Dùng nhân tâm để thu phục, cảm hóa phạm nhân

Thứ Năm, 14/07/2016, 09:00
Dẫn tôi vào buồng giam phạm nhân nam tại Phân trại số 1, cũng là lúc lớp học thiền cho phạm nhân được bắt đầu, hàng chục phạm nhân dường như đang “bất động”, không gian lặng lẽ và những con người ở đây đang rất yên bình trong thế giới của họ. 

Đại tá Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám thị Trại giam Đồng Sơn, thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an (đóng tại tỉnh Quảng Bình), cho biết: “Trại đã chủ động phối hợp với đơn vị bên ngoài mở lớp dạy thiền cho một số phạm nhân. Với hoạt động này sẽ giúp cho phạm nhân tịnh tâm, sám hối và vừa có tác dụng nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần để phạm nhân phấn đấu cải tạo tốt”. 

Cách làm đó khẳng định thêm công tác giáo dục, cảo tạo phạm nhân có những nét mới.

“Chúng tôi tránh áp đặt những nguyên tắc bắt buộc, đôi khi việc ép buộc đối với họ sẽ tạo ra không khí căng thẳng, dễ dẫn đến việc phạm nhân sẽ đối phó, chống đối... Vì vậy, làm thế nào để họ tự giác cải tạo, tự giác rèn luyện để sớm được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước được chúng tôi đặc biệt quan tâm. Và lớp thiền là một trong những giải pháp chúng tôi tiến hành thử nghiệm và đã đạt kết quả hết sức tốt đẹp”, Đại tá Lâm tâm sự.

Xác định, nhiệm vụ cảm hóa phạm nhân trở thành con người lương thiện không chỉ là việc làm ngày một ngày hai; hơn nữa cứ không phải bằng một biện pháp chung có thể mang lại hiệu quả đối với tất cả phạm nhân. 

Đại tá Nguyễn Văn Lâm thăm hỏi, động viên phạm nhân cải tạo tiến bộ.

Những công việc thầm lặng, không tên, bằng tình thương, lương tâm và trách nhiệm của những cán bộ quản giáo Phân trại số 1, Trại giam Đồng Sơn đã đánh thức mầm thiện trong những con người tưởng chừng như không thể cải tạo nổi. 

Trường hợp của phạm nhân Mai Viết Nam là một ví dụ. Mang 2 tiền án về tội tàng trữ trái phép chất ma túy và không có cuộc sống trọn vẹn như mọi người, khi “nhập trại”, Nam luôn mặc cảm và có thái độ chống đối, không xác định tư tưởng cải tạo. 

Mặc dù đã dùng nhiều biện pháp để cảm hóa, nhưng Nam vẫn không khuất phục. Thế nhưng, bằng sự đồng cảm, kiên trì và đầy trách nhiệm của cán bộ quản giáo là Thượng úy Trần Văn Nam đã khiến cho phạm nhân thay đổi. 

Từ việc được công nhận tiến bộ, luôn an tâm tư tưởng, tích cực gương mẫu trong học tập, lao động cải tạo, phạm nhân Nam 2 lần được giám thị khen thưởng trước toàn trại, được tín nhiệm bầu vào ban tự quản phạm nhân và có nhiều đóng góp phong trào trong toàn trại. Đây chỉ là một trong số hàng trăm trường hợp mà cán bộ quản giáo Phân trại số 1 đã làm được.

Có chứng kiến tận mắt công việc hàng ngày của những người quản giáo, chúng tôi mới hiểu được nỗi gian truân, vất vả và sự hy sinh thầm lặng của những người làm công tác trại giam. 

Hình ảnh chúng tôi không thể nào quên được khi trực tiếp thấy những cán bộ y tế bón từng thìa cháo, ngụm nước và chăm sóc họ như những người thân, mặc dù họ là những con người đang ngấp nghé bên kia cuộc đời, bởi những căn bệnh xã hội như HIV/AIDS, viêm gan B, lao... 

Và cũng không khỏi xúc động khi thấy hình ảnh người cán bộ quản giáo trẻ miệt mài cầm tay một phạm nhân bằng cái tuổi phụ huynh của mình để hướng dẫn cho đường may đều hơn, đẹp  hơn, dường như tất cả đều không có khoảng cách… 

Đại tá Nguyễn Văn Lâm chia sẻ rằng, lãnh đạo đơn vị còn thường xuyên quan tâm, động viên những trường hợp phạm nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ốm đau... đảm bảo đúng chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với phạm nhân; tạo môi trường thuận lợi để phạm nhân cải tạo tốt. 

Dùng nhân tâm để thu phục lòng người đó là cách làm hiệu quả nhất. Và, cái được lớn nhất đó chính là sự thay đổi trong tư tưởng của phạm nhân, giúp họ thấy được những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, có động lực lớn với quyết tâm làm lại cuộc đời.

Trần Tuấn
.
.