Phòng, chống khuynh hướng “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang” ở nước ta hiện nay

Chủ Nhật, 26/05/2013, 15:17
Trong thời gian vừa qua, lợi dụng quá trình đóng góp ý kiến vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, một số cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí trong và ngoài nước đã đưa ra những ý kiến, quan điểm sai trái, thậm chí đi ngược lại với lợi ích của quốc gia, dân tộc, như: đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi bỏ Điều 4 của Hiến pháp năm 1992, đòi Việt Nam thực hiện chế độ đa nguyên, đa đảng; đòi tam quyền phân lập; đòi tư hữu hóa đất đai, các nguồn tài nguyên thiên nhiên; họ đòi “phi chính trị hóa” các lực lượng vũ trang nhân dân…

Trong đó, luận điệu "phi chính trị hóa" Quân đội nhân dân và Công an nhân dân được họ xác định là một nội dung trọng tâm để chống phá Đảng và Nhà nước.

Bản chất của luận điểm “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang” là quân đội và công an phải trung lập, đứng ngoài chính trị; quân đội, công an không thuộc một đảng phái chính trị nào. Quân đội, công an chỉ trung thành với quốc gia, dân tộc, với nhân dân, có nhiệm vụ chống ngoại xâm bảo vệ đất nước, bảo vệ chính quyền nhà nước, bảo vệ hiến pháp, chứ không trung thành với một đảng chính trị nào.

Lịch sử thế giới đương đại cho chúng ta những bài học rất sâu sắc về vấn đề này. Vào những thập niên cuối thế kỷ XX, sau khi những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước Liên Xô tuyên bố xóa bỏ Điều 6 Hiến pháp quy định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, chấp nhận đa nguyên, đa đảng và sau đó là chấp nhận xóa bỏ cơ chế lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô đối với quân đội, an ninh, nội vụ làm cho Quân đội Xôviết, cơ quan An ninh, nội vụ Xôviết bị “phi chính trị hóa” và bị vô hiệu hóa. Đó là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự sụp đổ và tan rã của chế độ xã hội chủ nghĩa Liên Xô vào cuối năm 1991.

Để hiểu rõ vấn đề này, cần xem xét về nhà nước và quân đội, công an trong bộ máy nhà nước. Nhà nước, xét về bản chất trước hết là bộ máy trấn áp đặc biệt của giai cấp này đối với giai cấp khác, là một bộ máy duy trì sự thống trị giai cấp. Quân đội, công an là lực lượng đặc biệt của một giai cấp, là công cụ bạo lực vũ trang chủ yếu của nhà nước nhằm thực hiện mục đích chính trị và cuối cùng là mục đích kinh tế của giai cấp. Quân đội, công an xuất hiện và tồn tại gắn liền với chính trị, bị chi phối bởi chính trị, là công cụ thực hiện mục tiêu chính trị ấy.

Mọi hoạt động của quân đội, công an đều bị quy định bởi chính trị và phụ thuộc vào chính trị. Chính trị quy định bản chất, chức năng, nhiệm vụ, các mối quan hệ cơ bản của quân đội, công an như quan hệ với giai cấp, với chế độ xã hội, với nhân dân, dân tộc. Quân đội, công an bao giờ cũng gắn chặt với giai cấp, nhà nước đã sinh ra nó, mang bản chất giai cấp sâu sắc. Những người hô hào quân đội, công an chỉ là của nhà nước, nên cần “phi chính trị, đứng ngoài chính trị” đã cố tình bỏ qua bản chất giai cấp của nhà nước, quân đội, công an…

Trong tác phẩm nổi tiếng “Nguồn gốc của gia đình, chế độ tư hữu và của Nhà nước”, Ph.Ănghen đã viết: "thành lập một đội cảnh binh là cần thiết... Nó không phải chỉ gồm những người được vũ trang mà còn gồm những công cụ vật chất phụ thêm nữa, như nhà tù và đủ các loại cơ quan cưỡng bức mà xã hội thị tộc không hề biết đến" (C.Mác, Ph.Ănghen: Tuyển tập, tập VI, NXB Sự thật, Hà Nội 1984, tr.184). Ph.Ănghen còn khẳng định tiếp: "Không có cảnh sát, nhà nước không thể tồn tại được" (Sách đã dẫn, trang 184).

Theo V.I.Lenin, sự nghiệp cách mạng “Cần có một quân đội cách mạng vì những vấn đề lịch sử vĩ đại chỉ có thể được giải quyết bằng vũ lực mà trong cuộc đấu tranh hiện đại thì tổ chức vũ lực có nghĩa là tổ chức quân sự”. Sau Cách mạng Tháng Mười, trước sự đòi hỏi cấp thiết của tình hình, V.I.Lenin đã ký sắc lệnh thành lập Hồng quân công nông và thành lập cơ quan công an kiểu mới mang tên Cơ quan đặc biệt toàn Nga (Vtreca): “Để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn cho quần chúng lao động và trừ bỏ mọi khả năng phục hồi chính quyền của bọn bóc lột”. Người coi quân đội, công an cách mạng là “trụ cột của chính phủ cách mạng”, là công cụ để quần chúng nhân dân sử dụng giải quyết những cuộc xung đột vĩ đại trong lịch sử.

