Ly kỳ "săn" tội phạm ở miền ngược

Chủ Nhật, 12/03/2017, 09:46
Khi nhắc tới đơn vị Cảnh sát truy nã tội phạm, nghe câu chuyện của các anh tôi lại nghĩ đến trò chơi dân gian "trốn tìm". Và trong vai trò người đi tìm, cuộc chiến của các anh lặng thầm, kéo dài và nguy hiểm hơn cả. Vì ở đó có những đồng chí đồng đội đã đổi xương máu để đưa một "người trốn" ra ánh sáng.


Bắt truy nã -Khốc liệt giữa thời bình

Tây Bắc đang bắt đầu bước vào thời kỳ khắc nghiệt nhất của mùa khô. Những cơn gió Lào thông thốc thổi, đem theo cái hơi nóng sực trên 33 độ vào tận phòng làm việc. Chúng tôi ngồi trò chuyện với Trung tá Vũ Ngọc Hiền - Đội trưởng Đội 1, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52), Công an tỉnh Điện Biên. Dáng người nhỏ nhắn, đôi mắt rất hiền ít ai biết anh là một trong những trinh sát có nhiều thành tích trong bắt truy nã ở miền ngược.

Trung tá Hiền chỉ cho chúng tôi xem vết sẹo vẫn còn đỏ hằn lên trên cánh tay của anh như một minh chứng cho sự nguy hiểm của công việc "tầm nã" nơi xứ "Mường Trời" này. Lần đó, anh tham gia trong chuyên án bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Hạng Chù Dùa tại Pu Nhi, Điện Biên Đông. Qúa trình thu thập, xác minh thông tin được biết đối tượng này đã tham gia đường dây mua bán trái phép hàng chục bánh heroin, bản thân Dùa có 2 quyết định truy nã về tội mua bán trái phép chất ma túy.

Công an tỉnh Điện Biên và Công an tỉnh Phong Xa Ly (Lào) họp bàn phối hợp công tác bắt truy nã.

Là đối tượng hết sức manh động liều lĩnh, trong thời gian lẩn trốn Hạng Chù Dùa đã sử dụng súng AK bắn một người dân và đe dọa sẽ "ăn thua" với cán bộ Công an huyện Điện Biên Đông.

Trước tình hình đó, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã giao cho Phòng PC52 chủ trì xây dựng kế hoạch đấu tranh chuyên án, huy động lực lượng nghiệp vụ và Công an huyện Điện Biên Đông truy bắt bằng được đối tượng này.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, sau thời gian dài kiên trì bám sát địa bàn, không quản khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, tổ công tác Phòng PC52 đã bí mật triển khai lực lượng bắt giữ tên này ngay tại "sào huyệt" của hắn ở bản Pú Nhi. Sau khi theo dõi đối tượng, đúng giờ G, các trinh sát ập vào bắt giữ Hạng Chù Dùa, thu giữ 1 khẩu súng AK, 12 viên đạn trong đó 1 viên đã lên nòng.

Trong lúc vật lộn tước bỏ khẩu súng trên tay đối tượng, Thiếu tá Nguyễn Thương Hiền đã bị thương, máu chảy đầm đìa do đối tượng chống trả quyết liệt...

Đại tá Lương Thanh Lưu, Trưởng phòng PC52 Công an tỉnh Điện Biên chia sẻ: "Ở phòng PC52 này, tất cả các trinh sát đều ít nhiều có một "kỷ niệm" là những vết sẹo trên cơ thể. 80% đối tượng truy nã ở Điện Biên có liên quan đến ma túy. Đây là loại tội phạm nguy hiểm và cực kỳ manh động, bởi chúng đều biết những gì đang chờ chúng nếu bị bắt. Hơn một lần gây án thoát tội nên khi bỏ trốn chúng đều mang theo mình vũ khí nóng để chống trả lực lượng truy bắt".

Do hoàn cảnh lịch sử và vị trí "đắc địa" nên từ lâu Tây Bắc luôn được coi là địa bàn nóng bỏng nhất về hoạt động của tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy. Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới đặc biệt khó khăn giáp 6 tỉnh Bắc Lào và Vân Nam (Trung Quốc), cơ sở hạ tầng yếu kém, trình độ dân trí hạn chế (chủ yếu là người dân tộc thiểu số). Với đường biên giới kéo dài cùng với đó là hệ thống đường tiểu ngạch chằng chịt khiến những cuộc vây bắt tội phạm của lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm gặp rất nhiều khó khăn.

