Hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn (23-1-1916 - 23-1-2016):

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn với tầm nhìn chiến lược về công tác kỹ thuật nghiệp vụ Công an

Thứ Năm, 21/01/2016, 08:32
Ngay sau khi được Trung ương Đảng cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an, đồng chí Trần Quốc Hoàn rất quan tâm đến các biện pháp nghiệp vụ trinh sát, đặc biệt là công tác trinh sát kỹ thuật (TSKT). 

Tháng 5-1953, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trinh sát lần thứ nhất tại Tuyên Quang, Hội nghị đã ra nghị quyết xác định 5 nội dung cốt lõi của công tác trinh sát chính trị, trong đó khẳng định “Chính trị là kim chỉ nam của kỹ thuật, kỹ thuật là công cụ của chính trị”. Tháng 5-1956, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ đã quyết định thành lập bộ phận Kiểm tra tài liệu bí mật (KTTLBM) trực thuộc Ban 6.

Cuối năm 1956, Bộ chỉ đạo Công an TP Hà Nội, Hải Phòng thành lập Tổ KTTLBM (trực thuộc Ty Công an), đồng thời chỉ đạo chọn những cán bộ của vụ Bảo vệ chính trị có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có trình độ nghiệp vụ và năng lực công tác về đơn vị TSKT. Năm 1959, Bộ đã chọn một số cán bộ trong lực lượng Bảo vệ chính trị và TSKT để huấn luyện, đào tạo nghiệp vụ và thành lập Tổ kiểm tra tin tức bí mật (KTTTBM), 2 tổ công tác trên được Bộ trưởng trực tiếp giao thực hiện một số công tác đặc biệt và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đây chính là tiền thân của lực lượng TSKT ngày nay. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cuộc đấu tranh chống phản cách mạng và tội phạm khác, tháng 12-1959 Đảng đoàn Bộ Công an đã ra Nghị quyết trong đó có chủ trương thành lập Vụ Kỹ thuật. Thi hành nghị quyết đó, ngày 21-2-1960 Bộ trưởng đã ra Quyết định số 109, QĐ-CA về việc thành lập Vụ Kỹ thuật, gọi tắt là Vụ 3 - Bộ Công an. Trên cơ sở quyết định đó, ngày 22-4-1960, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã ký quyết định thành lập Cục Trinh sát kỹ thuật (bí danh C39), với chức năng, nhiệm vụ giúp Bộ trưởng lãnh đạo thực hiện các chủ trương, kế hoạch biện pháp TSKT trong lực lượng Công an để điều tra, thu thập tin, tài liệu, phát hiện ngăn chặn âm mưu hoạt động tình báo, phá hoại của bọn gián điệp, phản động và bọn tội phạm khác. Từ đó, ngày 22-4 hàng năm là ngày truyền thống của Lực lượng Trinh sát Kỹ thuật nghiệp vụ II (KTNVII) Công an nhân dân.

