Chuyện phía sau cuộc chiến chống COVID-19 của đơn vị có 2 trường hợp F0

Thứ Bảy, 11/04/2020, 18:27
Những bữa cơm bên nhau, mâm cơm không một tiếng nói cười, mỗi người quay lưng ngồi một góc,.... Với mỗi cán bộ Công an phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội), đơn vị như một ngôi nhà thứ hai bởi tính chất công việc khiến họ ở đơn vị nhiều hơn ở nhà... Nhất là lúc này, mỗi người đều hiểu không thể thờ ơ với tác hại của dịch bệnh COVID-19, một chút chủ quan cũng có thể gây những hậu quả khôn lường.

Chứng kiến một ngày làm việc ở đơn vị tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, chúng tôi cảm nhận được sự hy sinh thầm lặng của những cán bộ Công an cơ sở.

Ngày ở Công an phường mùa dịch COVID-19

Ngày 4/4, bà Vương Thị Lừu (SN 1947) đưa con trai đi khám tại Bệnh viện Đức Giang do bị tai nạn ra viện 30/3, sau đó 31/3 vào tái khám... Chuông Zalo của Đại úy Nguyễn Tuấn Đạt, Cảnh sát khu vực (CSKV) khu Phú Viên, phường Bồ Đề rung lên từng hồi. Ăn vội bát cơm, Đại úy Nguyễn Tuấn Đạt vội xuống địa bàn. 

Qua tổ dân phố, anh thu thập thông tin về hành trình đi lại của nhà bà Lừu. Chỉ sau khoảng nửa giờ đồng hồ, những thông tin cần thiết đã được công khai trên  Zalo, giúp giải tỏa tâm lý lo lắng của nguời dân. ...

Bồ Đề là nơi tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội. Đến ngày 11/4, tại phường Bồ Đề đã có 393 người trong danh sách cách ly. Trong đó, F0 là 2 trường hợp, F1 là 94, F2 là 226 và F3 là 71 người. Đây là số có quyết định cách ly tại địa bàn, còn có những trường hợp ở địa bàn khác mà đơn vị thông báo ra quyết định cách ly. Chỉ con số đó thôi cũng nói lên tính chất phức tạp ở một địa bàn. 

Công an phường Bồ Đề nhắc nhờ các hộ kinh doanh chấp hành nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ 

 Đại úy Tuấn Đạt cho biết: Thông tin rà soát phụ thuộc vào danh sách do Cục quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an cung cấp. Việc rà soát các trường hợp này rất phức tạp do thông tin đưa về rất sơ sài, thông thường trên danh sách cấp thị thực và giấy thông hành chỉ có địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú, không có nơi thường trú... Trong khi đó, phần lớn những trường hợp rà soát đều đã chuyển đi, không còn ở nơi đăng ký hộ khẩu. 

Để tìm được địa chỉ, Đạt và các cán bộ đơn vị phải kết hợp với công tác quản lý KT2 tại Công an phường và tàng thư của Công an quận; thậm chí còn phải phối hợp Phòng Cảnh sát quản lý hành chính Công an TP Hà Nội để tra cứu chứng minh nhân dân để tìm ra bố, mẹ. Sau đó, lại lặn lội xuống địa bàn; gặp gỡ từng người dân đã sinh sống lâu năm thu thập dữ liệu. 

Qua nhiều thế hệ Cảnh sát khu vực, nhiều người đã chuyển đi rất lâu nhưng với sự tỉ mỉ, trách nhiệm nhiều trường hợp là F2, F3 đã nhanh chóng được tìm ra, giúp ích hữu hiệu cho việc phòng, chống dịch.

 Chuyện "rà từng ngõ, gõ từng nhà"

Mỗi giai đoạn rà soát lại có những khó khăn riêng, Trung tá Vũ Xuân Tính, Trưởng Công an phường Bồ Đề chia sẻ. Trong giai đoạn sau này, khi được giao rà soát các đối tượng trong trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam từ đầu tháng 3 đến ngày 14/3, công việc của Công an phường Bồ Đề lại khó khăn hơn nhiều. 

