Vi phạm quyền tác giả sẽ bị phạt đến 500 triệu đồng

Thứ Tư, 06/11/2013, 20:49
Ngày 6/11, ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ VHTT&DL cho biết, theo Nghị định 131/CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, vừa mới ban hành thì mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với tổ chức là 500 triệu đồng, với cá nhân là 250 triệu đồng.

Cũng theo ông Vũ Xuân Thành, nghị định này thay đổi căn bản so với các nghị định liên quan tới việc xử phạt vi phạm quyền tác giả và các quyền liên quan trước đó. Nếu Nghị định số 47/2009/NĐ-CP trước đây việc xử phạt dựa trên  việc xác định giá trị hàng hóa bị vi phạm bản quyền thì nghị định mới này mức xử phạt lại dựa trên hành vi vi phạm.

Cụ thể như Nghị định 131/ CP quy định phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi sử dụng tác phẩm mà không nêu tên thật, bút danh tác giả, tên tác phẩm hoặc nêu không đúng tên thật hoặc bút danh tác giả, tên tác phẩm trên bản sao tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.

Đối với hành vi tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng. Nếu xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả thì bị phạt mức cao hơn, từ 5-10 triệu đồng. Liên quan đến sai phạm trong biểu diễn tác phẩm trước công chúng nghị định cũng quy định rõ đối với hành vi biểu diễn trực tiếp tác phẩm trước công chúng mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng….

Mức phạt cao nhất từ 200-250 triệu đồng sẽ được áp dụng cho cá nhân nếu có hành vi nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.Nghị định nêu rõ, các mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Nếu tổ chức vi phạm thì mức phạt sẽ tăng gấp 2 lần.

Ngoài phạt tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc sửa lại đúng tên tác giả, tên tác phẩm, tên người biểu diễn; buộc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan...

Đặc biệt, nghị định cũng mở rộng các đối tượng, đơn vị có thẩm quyền lập biên bản và xử phạt, ông Vũ Xuân Thành nói. Theo đó, thay vì việc xử phạt thuộc về UBND các tỉnh, thành phố,  thanh tra ngành dọc của bộ VHTT&DL thì nay, lực lượng công an tại các địa phương, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, quản lý thị trường cũng đều có thẩm quyền ra các quyết định xử phạt hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phụ hậu quả đối với các hành vi vi phạm tại nghị định này.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2013

Thanh Hằng
.
.
.