Mùa hè thứ ba ở T29

Thứ Sáu, 17/06/2016, 10:03
Vậy là mùa hè thứ ba gõ cửa T29 – phiên hiệu của một học viện mới gia nhập hệ thống giáo dục đào tạo nước nhà: Học viện Chính trị CAND. Mùa hè thứ ba kể từ khi Học viện được thành lập, sân trường không có nhiều khoảng không để rực cháy màu phượng và ngân vang tiếng ve nhưng thầy và trò nơi đây tự hào với những thành tích, kết quả “mùa đầu”. 

Giữa sân trường nắng gắt, tôi chợt nghĩ, đất này cái khó chẳng bó được cái khôn, sự khó khăn về vật chất, hạn hẹp về khuôn viên, diện tích chẳng thể khiến thầy trò nản lòng, ngược lại là sự khẳng định vươn lên với tầm vóc và diện mạo mới…

Hai năm trước, khi cái biển tên “Trường Bồi dưỡng nghiệp vụ CAND” vừa được gỡ xuống để thay bằng dòng biển đỏ “Học viện Chính trị CAND”, nhìn cơ ngơi phòng ốc, hạ tầng còn rất giản đơn, giảng đường chỉ là những dãy nhà chật hẹp, cán bộ, giáo viên còn rất mỏng, tôi lấy làm băn khoăn… 

Tuổi đời trẻ nhất, cái mới và cái trẻ trung ấy chưa thể so bề những học viện danh tiếng và có truyền thống trên nửa thế kỷ. Nhưng cái mới, sự trẻ trung cũng như mùa xuân, như chồi non dẫu chưa có bề dày nhưng lại hàm chứa nguồn năng lượng giàu sức sống, giàu sự sáng tạo riêng có.

Như ngạn ngữ nói, cây cao lớn đến đâu, trước khi thành cổ thụ cũng khởi nguồn từ những mầm xanh ban đầu. Những điều lớn lao cũng có thể được xây dựng từ một khởi đầu khiêm tốn mà thôi. Chặng đường xuất phát với mỗi con người, mỗi cơ quan, tổ chức bao giờ cũng quan trọng và đáng nhớ, đó là tiền đề khởi động cho những bước đi sau này. 

Với một cơ sở đào tạo, đặc biệt ở vị thế là học viện được đặt mục tiêu, kỳ vọng lớn như Học viện Chính trị CAND, bước khởi đầu vì thế càng có ý nghĩa hệ trọng. Đó là việc xây dựng nền móng cho sự trưởng thành, nền móng có chắc, có vững mới tạo đà cho những bước phát triển tiếp theo. 

Tôi nhớ đến câu nói của William Arthur ward, có 4 bước dẫn tới thành tựu: Lên kế hoạch có mục đích; chuẩn bị chuyên tâm; tiến hành tích cực; theo đuổi bền bỉ. Và thực tế, ngay trong giai đoạn khởi đầu, Học viện đã thực hiện chuyên trọn cho cả 4 bước nói trên.

Bây giờ, diện mạo một học viện uy tín và tầm thế đang được hình thành. Với phương châm đoàn kết, chủ động, phát huy lợi thế, nguồn lực, khắc phục khó khăn, trở ngại, tới nay sau hai năm chính thức đi vào hoạt động, Học viện Chính trị CAND đã đạt được những kết quả bước đầu có ý nghĩa rất quan trọng, là quá trình tạo dựng nền móng vững chắc, đảm bảo cho những chặng đường phát triển về sau. 

Thiếu tướng Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Giám đốc Học viện cho biết, dấu ấn nổi bật sau hơn 2 năm học viện đi vào hoạt động trước hết là việc đã tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu đào tạo trước mắt và lâu dài. 

Kiện toàn bộ máy lãnh đạo, chỉ huy từ Ban Giám đốc Học viện đến các khoa, phòng, tổ bộ môn. Đội ngũ cán bộ, giảng viên được xây dựng dựa trên nguyên tắc kết hợp chặt chẽ nhân lực trong và ngoài lực lượng CAND. 

Học viện tập hợp nhiều cán bộ, chuyên gia lý luận trong các lĩnh vực thuộc hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ giảng dạy lý luận chính trị trong và ngoài CAND. Học viện cũng đón nhận các trí thức trẻ có phẩm chất, năng lực trình độ, tâm huyết, yêu nghề, được tuyển dụng theo quy định để bổ sung cho đội ngũ, cán bộ giảng viên, là nhân lực phát triển lâu dài của học viện. 

Hội thảo khoa học “Nhận diện và đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, chống phá cách mạng Việt Nam” do Học viện Chính trị CAND tổ chức ngày 1-3-2016.

