Quốc Hoàn giữ chức vụ Bộ trưởng, công tác lý luận và việc xây dựng, bổ sung, phát triển lý luận CAND được đặc biệt coi trọng và trở thành một nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, cấp bách của toàn lực lượng CAND, trong đó vai trò chỉ đạo và sự đóng góp của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn mang ý nghĩa quyết định.


Đồng chí Trần Quốc Hoàn là người đi tiên phong trong việc quán triệt và hiện thực hóa quan điểm, tư tưởng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở Việt Nam, hình thành hệ thống lý luận CAND.

Lực lượng Công an Việt Nam ra đời ngày 19-8-1945 và kể từ khi có Sắc lệnh số 23-SL, Công an Việt Nam trở thành lực lượng thống nhất trong toàn quốc, độc lập tương đối nằm trong Bộ Nội vụ; có cơ cấu tổ chức bộ máy của một công cụ bạo lực chuyên chính, chuyên trách nhiệm vụ đấu tranh chống phản cách mạng và tội phạm khác, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ ANTT của đất nước.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn.

Để tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng đối với Công an và công tác Công an trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, tháng 8-1952, Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định cử đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên Trung ương Đảng phụ trách lực lượng Công an thay đồng chí Lê Giản. Từ đây, với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của lực lượng Công an, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã dành hết tâm huyết, trí lực và tài năng cùng với tập thể lãnh đạo Bộ đóng góp xây dựng lực lượng CAND Việt Nam nói chung và trực tiếp quan tâm đến công tác xây dựng lý luận CAND.

Quán triệt sâu sắc quan điểm CAND của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 5-5-1950 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng về “Đảng lãnh đạo công an”, trên cơ sở nhận thức đúng về vai trò và tầm quan trọng của công tác lý luận và những nội dung cơ bản nêu trong Đề án CAND, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ VII (8-1952), nhằm tổng kết công tác của toàn lực lượng sau 7 năm thành lập và đã rút ra bảy vấn đề quan trọng mang tính lý luận nghiệp vụ đầu tiên của Công an là: 

Công tác bảo vệ cơ quan (phạm vi, phương châm công tác bảo vệ); Công tác điều tra nghiên cứu; Công tác bắt và xét xử; Công tác hỏi cung; Công tác quản chế; Công tác kiểm soát sự ra vào vùng tạm bị chiếm và vấn đề Công an xã. Đây là những vấn đề cốt lõi nhất, mang tính đột phá trong công tác Công an được tổng kết qua thực tiễn công tác và kinh nghiệm của nhiều cán bộ Công an ở các địa bàn hoạt động khác nhau. 

Những vấn đề trên sau này đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng phê duyệt và trở thành phương hướng chỉ đạo cơ bản, thống nhất trong công tác nghiệp vụ Công an; là cơ sở nền móng quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, phát triển lý luận CAND Việt Nam sau này; là những “viên gạch” đặt nền móng vững chắc trên chặng đường xây dựng, phát triển, từng bước hoàn chỉnh hệ thống lý luận CAND.

Bảy đề án công tác đã được Nha Công an Trung ương sử dụng để huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ Công an. Qua đó, đã giúp cho cán bộ Công an nắm chắc đường lối, phương châm, nguyên tắc của Đảng, xác định rõ đối tượng đấu tranh, phương pháp, biện pháp công tác và góp phần đưa hoạt động của lực lượng CAND ngày càng mang tính chính quy, chuyên nghiệp…

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn với các đại biểu Anh hùng dự Đại hội tuyên dương Anh hùng các lực lượng An ninh nhân dân miền Nam, tháng 6-1976.

