“Học viện CSND thông minh” bước đột phá để vươn tới đại học trọng điểm quốc gia

Thứ Bảy, 09/09/2017, 07:49
Hiện nay, các trường đại học trên thế giới và Việt Nam đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chuyển đổi phương thức đào tạo nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là bước đi quan trọng để các trường đại học truyền thống tồn tại và phát triển.

Trong bài nói chuyện tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh ngày 13 tháng 4 năm 2017, GS.TS Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhấn mạnh: Cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, đây là xu hướng phát triển của thế giới.

Đối với ngành giáo dục đào tạo có 4 yếu tố để hội nhập, tiếp thu nhanh xu hướng cách mạng 4.0 gồm: Bộ Giáo dục & Đào tạo, trường đại học, thị trường, sinh viên. Cả 4 yếu tố này phải có trách nhiệm trọn vẹn với nhau. Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng đang khuyến khích các trường, ngành đi theo hướng công nghệ, đặc biệt là những trường, ngành đầu tư khoa học, kinh tế, kế toán, điện tử viễn thông, chế tạo máy.

Mô hình đào tạo cho đại học 4.0 hiện tại chưa có xác định, mặc dù nhiều nghiên cứu và thảo luận đang diễn ra trên thế giới và tại Việt Nam. Nhưng tổng quát lại có thể gồm 3 yếu tố: Kết nối Internet (Internet Vạn vật), thông minh (với công cụ tính toán thông minh phần cứng và phần mềm hỗ trợ đào tạo và học hỏi, quản lý trường và săn sóc sinh viên) và có yếu tố con người tham gia trong chu trình. Một số nhà giáo dục học thế giới gọi đó là mô hình ICH (Internetworking, Computing tools, Humans).

Hiện đại hóa hệ thống thư viện phục vụ tích cực công tác nghiên cứu khoa học.

Đối với các Học viện, nhà trường Công an nhân dân, trong đó có Học viện Cảnh sát nhân dân phát triển trở thành nhà trường 4.0 là một xu hướng tất yếu. Nếu không chúng ta sẽ bị tụt hậu so với thế giới và các nhà trường trong nước.

Theo lộ trình phát triển của nhà trường, Học viện Cảnh sát nhân dân đang phấn đấu đến tháng 6 năm 2018 sẽ đạt chuẩn quốc gia và tháng 6 năm 2019 trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia. Nhà trường đã triển khai Chương trình công tác năm học và xác định chủ đề năm học 2017-2018 là “Xây dựng Học viện Cảnh sát nhân dân thông minh” với 4 trụ cột chính, đó là:

Xây dựng Học viện Cảnh sát nhân dân điện tử theo mô hình Chính phủ điện tử. Từ năm 2015, nhà trường đã hình thành hệ thống điều hành Học viện Cảnh sát nhân dân điện tử. Toàn bộ các giao dịch, điều hành của nhà trường được thực hiện qua hệ thống mạng, kết nối từ Ban Giám đốc Học viện đến các Viện nghiên cứu, Khoa, Bộ môn, Phòng, Trung tâm, Ban quản lý. Học viện cũng đang xây dựng hệ thống các camera giám sát và ra mắt Trung tâm điều hành điện tử đặt tại Văn phòng Học viện.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý giáo dục và giảng dạy, học tập. Nhà trường đã đưa vào sử dụng các hệ thống phần mềm quản lý cán bộ, đảng viên, quản lý sinh viên, quản lý quá trình thi và điểm của sinh viên, quản lý đào tạo sau đại học, quản lý khoa học, quản lý văn thư, quản lý hậu cần – tài chính,v.v...

Một số khoa như Khoa Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Kỹ thuật hình sự, Toán – tin học, Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát môi trường, v.v... đã ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học và công nghệ như kỹ thuật số, kỹ thuật mô phỏng, kỹ thuật điện tử, kỹ thuật điện tử viễn thông, kỹ thuật hóa sinh,v.v... để phục vụ nghiên cứu khoa học và đào tạo cảnh sát.

Xây dựng các giảng đường thông minh: Học viện Cảnh sát nhân dân là một trong số rất ít trường đại học ở Việt Nam đã trang bị bảng tương tác thông minh cho 100% phòng học của nhà trường. Một số phòng học dành cho đào tạo lớp đại học chất lượng cao, đào tạo sau đại học, đào tạo học viên quốc tế, đào tạo lãnh đạo chỉ huy còn lắp đặt thêm bục giảng thông minh.

Từ năm 2013, Học viện đã tổ chức đào tạo trực tuyến E-learnling. Nhà trường đã được Bộ Công an đầu tư trang bị các phòng bắn súng mô phỏng tự động hiện đại. Bước vào năm học 2017-2018, Học viện tổ chức xây dựng Khu huấn luyện thực hành, trong đó xây dựng các phòng bắn súng mô phỏng, phòng lái ôtô, lái tàu thủy mô phỏng, các phòng điều tra, khám nghiệm hiện trường mô phỏng và nhiều các phòng học có sử dụng các công nghệ mô phỏng, công nghệ ảo, công nghệ thông tin viễn thông, công nghệ số, công nghệ hóa sinh,v.v... để phục vụ đào tạo Cảnh sát.

Xây dựng và triển khai Thư viện điện tử: Học viện Cảnh sát nhân dân đã được Bộ Công an đầu tư xây dựng một Thư viện hiện đại 12 tầng. Nhà trường đã được Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc KOICA đầu tư xây dựng 1 Thư viện điện tử. Hiện nay, mạng tin học của Học viện được kết nối từ Thư viện đến 100% phòng học, 100% phòng làm việc của cán bộ và 100% phòng ở của sinh viên. Hệ thống wifi miễn phí được phủ sóng toàn Học viện.

Nhà trường đã và đang tiến hành số hóa các tài liệu học tập, nhất là các tài liệu pháp luật, chính trị, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật. Thư viện Học viện được trang bị máy robot scan hiện đại để phục vụ số hóa tài liệu và lắp đặt hệ thống mượn trả tài liệu tự động.

Trong năm học 2017-2018 và những năm tiếp theo, Học viện Cảnh sát nhân dân sẽ tiếp tục triển khai theo hướng: tin học hóa, hiện đại hóa, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 vào hoạt động giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học của mình.

Có thể khẳng định, “Xây dựng Học viện Cảnh sát nhân dân thông minh” là một lộ trình thay đổi tổng thể theo hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học của Học viện.

Trong điều kiện kẻ địch, thế giới tội phạm cũng đang triệt để lợi dụng các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 để hoạt động, người thầy giáo Công an nhân dân phải luôn có ý tưởng mới, đi trước thời đại thì mới có thể đào tạo ra những sỹ quan Công an, Cảnh sát tương lai vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông khoa học công nghệ, ngoại ngữ, pháp luật quốc tế.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân
.
.