Đến nay, học viện có 26 đồng chí có trình độ tiến sĩ (trong đó 2 Giáo sư, 5 Phó Giáo sư), chiếm 18,1% trên tổng số giảng viên; 105 thạc sĩ (trong đó 39 nghiên cứu sinh), chiếm 72,9% trên tổng số giảng viên; 119 cử nhân (trong đó 53 đang học cao học), chiếm  9% số giảng viên. Hiện, đội ngũ cán bộ, giảng viên đang tiếp tục được đào tạo, chuẩn hoá về chất lượng và số lượng.

Học viện đã quy tụ đội ngũ chuyên gia xây dựng hệ thống giáo trình đảm bảo quy chuẩn. Tới nay đã hoàn thiện biên soạn 50 giáo trình đào tạo các hệ: Ngành Tham mưu, chỉ huy CAND; cao cấp lý luận chính trị; cử nhân chính trị văn bằng 2 (cơ bản đã hoàn thiện, đang tiến hành thẩm định). 

Chỉnh lý, bổ sung giáo trình hoàn thiện kiến thức trình độ trung cấp lý luận chính trị và giáo trình bồi dưỡng cán bộ quy hoạch chức danh lãnh đạo cấp phòng, quận, huyện trong CAND. Biên soạn 6 cuốn sách chuyên khảo; xây dựng 40 đề cương chi tiết các học phần/môn học. 

Điểm nữa, học viện đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, sách tham khảo. Tới nay, ngoài hệ thống giáo trình, mỗi môn học đã và đang xây dựng từ 3 đến 5 sách tham khảo.

Học viện thực hiện nhiệm vụ thường trực Tiểu ban nghiên cứu lý luận về XDLL CAND, xây dựng khung lý luận về xây dựng lực lượng CAND; nghiên cứu 3 chuyên đề và triển khai tổ chức các hội thảo khoa học về các vấn đề liên quan đến công tác lý luận, xây dựng lực lượng CAND. Triển khai nghiên cứu 1 nhiệm vụ khoa học cấp Nhà nước, 4 nhiệm vụ khoa học cấp Bộ, 5 nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở.

Về công tác đào tạo, sau 2 năm hoạt động, học viện đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng hơn 8.000 học viên các hệ, trong đó hệ bồi dưỡng chức danh, quy hoạch chức danh lãnh đạo, chỉ huy; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh đối tượng 2 (lãnh đạo cấp Cục và tương đương). 

Hệ đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị: Đã đào tạo và cấp giấy chứng nhận cao cấp lý luận chính trị 6 lớp với 831 học viên; đang đề xuất Ban Tổ chức Trung ương báo cáo Ban Bí thư giao cho học viện tổ chức đào tạo và cấp bằng cao cấp lý luận chính trị. Đào tạo cử nhân chính trị (văn bằng 2), bồi dưỡng bổ sung hoàn thiện kiến thức trình độ trung cấp lý luận chính trị với 30 lớp cho 5.066 học viên. 

Về hệ đại học chính quy, học viện đào tạo 2 khoá với 433 học viên. Hiện, học viện đã báo cáo Bộ GD&ĐT cấp phép đào tạo ngành Quản trị nhân lực, trình độ đại học từ năm học 2016-2017. Xây dựng Đề án đăng ký đào tạo đại học chính quy hệ dân sự ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước, xây dựng khung chương trình đào tạo và mở mã ngành Sư phạm chính trị trong năm học 2016-2017…

Là cơ sở đào tạo lớn trong lực lượng vũ trang, học viện coi trọng “học đi đôi với hành”, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật, gắn chặt giữa đào tạo nghiệp vụ, kiến thức, bản lĩnh chính trị với công tác thực tiễn. Đổi mới phương pháp đào tạo, tăng tính trao đổi, đối thoại, thường xuyên tổ chức đối thoại giữa Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện với học viên, sinh viên, tăng cường các hoạt động thực tế, đi cơ sở, gắn bó với  nhân dân…

Thiếu tướng Trương Giang Long khẳng định, với những kết quả đạt được, có thể khẳng định, nhiệm vụ Bộ trưởng giao trong chặng đường đầu thì tới nay, sau hai năm học viện đã hoàn thành tốt, nhiều nội dung vượt tiến độ đề ra. 

Quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, học viện có những thuận lợi rất cơ bản, trong đó vấn đề tiên quyết là việc thành lập Học viện Chính trị CAND đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu và XDLL CAND, được Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an mà trực tiếp là đồng chí Bộ trưởng Trần Đại Quang (nay là Chủ tịch nước) đặc biệt quan tâm, chỉ đạo. 

Học viện nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Bộ GD&ĐT và các cơ quan, ban, ngành, sự vào cuộc rốt ráo của Tổng cục Chính trị CAND. Tập thể lãnh đạo, cán bộ, giảng viên học viện đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, là cơ sở giáo dục đào tạo mới ra đời, học viện hiện còn gặp không ít khó khăn: cơ sở vật chất, hạ tầng của học viện thiếu thốn, khó khăn về kinh phí, trang thiết bị, về kinh nghiệm công tác, huấn luyện…

P.Trường
.
.