Sau Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ VII, đường lối đấu tranh chống phản cách mạng và tội phạm khác dần dần được bổ sung, phát triển trở thành một bộ phận quan trọng trong toàn bộ đường lối cách mạng của Đảng, có ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn đối với mọi mặt hoạt động công tác Công an. Qua thực tiễn hoạt động của lực lượng Công an, đồng chí Trần Quốc Hoàn trên cương vị Bộ trưởng đã tham mưu, đề xuất Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 64-CT/TW ngày 20-2-1954 “về việc tăng cường lãnh đạo công tác Công an” trong đó nhấn mạnh công tác xây dựng lực lượng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, các cấp ủy đảng đối với công tác Công an và bộ máy tổ chức Công an kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Tháng 5-1956, tại Hội nghị Tổng kết công tác cải cách ruộng đất đợt 5 của đoàn Bắc Ninh, đồng chí Trần Quốc Hoàn có bài nói quan trọng: “Một số vấn đề về công tác đánh địch” đề cập và giải quyết một cách thuyết phục hàng loạt vấn đề về tư tưởng, nhận thức về công tác đánh địch, về đề phòng tả khuynh, hữu khuynh, công tác hỏi cung, đặc biệt là 11 điểm phân biệt ranh giới giữa cách mạng và phản cách mạng. 

Với bài nói này, đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn không chỉ thể hiện là một nhà lãnh đạo chính trị giàu kinh nghiệm mà còn là một nhà lãnh đạo Công an có tư duy lý luận sắc sảo. Những vấn đề do đồng chí nêu ra đã góp phần nâng cao nhận thức tư tưởng, khai thông những ách tắc khó khăn của thực tiễn, đáp ứng nhu cầu hiểu biết của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhất là đối với những người có trách nhiệm phải trực tiếp giải quyết những phức tạp, sửa chữa sai lầm của cải cách ruộng đất. 

Về mặt khoa học, “Một số vấn đề công tác đánh địch” là sự phác họa sớm toàn bộ các vấn đề lý luận của cuộc đấu tranh chống phản cách mạng ở nước ta. Đặc biệt tại Đại hội Đảng lần thứ III, đồng chí Trần Quốc Hoàn với tư cách là đại biểu của Đoàn đại biểu Đảng đoàn Bộ Công an đã có bài phát biểu tham luận rất quan trọng: “Tăng cường công tác đấu tranh chống phản cách mạng để đảm bảo thắng lợi cho cách mạng Xã hội chủ nghĩa”, nội dung bài tham luận chứa đựng nhiều quan điểm, chủ trương lớn và những vấn đề có tính nguyên tắc về đấu tranh chống phản cách mạng và xây dựng lực lượng CAND trong điều kiện đất nước tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược ở 2 miền: xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn đã trực tiếp chủ trì nhiều hội nghị chuyên đề nghiệp vụ quan trọng, hội nghị Công an toàn quốc hằng năm, nhất là mỗi khi chuẩn bị dự thảo các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Ban Bí thư, Nghị định của Chính phủ đã từng bước bổ sung nhận thức và những quan điểm, chủ trương, nguyên tắc chỉ đạo quan trọng về công tác đấu tranh chống phản cách mạng, bảo vệ ANTT. Đồng chí Trần Quốc Hoàn đóng vai trò là người chủ trì, nêu vấn đề thảo luận và kết luận cuối cùng. Đây là những đóng góp trực tiếp của đồng chí về xây dựng lý luận nghiệp vụ Công an phục vụ đấu tranh bảo vệ ANTT của đất nước.

Với cương vị Bộ trưởng Bộ Công an trong gần 30 năm, đồng chí Trần Quốc Hoàn vừa là người lãnh đạo, chỉ huy, đồng thời là một nhà kiến tạo lý luận CAND, vừa là người trực tiếp nghiên cứu lý luận, vừa chỉ đạo tổ chức tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm để bổ sung, phát triển và hoàn thiện hệ thống lý luận CAND. Trong suốt cuộc đời hoạt động phong phú, sôi nổi của mình, dù rất bận với nhiều trọng trách công tác khác, nhưng Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn luôn dành sự quan tâm đến công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn công tác Công an. 

Đồng chí đã có gần 100 bài nói, bài viết mang tính lý luận và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn có giá trị khoa học rất sâu sắc được tập hợp và in trong 4 cuốn sách quan trọng. Dưới sự lãnh đạo và tâm huyết của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, công tác lý luận CAND không ngừng được bổ sung, phát triển, hệ thống lý luận Công an ngày càng được hoàn thiện, góp phần to lớn trong việc hoạch định đường lối đấu tranh chống phản cách mạng, giữ gìn ANTT và xây dựng lực lượng CAND.

Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Bình Ban
.
.