Chủ tịch nước Trần Đại Quang với việc xây dựng hiến pháp năm 2013
- Dòng người đội mưa vào viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang
- Bạn bè quốc tế xúc động tiễn biệt Chủ tịch nước Trần Đại Quang
- Lực lượng CAND thành kính tưởng nhớ Đại tướng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang
- Người dân Kim Sơn tiếc thương Chủ tịch nước Trần Đại Quang
- Có một nhà báo Trần Đại Quang
Trong niềm tiếc thương vô hạn ấy, từ ký ức của mình, bằng tấm lòng thành kính Chủ tịch nước Trần Đại Quang, tôi xin kể ra đây một câu chuyện mà tôi được cảm nhận đầy đủ, chân thực khi đồng chí còn là Bộ trưởng Bộ Công an.
Năm 2011, khi đang là Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (nay là Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp) Bộ Công an, tôi được cấp trên phân công cùng một số đồng chí khác trực tiếp giúp việc Bộ trưởng Trần Đại Quang tham gia chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) trên cương vị Thành viên Ban chỉ đạo tổng kết của Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo tổng kết trong Công an nhân dân; sau đó là Ủy viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội.
Đồng chí Trần Đại Quang với các đại biểu dự Hội nghị góp ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, do Bộ Công an tổ chức ngày 14-3-2013. |
Bộ trưởng Trần Đại Quang đã cùng tập thể Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng CAND quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổng kết toàn diện việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) trong CAND; chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng kết việc thi hành những quy định của Hiến pháp về an ninh, trật tự; tổ chức các cuộc hội thảo, nghiên cứu xây dựng luận cứ khoa học.
Qua đó, đã tham mưu nhiều vấn đề chiến lược được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp ghi nhận, đưa vào Hiến pháp năm 2013. Lực lượng Công an đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong quá trình xây dựng, sửa đổi Hiến pháp, tạo điều kiện động viên, huy động mọi tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học, chuyên gia pháp lý… tham gia đóng góp ý kiến trao đổi, phản biện một cách khoa học, tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm cao, đồng thời đã phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, góp phần quan trọng vào việc xây dựng thành công Hiến pháp năm 2013.
Điều mà tôi ấn tượng sâu sắc hơn cả đó chính là quan điểm và việc bảo vệ quan điểm của đồng chí về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
Đoàn cán bộ, chiến sĩ Học viện Chính trị CAND viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang. |
Trước hết, về tên nước, đã có không ít ý kiến, trong đó có cả ý kiến của một số thành viên Ủy ban sửa đổi Hiến pháp đề nghị thay đổi quốc hiệu thành “Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích thấu đáo, đồng chí đã bảo vệ quan điểm cần giữ nguyên quốc hiệu “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Khi quy định về chế độ chính trị trong dự thảo Hiến pháp, cũng có không ít ý kiến cho rằng, cần quy định “quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân”. Sau khi nghiên cứu, phân tích, đồng chí cùng các đồng chí trong Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an đề nghị kế thừa quy định về quyền lực nhà nước và thực hiện quyền lực nhà nước như trong Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), đó là: “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức”, được Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp tán thành và được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013.
Trong dự thảo Hiến pháp đưa ra lấy ý kiến nhân dân theo Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23-11-2012 của Quốc hội có hai nội dung rất đáng chú ý, mang tính thời sự, thu hút quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế ở nhiều góc độ khác nhau, đó là việc bỏ quy định về vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước trong nền kinh tế quốc dân và quy định về Hội đồng Hiến pháp. Khi thảo luận hai vấn đề này, có lúc Bộ trưởng Trần Đại Quang trở thành “thiểu số”.
Trong cuộc họp hôm đó, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp tổ chức lấy ý kiến riêng của các thành viên về hai vấn đề này, đa số ý kiến đều đề nghị bỏ quy định về vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước trong nền kinh tế quốc dân và quy định về Hội đồng Hiến pháp với những lập luận cụ thể.
Thay mặt lực lượng CAND, đồng chí đã thể hiện rõ quan điểm cần thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo sự bình đẳng trong hoạt động giữa các thành phần kinh tế, nhưng cần tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước trong nền kinh tế quốc dân, vì đây là một trong những điều kiện quan trọng bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn phát triển mới của nước ta.
Về Hội đồng Hiến pháp, đồng chí đánh giá cao tư tưởng và quan điểm cần tăng cường bảo vệ Hiến pháp, ngăn ngừa những văn bản quy phạm pháp luật, hành vi, việc làm vi phạm Hiến pháp. Tuy nhiên, cơ chế bảo vệ Hiến pháp ở nước ta về cơ bản đã được xác lập, nếu có thì chỉ cần điều chỉnh, bổ sung mà không phải xác lập cơ chế mới.
Vì thế, quy định về Hội đồng Hiến pháp như trong dự thảo là không cần thiết và cũng không phù hợp với đặc điểm chế độ chính trị, tổ chức bộ máy Nhà nước của Việt Nam. Việc cần làm hơn cả là tổ chức thực hiện tốt các yêu cầu kiểm tra, giám sát quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật từ khi có ý tưởng đến quá trình xây dựng, ban hành và thực hiện văn bản đó; tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát, phòng ngừa các cơ quan Nhà nước và cá nhân có thẩm quyền trong các cơ quan này có những hành vi, việc làm vi phạm Hiến pháp… Do có việc đột xuất cần chỉ đạo, đồng chí xin phép Chủ tọa cuộc họp về trước và nhắc tôi ngồi nghe, ghi chép, về báo cáo.
Nhận rõ những băn khoăn trong ánh mắt của tôi, đồng chí động viên: “Có thể hôm nay, mình là thiểu số nhưng nhất định Hiến pháp năm 2013 không thể bỏ tính chủ đạo của kinh tế Nhà nước và sẽ không có quy định về Hội đồng Hiến pháp, vì những đề xuất trên của lực lượng CAND là có cơ sở lý luận, thực tiễn”.
Thực tế cho thấy, những quan điểm trên của đồng chí đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Bên cạnh đó, cũng ít người biết, trong suốt quá trình xây dựng dự thảo Hiến pháp năm 2013, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã có gần 30 bài viết đăng các báo, tạp chí với những bút danh khác nhau để góp phần tuyên truyền, định hướng dư luận, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch.
Sau khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua và có hiệu lực thi hành, trên cương vị Bộ trưởng, sau đó là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng chí tiếp tục chỉ đạo lực lượng CAND triển khai có hiệu quả việc thi hành Hiến pháp trong toàn lực lượng cũng như tham gia triển khai thi hành trong hệ thống chính trị; đồng thời chủ động đấu tranh, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm Hiến pháp, pháp luật, xâm hại an ninh, trật tự, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Qua đó, góp phần đưa Hiến pháp năm 2013 đi vào cuộc sống, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tựvà xây dựng lực lượng CAND ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Cách đây hơn 3 tháng, được gặp Chủ tịch nước, đồng chí nhắc lại quá trình xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp và mỉm cười nhân hậu nói: “Cái gì mình thấy đúng, có lợi cho Đảng, cho đất nước, cho nhân dân thì mình làm”. Vâng, kính thưa anh linh Chủ tịch nước Trần Đại Quang, người Thủ trưởng, người Anh vô cùng yêu quý của chúng tôi, kiên định, bản lĩnh, nhân văn, trí tuệ vượt trội, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân cho đến hơi thở cuối cùng là những gì thuộc về đồng chí. Chúng tôi nguyện khắc ghi và nỗ lực thực hiện tâm nguyện của đồng chí.