Trong thực tiễn, V.I.Lenin luôn quan tâm xây dựng Hồng quân, cơ quan công an vững mạnh, đặc biệt là về chính trị. Người vạch rõ bản chất phản động của luận điệu “quân đội đứng ngoài chính trị”, coi đó là “cái giáo lý tầm thường”, “giả nhân, giả nghĩa và dối trá”. V.I.Lenin khẳng định một cách dứt khoát không có quân đội, công an trung lập về chính trị: “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị - đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân giả nghĩa của giai cấp tư sản và của chế độ Nga hoàng, bọn này trong thực tế bao giờ cũng đã lôi kéo quân đội vào chính trị phản động”.

Quan điểm “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang” thường xuất hiện ở những nền chính trị có cấu trúc đa đảng đối lập, nhất là khi sự tranh giành quyền lực giữa các đảng phái chính trị diễn ra gay gắt, dẫn đến khủng hoảng chính trị. Về thực chất, những người đưa ra quan điểm đó muốn quân đội, công an đứng ngoài cuộc đấu tranh của các đảng phái chính trị nhằm giành quyền kiểm soát các cơ quan quyền lực nhà nước, nhưng trong thực tế không có quân đội, công an đứng ngoài chính trị. Kinh nghiệm ở Hoa Kỳ, các nước tư bản chủ nghĩa cho thấy tất cả các đảng phái cầm quyền đều cố gắng giành lấy sự ủng hộ của quân đội và công an.

Đối với Quân đội nhân dân Viêt Nam, Công an nhân dân Việt Nam, các thế lực thù địch đã và đang sử dụng mọi biện pháp, cả về lý luận, tư tưởng lẫn hành động để thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang” với mục tiêu cao nhất là xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân. Mục tiêu của họ là nhằm phủ nhận nguyên tắc “Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt” Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, hướng tới làm tê liệt, vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội, Công an.

Trong hành động thực tiễn, chúng hạ thấp, đi đến đòi xóa bỏ hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị cùng hệ thống cán bộ chính trị và cơ quan chính trị trong Quân đội, Công an; xuyên tạc các sự kiện lịch sử có Quân đội, Công an tham gia, thổi phồng khuyết điểm của một vài cá nhân, đơn vị Quân đội, Công an cụ thể, hòng qua đó làm cho Quân đội, Công an mất uy tín trong nhân dân, hạ thấp vị thế của Quân đội, Công an trong xã hội. Đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong Quân đội, Công an, chúng kích động tư tưởng công thần, địa vị, cá nhân chủ nghĩa, đòi hỏi đãi ngộ vào bộ phận cán bộ có nhiều cống hiến trong các cuộc kháng chiến…, hòng làm ly gián nội bộ, phá hoại mối quan hệ đoàn kết, đoàn kết quân dân. Lợi dụng cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực để gây mâu thuẫn giữa lãnh đạo, chỉ huy với chiến sỹ trong nội bộ Quân đội nhân dân, Công an nhân dân.

Ở nước ta, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân là do Đảng Cộng sản thành lập. Các tiền thân của Công an và Quân đội ngay từ ngày thành lập đã thực hiện các nhiệm vụ như: trừ gian, hộ lương diệt ác, bảo vệ xóm làng... Đây là những nhiệm vụ bảo vệ xã hội và nhân dân thời bấy giờ trong cuộc cách mạng mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang lãnh đạo. Ngay từ khi mới ra đời, Công an và Quân đội đã là lực lượng chính bảo vệ nhân dân, bảo vệ xã hội, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia. Và cho đến nay, hai lực lượng này vẫn luôn tiên phong trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để phòng, chống khuynh hướng “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang”, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống “tự diễn biến” trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân Việt Nam, theo chúng tôi cần tập trung vào các giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân Việt Nam vừa là nguyên tắc cơ bản vừa là quy luật cơ bản trong việc xây dựng Quân đội, Công an kiểu mới của dân, do dân, vì dân.

Thứ hai, tăng cường đấu tranh phòng chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng làm Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân Việt Nam “tự diễn biến” theo khuynh hướng “phi chính trị hóa”. Đẩy mạnh xây dựng Quân đội, Công an vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nền tảng để xây dựng vững mạnh toàn diện, để Quân đội, Công an không đi chệch mục tiêu chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.

Thứ ba, tăng cường xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, củng cố và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, chăm lo xây dựng Quân đội, Công an, củng cố và tăng cường sức mạnh đoàn kết quân dân, góp phần giữ gìn và phát huy hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, người Công an cách mạng trong xã hội, trong nhân dân.

Thứ tư, thường xuyên đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, tạo những chuyển biến tích cực trong đời sống văn hóa - tinh thần, khắc phục các biểu hiện tiêu cực trong đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, chiến sỹ, góp phần phát huy những phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, người Công an cách mạng trong tình hình mới.

Quân đội, Công an là một hiện tượng chính trị - xã hội, từ khi xuất hiện cùng với quá trình tồn tại của nó đều gắn bó với chính trị. Không và không thể có Quân đội, Công an “phi giai cấp” hoặc “siêu giai cấp”, Quân đội, Công an “phi chính trị” hoặc “đứng ngoài chính trị”. Đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch gắn chặt với việc giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân. Đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, mọi cấp, mọi ngành trong giai đoạn hiện nay

N.X.Y.
.
.
.