Những ngày đó, cùng với các thành viên là tổ trưởng, bảo vệ dân phố, cán bộ đơn vị một lần nữa vẫn đi từng ngõ, gõ từng nhà. Ở mỗi địa chỉ, ngoài việc tỉ mỉ hỏi rõ về lịch trình của từng thành viên trong gia đình còn hỏi đan xen, hỏi chéo giữa các hộ dân để không bị sót, lọt các trường hợp trong diện cần rà soát.

Những bữa ăn thực hiện theo đúng quy định cách ly tại Công an phường Bồ Đề

Nói đến đây, Trung tá Vũ Xuân Tính dừng lại: Thời gian đầu, Công an phường gặp phải không ít trở ngại bởi người dân có tâm lý e ngại về dịch bệnh; một số khác thì không chấp hành. Khi yêu cầu khai báo, họ nói rằng không cư trú thường xuyên trên địa bàn...Trong những trường hợp này, họ phải hỏi chéo để thu thập thông tin.

 Cùng với việc rà soát người Việt Nam còn là nắm bắt di, biến động của các trường hợp là người nước ngoài đang lưu trú, tạm trú tại phường Bồ Đề. Trong số này có trường hợp là khách nước ngoài lưu trú trong các cơ sở lưu trú; người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam hoặc có người thân là người Việt Nam; các trường hợp là người lao động, hợp tác với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn; loại kinh doanh homestay... 

Với các cán bộ Công an phường Bồ Đề thì đây là loại hình này có những bất cập nhất định trong công tác quản lý. Khó khăn ở đây là Công an phường không có thẩm quyền kiểm tra người nước ngoài và việc khai báo lưu trú là trên trang chủ xuất, nhập cảnh. 

Khi CSKV nắm được thông tin thông báo cho an ninh và y tế phường kiểm tra giấy tờ tùy thân và đo thân nhiệt, một số chủ nhà không phối hợp với lực lượng chức năng gây khó khăn cho việc rà soát. Đại đa số họ không ở tại phường Bồ Đề mà chỉ có nhà sử dụng kinh doanh trên địa bàn.

Thời gian sau này, việc rà soát các trường hợp đến khám, chữa bệnh và thăm thân tại Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 10/3 đến 26/3 thì công việc vẫn tiếp tục nhưng đơn vị đã ứng dụng công nghệ thông tin.

 Với việc lập nhóm Zalo, ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác quản lý trước đó, Công an phường đã đưa các đồng chí tổ trưởng, tổ phó, các cán bộ đầu ngành tham gia, liên kết cùng triển khai các thông báo rà soát, tìm người. 

Từ các thông tin mà cán bộ tổ bộ dân phố phản ánh, CSKV xuống tận nơi để khai thác thông tin, nắm lại lịch trình hoạt động, lịch sử dịch tễ và báo cho trạm y tế của phường tiếp tục giải quyết theo quy định của pháp luật.         

Chuyện những người trong cuộc

 Những ngày dịch COVID-19 bùng phát, đại đa số anh em ăn ngủ tại đơn vị không về nhà để tránh trường hợp lây nhiễm trong quá trình làm nhiệm vụ. Bồ Đề xuất hiện F0 là 2 trường hợp, mỗi cán bộ, chiến sỹ đều ý thức được mình là người tiếp xúc với F0 nên trong quá trình làm nhiệm vụ luôn có ý thức tự bảo vệ mình và đồng đội...

Một chốt tuần tra của Công an phường Bồ Đề làm nhiệm vụ

Ba tháng, Đại úy Đạt chưa một lần được về thăm nhà. Nhà bà ngoại chỉ cách bà nội khoảng 5km nhưng hai vợ chồng cũng không dám về thăm bởi đây là phương án phòng trừ cuối cùng. Vợ Đạt làm ở bệnh viện, cũng là đơn vị tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Những buổi trực triền miên, hai đứa con trứng gà, trứng vịt, đứa lớn 3 tuổi, đứa nhỏ hơn 1 tuổi hằng ngày phải nhờ vào sự giúp đỡ của ông bà nội. Vợ  Đạt 5 ngày mới trực một lần nhưng cũng không dám về quê chỉ sợ nếu trường hợp xấu xảy ra thì còn có chỗ để gửi con.