Phòng PC52 Công an tỉnh Điện Biên có nhiều "tay công" đặc biệt, lập nhiều chiến công thành tích nhưng chính trong cuộc đụng độ với tội phạm nguy hiểm, nhiều người đã phải đổ máu, thậm chí có người đã hy sinh.

Thượng tá Mùa A Dơ - Phó trưởng Phòng PC52 Công an tỉnh Điện Biên chia sẻ về sự hy sinh của một đồng đội anh, Trung úy Hà Ngọc Thao, cán bộ Công an huyện Điện Biên. Trung úy Thao đã anh dũng hy sinh khi truy bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Lò Văn Xanh can tội trộm cắp tài sản, buôn bán ma túy ở xã Nà Tấu, huyện Điện Biên. "Chuyện đã xảy ra nhiều năm rồi, nhưng mỗi khi nhớ lại thời điểm đồng đội của mình bị tội phạm bắn vẫn nhói buốt và đau xót" - Thượng tá Dơ nói giọng buồn.

"Ở Điện Biên khó khăn là vậy nhưng nguy hiểm nhất, gian nan nhất vẫn là cuộc truy tìm những đối tượng truy nã bị nhiễm virus HIV. Cuộc đụng độ với tội phạm này nguy hiểm gấp nhiều lần; không chỉ chúng có vũ khí, manh động mà chúng còn dám "ăn thua" với lực lượng Công an bởi tâm lý đằng nào cũng chết" - Đại tá Lương Thanh Lưu, Trưởng phòng PC52 chia sẻ.

Các trinh sát Phòng PC52 Công an tỉnh Điện Biên lấy lời khai đối tượng bị truy nã về tội ma túy.

Được biết, thời gian qua nhiều trinh sát Phòng PC52, Phòng PC47 (Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy) Công an tỉnh Điện Biên đã phải điều trị phơi nhiễm HIV vì bị thương trong khi truy bắt đối tượng nhiễm H. Trong cuộc chiến đấu một mất một còn đó, đã có người ngã xuống. Đó là trường hợp Trung tá Phan Trung Phong. Anh đã hàng trăm lần đối mặt với tội phạm nguy hiểm, không ít lần bị thương, bị đối tượng cắn xé, bị chầy xước, chảy máu. Nhưng vì chủ quan, vì nhiệm vụ lại cuốn anh vào cuộc chiến đấu mới nên anh nhiễm H lúc nào chẳng hay. Chỉ đến khi anh bị ngã bệnh thì đã muộn...

Lòng nhân ái mở lối về

Bắt truy nã ở Điện Biên có nhiều chuyện ly kì như tiểu thuyết. Có lẽ chưa ở đâu như ở đây, để bắt được đối tượng, cán bộ trinh sát phải lặn lội cả tháng trời trong đại ngàn, ăn rừng ngủ rú để lần theo hành tung đối tượng. Có trinh sát trong một tháng đi bộ cả trăm cây số từ Mường Nhé vào các bản giáp biên giới Việt - Lào đã truy lùng đối tượng. Nhiều người bị sốt rét, bị lũ cuốn trôi, bị rắn độc cắn.

Có lần Thượng tá Bùi Văn Hà, Phó trưởng Phòng PC52 cùng 3 đồng đội còn bị lạc rừng 3 ngày, sang cả đất Lào. May mà anh em cũng đều ít nhiều nói được tiếng dân tộc, gặp bà con xin cơm và tìm đến Công an Phong Sa Lỳ đề nghị giúp đỡ...

Kỷ lục bắt đối tượng truy nã có thời gian lẩn trốn lâu nhất ở Điện Biên là Nguyễn Xuân Phụng. Phụng có đến 6 tiền án, đang thi hành án về trộm cắp thì anh ta bỏ trốn. 22 năm sống chui lủi ở khắp các địa phương nhưng rốt cuộc hắn vẫn bị các trinh sát Phòng PC52 Điện Biên phát hiện, bắt giữ tại Thái Nguyên...