Gần 30 năm trên cương vị Bộ trưởng, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã dành toàn bộ tâm huyết, trí tuệ cùng Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an quan tâm, chăm lo xây dựng lực lượng Công an, đặc biệt là công tác khoa học kỹ thuật, trong đó có Trinh sát KTNVII vững mạnh, trưởng thành về mọi mặt, góp phần to lớn vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Trong phát triển và xây dựng lực lượng, sau khi thành lập Cục C39, đồng chí Bộ trưởng đã chỉ đạo Công an một số tỉnh, thành phố thành lập Tổ TSKT nằm trong Phòng Bảo vệ chính trị do đồng chí Giám đốc trực tiếp phụ trách và chỉ đạo. Đồng thời với sự nhạy bén và tầm nhìn chiến lược đồng chí dự báo trước được tình hình cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã đến rất gần, vì vậy đồng chí Bộ trưởng đã cùng Đảng đoàn Bộ Công an chỉ đạo Cục TSKT triển khai thực hiện kế hoạch lựa chọn những cán bộ TSKT của các Ty Công an để huấn luyện, đào tạo nghiệp vụ TSKT và chi viện cán bộ cho An ninh miền Nam; tính từ năm 1965 đến năm 1972 Bộ đã cử gần 500 cán bộ TSKT chi viện An ninh miền Nam, số cán bộ này vừa trực tiếp tham gia chiến đấu, vừa phát triển lực lượng, vừa là nòng cốt xây dựng các đơn vị KTNVII sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Trong công tác chiến đấu và tổng kết thực tiễn, đồng chí Bộ trưởng cùng Đảng đoàn Bộ Công an và lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ, trong đó có TSKT phối hợp triển khai hàng nghìn kế hoạch trinh sát, yêu cầu chuyên án, vụ án đấu tranh với bọn tình báo, gián điệp (cài lại sau 1954), phản động lợi dụng dân tộc, tôn giáo, phỉ…, trong đó có nhiều chuyên án, vụ án đặc biệt quan trọng mà lực lượng KTNVII trực tiếp đấu tranh thắng lợi đã được ghi trong sổ vàng truyền thống của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam anh hùng, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng thời chỉ đạo tổ chức tổng kết các biện pháp KTNVII qua thực tiễn công tác, từ đó rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, góp phần tiếp tục thúc đẩy, phát triển công tác Trinh sát KTNVII.

Trong công tác hợp tác quốc tế, ngay từ ngày đầu thành lập đơn vị TSKT, đồng chí Bộ trưởng đã báo cáo Trung ương có Điện đề nghị cơ quan An ninh một số nước Xã hội chủ nghĩa tạo điều kiện giúp đỡ Cục TSKT trong đào tạo cán bộ, viện trợ, cung cấp phương tiện chuyên dụng, vật tư, thiết bị phục vụ công tác TSKT; tính từ năm 1960 đến năm 1975 đã có hàng trăm cán bộ, chiến sỹ Cục TSKT được gửi đi huấn luyện, đào tạo nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật, ngoại ngữ… tại Liên Xô (nay là các nước SNG), Hungary, Romani, CHDC Đức, Tiệp Khắc (nay là Séc và Slovakia), Trung Quốc… đây là những cán bộ cốt cán, đầu đàn trên một số lĩnh vực của Cục TSKT, đóng góp rất nhiều công sức, kinh nghiệm công tác góp phần phát triển, hoàn thiện lực lượng KTNVII như ngày nay.

Trong đầu tư nguồn lực và xây dụng cơ sở vật chất cho lực lượng TSKT, đồng chí Bộ trưởng đã trực tiếp viết thư đề nghị Ủy ban An ninh quốc gia Liên xô, Ủy ban An ninh CHDC Đức, Bộ Nội vụ Hungary,… cung cấp các hệ thống kỹ thuật, phương tiện nghiệp vụ và cử chuyên gia giỏi sang Việt Nam hướng dẫn cán bộ Cục TSKT nắm tính năng, tác dụng và cách sử dụng để phát huy hiệu quả, đặc biệt đồng chí Bộ trưởng viết thư đề nghị Ủy Ban An ninh quốc gia Liên Xô cử chuyên gia sang Việt Nam khảo sát, thiết kế và xây dựng công trình 44 Yết Kiêu, Bộ Công an ngày nay.

Có thể khẳng định trong suốt chặng đường 55 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, cán bộ chiến sỹ lực lượng KTNVII dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, trong đó có cá nhân đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã phát huy tinh thần đoàn kết, bản chất anh hùng cách mạng, truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân, luôn trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, tận tụy phục vụ nhân dân. Ghi nhận những đóng góp to lớn cho sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý cho các tập thể và cá nhân của lực lượng KTNVII nói chung, Cục KTNVII nói riêng. Đặc biệt, lực lượng KTNVII đã có 5 tập thể được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cục KTNVII được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới. Lực lượng TSKT nguyện tiếp tục kế thừa, trung thành và nỗ lực phấn đấu phát huy hơn nữa trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Thiếu tướng Lê Đức Thân - Cục trưởng A71
.
.