 Những lo lắng của Đại úy Đạt và các cán bộ Công an phường Bồ Đề chẳng phải không có cơ sở. Đến thời điểm này, đã có 8 lượt cán bộ, chiến sỹ của đơn vị phải thay phiên nhau cách ly tại đơn vị; một đồng chí phải đi cách ly tập trung do tiếp xúc gần với một trường hợp là F0 dù trong quá trình làm nhiệm vụ đã đeo khẩu trang. 

Vào ngày 31/3, đơn vị phối hợp với Đội an ninh Công an quận Long Biên nhận tin báo của nhân viên khách sạn Sao (trên địa bàn phường Bồ Đề) về một trường hợp người nước ngoài thuê phòng nghỉ tại khách sạn bị chảy máu mũi. 

Sau khi nhận thông tin, Công an phường phối hợp với y tế đã vận động người nước ngoài đi cấp cứu nhưng người đàn ông không chấp hành. Quá trình vận động thuyết phục, sau gần 3h đồng hồ, người đàn ông mới chịu đi khám tại Bệnh viện Đức Giang... 

Đây chính là trường hợp của bệnh nhân 237, vào thời điểm kiểm tra, trong người bệnh nhân không có một tấm giấy tờ tùy thân. Giấy tờ duy nhất là hộ chiếu thì đã bị Bênh viện Việt Pháp giữ lại hộ chiếu trong quá trình  khám tại Bệnh viện Việt- Pháp.

Trước đó, trường hợp của một người dân đã tiếp xúc gần với bệnh nhân số 17. Trường hợp này thuê nhà ở tổ 2, phường Bồ Đề, trong quá trình thuê nhà đã ở cùng với 8 người khác. Đồng chí Lý Ngọc Tuấn là CSKV phối hợp với Ủy ban xuống để đưa những người F1 đi cách ly tập trung tại Đông Anh..... 

Một ngày mục sở thị ở Công an phường tuyến đầu, chúng tôi hiểu rằng trong chỉ thị và kế hoạch thì y tế là lực lượng nòng cốt để chỉ đạo phòng, chống dịch nhưng thực tế, mọi việc đều phải có Công an phường tham dự phối hợp để điều hành và xử lý công việc... 

Cán bộ Công an phường Bồ Đề xuống tận tổ dân cư nhắc nhở và tuyên truyền cho người dân phòng, chống dịch 

Trao đổi với phóng viên, Trung tá Vũ Xuân Tính, Trưởng Công an phường Bồ Đề không khỏi những trăn trở: Phường Bồ Đề rộng 4km2, với dân số 32 nghìn dân. Liên quan đến công tác rà soát gặp nhiều khó khăn vì trên địa bàn có nhiều cơ quan, doanh nghiệp với các dự án, kéo theo việc xây dựng hạ tầng độ thị nhà ở, công nhân đến cư trú sinh sống. Ngoài ra còn có khá nhiều cơ sở kinh doanh nhạy cảm về ANTT như khách sạn, nhà nghỉ ... các cơ sở cho người nước ngoài thuê,...

Cùng với việc rà soát, thực hiện Chỉ thị 16  của Thủ tướng, Chỉ thị 05 của UBND TP Hà Nội về giãn cách xã hội, Công an phường đã tham mưu với UBND phường tuyên truyền; tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng;  nhắc nhở cho người dân thực hiện nội dung này. Cùng với chống dịch là tiếp tục tuyên truyền cho bà con thủ đoạn tội phạm lợi dụng dịch COVID-19 để gia tăng hoạt động. Các tổ tuần tra, kiểm soát tội phạm vào ban đêm vẫn lặng lẽ làm nhiệm vụ để phòng ngừa các loại tội phạm này. 

Qua đó, bắt hai vụ ma túy và một đối tượng trốn lệnh truy nã; phối hợp với quản lý thị trường kiểm tra, xử lý một trường hợp mua bán khẩu trang với số lượng khoảng 200 nghìn chiếc, đã bàn giao cơ quan chức năng để xử lý.


Xuân Mai
.
.