Hành trình bắt truy nã có nhiều gian nan, hy sinh nhưng trong cuộc đụng đầu khốc liệt với tội phạm ma túy, các chiến sĩ Phòng PC52 lại luôn tâm niệm và sử dụng nhân tâm khuất phục những đối tượng ma túy nguy hiểm. Chỉ riêng trong năm 2015, Phòng PC52 Công an tỉnh Điện Biên đã vận động đầu thú 30 đối tượng, trong đó có nhiều đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm; nhiều đối tượng đã bỏ trốn hàng chục năm trời.

Kể về một kỉ niệm lần gần nhất trong quá trình truy tìm tội phạm Thiếu tá Khoàng Văn Thủy- Đội phó Đội 2, Phòng PC52 kể về lần vận động đối tượng Đỗ Thị Phương (SN 1976) hộ khẩu thường trú tại Mường Chà, Điện Biên, can tội buôn bán chất ma túy, bỏ trốn từ cách đây gần 10 năm. Sau rất nhiều lần sử dụng các biện pháp nghiệp vụ lần tìm đối tượng không thành công, qua tìm hiểu gia cảnh nhà Phương biết đối tượng này còn có bố mẹ già, con còn nhỏ... các anh đã nhiều lần đến gia đình, nói chuyện, đả thông tư tưởng, vận động gia đình khuyên Phương đầu thú hưởng sự khoan hồng.

Phải mất nhiều năm, gia đình mới hiểu và gọi Phương đang lẩn trốn trong một bản hẻo lánh ở huyện Qùy Châu, tỉnh Nghệ An về đầu thú, kết thúc chuỗi ngày gần 10 năm trời lẩn trốn.

Trinh sát phòng PC52 phục bắt đối tượng truy nã ở khu vực biên giới Việt - Lào.

Không ít trường hợp các trinh sát Phòng PC52 Công an tỉnh Điện Biên đã vận động được cả các đối tượng cực kỳ nguy hiểm, trốn chạy hàng chục năm. Nổi bật nhất là vụ Ly A Long, SN 1989, HKTT ở bản Ca Hâu, xã Na Ư, huyện Điện Biên can tội mua bán, vận chuyển trái phép 25 bánh heroin rồi Long bỏ trốn sang Lào.

Sau khi tìm hiểu tâm tư, gia cảnh của đối tượng, Trung tá Quàng Văn Thanh và đồng đội đã gặp gỡ, vận động để gia đình Long đưa anh ta ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật... Cuối năm 2015, đối tượng Quàng Văn Sơn, SN 1992, can tội trộm cắp tài sản, quê ở bản Cang 2, xã Nà Tấu đang bỏ trốn tận trong TP Hồ Chí Minh được các chiến sĩ Phòng PC52 động viên, vận động gia đình đã đồng ý quay ra Bắc đầu thú. Được biết, năm 2013, Sơn gây án sau đó trốn biệt vô âm tín.

Sau khi nghiên cứu nhân thân của Sơn, Thượng tá Bùi Văn Hà, Trung tá Quàng Văn Thanh đã nhiều lần đến gặp bố mẹ, anh chị em Sơn, động viên họ đưa con em ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Khi được gia đình cung cấp số máy điện thoại, anh đã trực tiếp gọi điện để động viên. Biết anh ta đang làm công nhưng không có tiền, các anh đã bỏ tiền túi gửi hơn 1 triệu đồng vào để Sơn mua vé ô-tô ra Điện Biên...

Theo báo cáo của PC52 (Công an tỉnh Điện Biên), tính đến hết năm 2015, trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn 147 đối tượng do Công an tỉnh ra lệnh truy nã, trong đó có đến 86% đối tượng truy nã thuộc diện đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm; tăng 3 đối tượng so với năm 2014, trong đó 43 đối tượng (29%) có thời gian trốn trên 10 năm và 31 đối tượng (21%) có thời gian trốn từ 5 đến 10 năm khiến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và công tác TNTP nói riêng gặp nhiều khó khăn nguy hiểm.
H. Thương - T. Hằng
.
.