Tìm phương án bảo tồn di tích khảo cổ Vườn Chuối

Thứ Tư, 11/07/2018, 17:26
Được xác định là một phức hợp di tích thuộc giai đoạn tiền Đông Sơn và Đông Sơn nhưng khu di tích khảo cổ học Vườn Chuối tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội liên tục được cảnh báo về nguy cơ bị xóa sổ. Tìm giải pháp cho di tích này, ngày 11-7, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có cuộc tọa đàm với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, quản lý địa phương nhằm đánh giá giá trị cũng như đề xuất phương án bảo tồn cho di chỉ.

Di tích khảo cổ Vườn Chuối ước tính trải rộng trên diện tích 19.000m2, phát triển liên tục qua hơn 1.000 năm. Nhận định về di tích, PGS.TS Nguyễn Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng di chỉ Vườn Chuối có giá trị khoa học rất lớn, nhất là trong việc cung cấp tư liệu cho lịch sử đất nước từ thời nguyên thủy sang thời sơ sử, chứng minh sự phát triển liên tục về nguồn gốc, sự lan tỏa và phát triển của cộng đồng dân tộc Việt, đặc biệt là về người Việt cổ giai đoạn phát triển mạnh mẽ từ khu vực trung du xuống đồng bằng châu thổ. 

Tọa đàm tìm giải pháp bảo tồn và phát huy di chỉ Vườn Chuối

GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho hay, từ năm 1969 đến nay, đã có 8 đợt khai quật khu di tích khảo cổ học Vườn Chuối. 

Kết quả khai quật cho thấy tại đây còn sót lại rất nhiều dấu tích như xương cốt động vật, dấu tích liên quan đến nghề đúc đồng. Đó là khuôn đúc bằng đá, sỉ đồng, giọt đồng, thỏi đất nung. Một số dấu tích được cho là của cư dân cổ trong việc làm nền nhà hay các dấu tích lò đúc đồng liên quan đến giai đoạn Đồng Đậu. 

Di chỉ Vườn Chuối trong một lần khai quật

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng, sau các lần khai quật di tích đã có đến 29 ngôi mộ tiền sử (chủ yếu là mộ thuộc văn hóa Đông Sơn có đồ gốm và vũ khí đồng được chôn theo), gần 15 vạn mảnh gốm cùng với gần 50 hiện vật gốm vỡ và nguyên vẹn, 216 hiện vật bằng đồng, 11 hiện vật bằng sắt, hơn 1.000 hiện vật bằng gỗ và nhiều hiện vật bằng xương. 

Với một di chỉ khảo cổ học thì đây là con số vô cùng lớn. Nhưng, vì không được kiểm kê nên di tích khảo cổ Vườn Chuối không được đánh giá để xếp hạng. Đáng lo hơn cả là hiện nay, toàn bộ của di tích nằm trong diện tích quy hoạch Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch do Tổng công ty cổ phần Thương mại - Xây dựng Việt Nam (Vietracimex) đầu tư. Nếu không được bảo vệ kịp thời, di tích bị xóa sổ sẽ là thiệt thòi khá lớn cho quốc gia.

Tại buổi tọa đàm, nhiều nhà khoa học khác cùng cho rằng những cuộc khai quật trước đây mới chỉ tập trung ở trung tâm di tích. Để bảo tồn, phát huy giá trị di chỉ Vườn Chuối, cần có một đánh giá tổng thể về di tích cũng như kết luận về những tác động của thiên nhiên và con người tới di tích và có giải pháp cụ thể về thăm dò, khai quật.

Ghi nhận ý kiến của các nhà khoa học, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, ông Trương Minh Tiến khẳng định, Sở sẽ tập hợp tư liệu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận di tích cho khu khảo cổ Vườn Chuối, kiến nghị với UBND huyện Hoài Đức và chủ đầu Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch giữ nguyên hiện trạng của khu vực và bảo vệ di chỉ.

N.H
.
.
.